ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG LÂM SÀNG TRẦM CẢM Ở NGƯỜI BỆNH NGHIỆN RƯỢU ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ

ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG LÂM SÀNG TRẦM CẢM Ở NGƯỜI BỆNH NGHIỆN RƯỢU ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ

 

Chủ nhiệm đề tài:  Nguyễn Văn Tuấn

Thư ký đề tài:        Phạm Hồng Thái                  

Cộng sự:                Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Xuân Tú, Lê Kim Dung

Địa điểm: Bệnh viện tâm thần Hà Nội
Năm 2021

Tóm tắt

Bằng phương pháp nghiên cứu mô tả chùm ca bệnh 73 người bệnh nghiện rượu điều trị nội trú, đã chỉ ra tỷ lệ trầm cảm ở người bệnh rượu 58,9%, trong đó 93% xuất hiện trầm cảm ở giai đoạn hội chứng cai rượu, 7% xuất hiện trầm cảm ở giai đoạn hậu cai rượu. Trầm cảm nhẹ là chủ yếu: 34,2% giai đoạn hội chứng cai rượu, 19,2% giai đoạn hậu cai rượu. Trầm cảm vừa tỷ lệ thấp hơn: 20,65 và 4,1% tương ứng giai đoạn hội chứng cai rượu và hậu cai rượu. Triệu chứng ở hai giai đoạn hội chứng cai rượu và hậu cai rươu: giảm năng lượng chiếm tỷ lệ cao (90,0% và 82,4%), giảm khí sắc (77,5% và 70,6%), giảm quan tâm thích thú (50,0% và 47,1%), rối loạn giấc ngủ (100,0% và 64,7%), ăn ít ngon miệng (100,0% và 76,5%), giảm tập trung chú ý (95,0% và 82,4%). Có tương quan thuận giữa trầm cảm với thời gian nghiên rượu (B = 0,661), có tương quan nghịch giữa trầm cảm với hôn nhân, nhóm tuổi, nghề nghiệp, địa dư (B = -0,857, -587, -567, -0,386).

ĐẶT VẤN ĐỀ

Những năm gần đây tỷ lệ người lạm dụng rượu, nghiện rượu ở Việt Nam tăng nhanh. Theo Lê Anh Tuấn và Lý Trần Tình, điều tra tại cộng đồng dân cư Hà Nội năm 2010, nghiện rượu chiếm 3,24% ở người trên 15 tuổi (cả nam và nữ)1.

Tỷ lệ người bệnh rối loạn tâm thần do sử dụng rượu, chủ yếu là nghiện rượu điều trị nội trú tại các bệnh viện Tâm thần tăng nhanh. Nghiên cứu 5 năm tử 2015 đến 2019 tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho thấy tỷ lệ người bệnh rối loạn tâm thần chiếm 9,88% người bệnh điều trị nội trú, tỷ lệ người bệnh rối loạn tâm thần mới điều trị lần đầu trung bình 5 năm là 23,09% người bệnh nghiện chất2.

Nghiện rượu gây nhiều hậu quả trên cơ thể và tâm thần. Trầm cảm là một trong hậu quả của rượu trên cảm xúc, ngược lại trầm cảm có thể là nhân tố thúc đẩy thuận lợi cho lạm rượu, nghiện rượu. Tuy nhiên, trầm cảm do nhiễm độc rượu mạn tính biểu hiện chủ yếu là trầm cảm mức độ nhẹ, mức độ vừa, chính vì vậy trầm cảm do rượu ít được quan tâm đúng mức trong lâm sàng (Olié J.P; Barrucand D)3,4. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng trầm cảm ở người bệnh nghiện rượu giúp chẩn đoán và điều trị sớm rối loạn này, nhằm nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Ở Việt Nam, đã có một số nghiên cứu rối loạn cảm xúc ở người bệnh nghiện rượu, nhưng chưa có những nghiên cứu riêng biệt về trầm cảm ở người bệnh nghiện rượu điều trị nội trú, vì vậy chúng tôi chọn “Đặc điểm lâm sàng trầm cảm ở người bệnh nghiện rượu điều trị nội trú” làm đề tài nghiên cứu, với mục tiêu nghiên cứu:

Mục tiêu nghiên cứu:

1, Mô tả đặc điểm lâm sàng trầm cảm ở người bệnh nghiện rượu điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội năm 2021.

2, Xác định một số yếu tố liên quan đến trầm cảm ở nhóm đối tượng nêu trên.
1. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.1. Đối tượng nghiên cứu.

Gồm 73 người bệnh chẩn đoán nghiện rượu theo tiêu chuẩn chẩn đoán ICD.10 bản dành cho nghiên cứu, điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2021. Bao gồm: nghiện rượu (F10.2), trạng thái cai rượu (F10.3), sảng rượu (F10.4), rối loạn loạn thần do rượu (F10.5). Trong đó có 43 người bệnh có đủ tiêu chuẩn chẩn đoán giai đoạn trầm cảm theo ICD.10 về triệu chứng, xuất hiện trong quá trình điều trị.

1.2. Phương pháp nghiên cứu.

+ Thiết kế nghiên cứu: mô tả chùm ca bệnh nghiện rượu có trầm cảm.

+ Tiêu chuẩn chọn mẫu: người bệnh nghiện rượu điều trị nội trú cho mục tiêu 2. Trong đó người bệnh nghiện rượu có đủ triệu chứng của giai đoạn trầm cảm cho mục tiêu 1.

+ Tiêu chuaanrr loại trừ: Người bệnh có rối loạn tâm thần trước nghiện rượu. Người bệnh có bệnh thực tổn não.  Người bệnh sa sút trí tuệ. Người bệnh sử dụng ma túy, chất tác động tâm thần khác (trừ thuốc lá, trà, cà phê). Người bệnh có bệnh cơ thể nặng không do rượu. Thân nhân người bệnh, người bệnh không tự nguyện tham gia nghiên cứu. Người bệnh không có điều kiện, thời gian theo dõi thu thập thông tin nghiên cứu.

+ Phương pháp thu thập thông tin:

– Công cụ nghiên cứu: Tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện rượu, chẩn đoán giai đoạn trầm cảm theo ICD.10, thang HAM-D, HAM-A, bệnh án nghiên cứu.

– Kỹ thuật thu thập thông tin: phỏng vấn, khám bệnh, làm trắc nghiệm tâm lý.

+ Các biến số, chỉ số nghiên cứu: Biến độc lập: tuổi, nhân khẩu học, thời gian, mức độ nghiện rượu, tuổi nghiện rượu, thể bệnh. Mục tiêu 1: tỷ lệ trầm cảm, mức độ trầm cảm theo giai đoạn T1 (7 ± 2 ngày), T2 (14 ± 2 ngày), tỷ lệ các triệu chứng chủ yếu, phổ biến, cơ thê của trầm cảm giai đoạn T1, T2. Mục tiêu 2: mối liên quan của trầm cảm với biến số, chỉ số độc lập.

+ Xử lý số liệu: số liệu được trình bày bằng số, tỷ lệ %, trung bình trung vị, thuật toán χ2, t-student, hồi quy tuyến tính logistic đa biến được sử dụng. Sử dụng phần mềm SPSS 20.0.

2. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN

2.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu.

+ Đặc điểm về nhân khẩu học.

100% người bệnh nam, trung bình 50,77 ± 10,472 tuổi, nhóm trên 50 tuổi tỷ lệ cao nhất 49,3%. Học vấn chủ yếu THCS và THPT đều 39,7%. Nghề nghiệp chủ yếu lao động chân tay (tự do 49,3%, nông dân 15,1%). Hôn nhân chủ yếu kết hôn 84,9%. Nơi sống 64,4% nông thôn 36,6% thành thị.

Kết quả nhóm tuổi trong nghiên cứu của chúng tôi phù hợp vớiPhạm Quang Lịch (31-51 tuổi chiếm 83,3%)28, Lường Thị Phương liên (30.50 tuổi chiếm tỷ lệ 75%)22 và Barrucand D4, Reynaud M8, tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu cao hơn Lý Trần Tình (43 ± 7,4 tuổi)24 có thể do thời điểm nghiên cứu của chúng tôi mẫu khác với tác giả.

Tỷ lệ các yếu tố nhân khẩu học: học vấn, nghề nghiệp, hôn nhân trong nghiên cứu của chúng tôi phù với tác giá Nguyễn Thị Hồng Thương29, Lường Thị Phương Liên22.

+ Đặc điểm nghiện rượu và chẩn đoán theo ICD.10.

Tuổi bắt đầu nghiện rượu trung bình 50,77 ± 10,472 tuổi, trong đó dưới 21 tuổi 17,8%, 21 – 30 tuổi 43,8%, trên 30 tuổi 38,4%. Thơi gian nghiện rượu trung bình 21,68 ± 9,336 năm, trong đó dưới 11 năm 17,8%, 11 – 20 năm 35,6%, trên 20 năm 46,6%. Mức độ nghiện rượu vừa 19,2%, nặng 80,8%. Chẩn đoán F10.2 38,4%, F10.3 12,3%, F10.4 11,0%, F10.51 21,9%, F10.52 9,6%.

Kết quả nghiên cứu của chúng tổi nhóm thời gian nghiện rượu dài chiếm tỷ lệ cao khác biệt với tác giả Phạm Quang Lịch28 46,7% nghiện rượu trên 10 năm, Lướng Thị Phương Liên22 nghiện rượu trên 10 năm 15% có thể do nhóm người bệnh nghiên cứu của chúng tôi gồm các người bệnh nặng điều trị nội trú. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với một số quan điểm của một số tác giả Darcourt G5, Barrucand D4, các tác giả cho rằng hậu quả về tâm thần thường xảy ra sau 10 năm nghiện rượu. Tỷ lệ mức độ nghiện rượu nặng của chúng tôi cao hơn Raynaud M8, có thể do nhóm người bệnh nghiên cứu của chúng tôi bao gồm các người bệnh rối loạn tâm thần điều trị nội trú.

2.2. Đặc điểm lâm sàng.

2.2.1. Tỷ lệ trầm cảm, mức độ trầm cảm.

+ Tỷ lệ trầm cảm 58,9%, trong đó xuất hiện ở giai đoạn T1 40 người bệnh (NB) 93%, giái đoạn T2 3 NB 7%. Trầm cảm giai đoạn T1 40 NB chiếm 54,8%, giai đoạn T2 17 NB (3 NB mới xuất hiện giai đoạn T2 và 14 NB từ giai đoạn T1) chiếm 23,3% trong 73 NB nghiện rượu.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với đa số các tác giả, như: Lener J.C30 có 65% trầm cảm ở người nghiện rượu. Daniker P31 cho rằng có từ 12% đến 98% bệnh nhân nghiện rượu mạn tính có trầm cảm. Lý Trần Tình24 cho rằng có 55,2% trầm cảm ở bệnh nhân loạn thần do rượu. Nguyễn Thị Hồng Thương29 có 54,1% trầm cảm ở người nghiện rượu. Thời điểm xuất hiện trầm cảm trong nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với tác giả Barrucand D4, Raynaud M8, các tác giả cho rằng trầm cảm do rượu xuất hiện nhiều ở giai đoạn hội chứng cai rượu.

+ Giai đoạn T1 trầm cảm mức độ nhẹ 34,2%, vừa 20,6%, giai đoạn T2, mức độ trầm cảm nhẹ 19,2%, vừa 4,1% trên tổng số 73 NB nghiện rượu.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với tác giả Lener J.C30, Daniker P31, các tác giả cho rằng trầm cảm ở người nghiện rượu chủ yếu trầm cảm nhẹ. Tỷ lệ trầm cảm vừa của chúng tôi thấp hơn so với tác giả Lý Trần Tình24 (37,5%), có thể do phương pháp đánh giá trầm cảm và giai đoạn đánh giá trầm cảm của chứng tôi khác tác giả.

2.2.1. Tỷ lệ triệu chứng của trầm cảm

Tỷ lệ triệu chứng ở nhóm NB trầm cảm (43 NB):

+ Triệu chứng chủ yếu của trầm cảm: Giai đoạn T1, giảm khí sắc có tỷ lệ 77,5%, giảm năng lượng 90,0%, giảm quan tâm thích thú 50,0%; Giai đoạn T2, giamr kí sắc 70,6%, giảm năng lượng 82,4%, giảm quan tâm thích thú 47,1%.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp đa số các tác giả, như: Olié J.P, Poirier M.F, Lôo H14; Ades J và Lejoyeux M12 cho rằng triệu chứng trầm cảm ở người bệnh nghiện rượu cao nhất là giảm năng lượng, trống rỗng, triệu chứng giảm khí sắc thường kín đáo và thấp hơn. Clément J.P25 cho rằng triệu chứng trầm cảm hay gặp ở người nghiện rượu mạn tính là: suy nhược, thờ ơ, thu hẹp cảm xúc, loạn khí sắc với buồn rầu, cáu kỉnh, thất vọng, rối loạn giấc ngủ25. Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với Lý Trần Tình24, tác giả cho rằng có 93,8% giảm năng lượng, 71,9% giảm khí sắc ở người bệnh loạn thần do rượu có trầm cảm.

+ Triệu chứng phổ biến của trầm cảm: Giai đoạn T1, giảm tập trung chú ý 95,0%, rối loạn giấc ngủ và ăn ít ngon miệng đều 100,0%, giảm tính tự trọng và lòng tự tin 30,0%. Giai đoạn T2, giảm tập trung chú ý 82,4%, rối loạn giấc ngủ 64,7%, ăn ít ngon miệng 76,5%, giảm tính tự trọng và lòng tự tin 41,2%.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với tác giả Barrucand D4, Daniker P31, các tác giả cho rằng giảm tập trung chú ý, rối loạn giấc ngủ, ăn ít ngon miệng là triệu chứng thường gặp ở người nghiện rượu mạn tính. Lý Trần Tình24 cho rằng triệu chứng giảm tập trung chú ý chiếm 82,3%, rối loạn giấc ngủ 100%, ăn ít ngon miệng 68,8% ở trầm cảm do rượu.

+ Triệu chứng cơ thể của trầm cảm giai đoạn T1 chiếm tỷ lệ thấp: sút cân 10,0%, chậm chạp vận động 17,5%, giảm dục năng 12,5%.

Triệu chứng cơ thể trong nghiên cứu của chúng tôi thấp so với đa số các tác giả, có thể do cách đánh giá và thời gian nghiên cứu còn ngắn chưa đủ điều kiện đánh giá chi tiết.

+ Điểm trung bình thang HAM-D nhóm NB trầm cảm (35 NB) là 8,79 ± 5,134 điểm, trong đó trầm cảm mức độ nhẹ (22 NB) 8,29 ± 5,207 điểm, trầm cảm mức độ vừa (13 NB) 9,67 ± 5,105 điểm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy mức điểm thang HAM-D biểu hiện có trầm cảm và phù hợp với mức điểm trầm cảm nhẹ và vừa, không đạt tới mức điểm trầm cảm nặng (điển hình). Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu lâm sàng.

2.3. Một số yếu tố liên quan trầm cảm, triệu chứng trầm cảm.

Bảng 3.1. Một số yếu tố liên quan đến trầm cảm trong mô hình hồi quy logistic đa biến (N = 73).

Đặc điểm B (Hệ số hồi quy) OR 95% CI
Nhóm tuổi – 0,587 0,556 0,23 – 1,34
Học vấn 0,174 1,19 0,574 – 2,647
Nghề nghiệp – 0,567 0,568 0,362 – 0,891
Hôn nhân – 0,857 0,424 0,146 – 1,232
Địa dư – 0,386 0,697 0,356 – 1,297
Nhóm tgian nghiện rượu 0,661 1,938 0,712 – 5,273
Mức độ nghiện rượu 0,001 0,999 0,141 – 7,094
Chẩn đoán ICD.10 0,035 0,966 0,694 – 1,345
Hằng số (Constant) 3,146 23,238

 

+ Trong mô hình hồi quy tuyến tính logistic đa biến có mối liên quan giữa trầm cảm với một số yếu tố:

– Tương quan thuận giữa trầm cảm với thời gian nghiện rượu (B = 0,661), nghiện rượu càng lâu trầm cảm càng nhiều.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với đa số cac tác giả, như: Olié J.P, Poirier M.F, Lôo H14, Lener J.C30… Các tác giả cho răng thời gian nghiện rượu càng dài nguy cơ rối loạn tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng sẽ càng tăng.

– Tương quan nghịch giữa trầm cảm với hôn nhân, nhóm tuổi, nơi ở theo mực độ từ mạnh tới nhẹ (B = -0.857, -0,587, -0,386). Trầm cảm nhiều ở nhóm kết hôn, nhóm tuổi thấp, nơi ở thành thị.

Qua kết quả nghiên cứu kết hôn có trầm cảm cao hơn nhóm khác, có thể do khi có gia đình, có sự đòi hỏi trách nhiệm cao hơn, có sự phê phán nhiều hơn, trong khi người bệnh nghiện rượu không đáp ứng được điều đó dẫn đến trầm cảm cao hơn.

Nhóm tuổi thấp có trầm cảm cao hơn, có thể lý giải điều này do các nhóm tuổi thấp chịu sự mặc cảm, sự đòi hỏi trước cuộc sống nhiều hơn, nhưng người nghiện rượu không đáp ứng được điều đó, dẫn đến trầm cảm, ngược lại các nhóm tuổi cao hơn đã có sự thích nghi với sự mặc cảm, các đòi hỏi của cuộc sống.

Nhóm người bệnh ở thành thị có trầm cảm cao hơn, có thể do cuộc sống ở thành thị có nhiều áp lực cuộc sống hơn, nhưng người bệnh nghiện rượu không đáp ứng được dẫn đến trầm cảm cao hơn.

– Không có tương quan giữa trầm cảm với học vấn, mức độ nghiện rượu, mã chẩn đoán rối loạn tâm thần do rượu.

+ Không thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa điểm trung bình thang HAM-D với các yếu tố nhóm tuổi, học vấn, nghề nghiệp, nơi ở, tuổi bắt đầu nghiện rượu, thời gian nghiện rượu, mức độ nghiện rượu.

KẾT LUẬN

Qua kết quả nghiên cứu 73 người bệnh nghiện rượu điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội năm 2021, chúng tôi có một số kết luận sau:

  1. Trầm cảm chiếm tỷ lệ cao ở người bệnh nghiện rượu (58,9%), trầm cảm xuất hiện chủ yếu ở giai đoạn hội chứng cai rượu 93%. Trầm cảm mức độ nhẹ chiếm chủ yếu giai đoạn hội chứng cai rượu 34,2%, giai đoạn hậu cai rượu 19,2%. Trầm cảm mức độ vừa tỷ lệ thấp hơn, giai đoạn hội chứng cai rượu 20,6% và hậu cai rượu 4,1%.

Triệu chứng chủ yếu của trầm cảm: giảm năng lượng có tỷ lệ cao nhất 90,0% giai đoạn hội chứng cai rượu và 82,4% giai đoạn hậu cai rượu; giảm khí sắc có tỷ lệ 77,5% giai đoạn hội chứng cai rượu và 70,6% giai đoạn hậu cai rượu; giảm quan tâm thích thú có tỷ lệ 50,0% giai đoạn hội chứng cai rượu và 47,1%  giai đoạn hậu cai rượu.

Triệu chứng phổ biến của trầm cảm có tỷ lệ cảo là rối loạn giấc ngủ 100% và 64,7%, ăn ít ngon miệng 100% và 76,5%, giảm tập trung chú ý 95,0% và 82,4% tương ứng với giai đoạn hội chứng cai và hậu cai rượu.

  1. Có tương quan thuận giữa trầm cảm với thời gian nghiện rượu, với hệ số hồi quy là 0,661. Trầm cảm càng cao khi thời gian nghiện rượu càng dài.

Có tương quan nghịch giữa trầm cảm với hôn nhân, nhóm tuổi, địa dư, hệ số hồi quy từ mạnh đến nhẹ lần lượt là: B = -0,857, -587, -0,386. Trầm cảm có cao ở nhóm kết hôn, nhóm ở thành thị.

Thread name:

Clinical of depressive disorder in alcolohic inpatient

Summary

A cross-sectional study on 73 alcoholic patients, there was a rate of depressive in alcoholic patients 58.9%. We found 93% of depresssive patient appeared in the alcohol withdrawal stage, 7% of depresssive patient appeared in the post- alcohol withdrawal stage. Mild depressive: 34.2% in alcohol withdrawal stage, 19.2% in post alcohol withdrawal stage. Moderate depressive had a lower prevalence: 20.65 and 4.1%, respectively, for alcohol withdrawal stage and post-alcohol withdrawal stage. Symptoms in two stages of alcohol withdrawal and post-alcohol withdrawal: reduced energy accounted for a high rate (90.0% and 82.4%), depressed mood (77.5% and 70.6%), loss of interest and enjoyment (50.0% and 47.1%), disturbed sleep (100.0% and 64.7%), diminished appetite (100.0% and 76.5%), reduced concentration and attention (95.0% and 82.4%). There is a positive correlation between depression and the length of time of alcohol abuse (B = 0.661), there is a negative correlation between depression and marriage, age group and geographical location (B = -0.857, -587, -0.386).

Tài liệu tham khảo

 

  1. Lê Anh Tuấn và Lý Trần Tình. Lạm dụng rượu, nghiện rượu ở Hà Nội. Nhà xuất bản Hà Nội, Hà Nội, 2010: 76 – 112.
  2. Nguyễn Văn Tuấn và cộng sự. Cơ cấu người bệnh rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiện ở người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Bệnh viện Tâm thần Hà Nôi, 2019: 19 – 20.
  3. Olié J.P et al. Complication de l’alcoolisme chronique. Le livre de L’interne Psychiatrie, Ed Médecine-Sciences Flammarion, Paris. 2000: 330 – 340.
  4. Barrucand D et al. Alcoologie, Ed du Departement d’Alcoologie Therapeutique Riom Laboratoire-CERM, Paris, 1997: 21 – 69, 79 – 93, 141 – 145, 155 –160, 183 – 185, 199  – 208, 211 – 237, 253 – 269.
  5. Darcourt G et al. Alcoolisme. Drogue: intoxication aigue et chronique. syndrome de sevrage. complications psychiatriques, neurologiques aigues et chroniques imputables à la consommation de drogue illicites. Internat, Ed Heures, Paris,1998: 130 – 169.
  6. Tổ chức Y tế Thế giới. Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất tác động tâm thần. Phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 về các rối loạn tâm thần và hành vi, Bản dành cho nghiên cứu, Geneva, Biên dịch: Trần Viết nghị và cs, 1993: 6-19, 28, 34- 51.
  7. Bùi Đức Trình. Áp dụng thang điểm CIWA trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân cai rượu. Kỷ yếu các công trình khoa học kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Sức khỏe Tâm thần 1991-2011, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bộ Y Tế, Nhà xuất bản Y Học, Hà Nội.2011: 160 – 165.
  8. Reynaud M et al. Pratiques addictives. Ed Odile Jacob, Paris,2002: 249 – 266.
  9. Nguyễn Kim Việt và cs. Lạm dụng chất ở trẻ vị thành niên. Tóm lược Tâm thần học trẻ em và thanh thiếu niên, trích và dịch theo Kaplan & Sadock’s Consie Texboook of Child and Aldolesscent psychiatry, 10/E, 2009, Lippincott William & Wilkns/Wolters Kluwer Health, Nhà xuất bản Y Học, Hà Nội, 2013: 311 – 320.
  10. Gorwood Ph. Những phát hiện của di truyền học phân tử về nghiện rượu. Thông tin y học: Chuyên ngành Tâm thần, Bộ y tế, Nguyễn Mạnh Hùng dịch theo Génétique et alcoolo-dépendance. Neuro-py, Avril 1995, 4, 1997: 4 – 5.
  11. Guelfi J.D. Troubles liés à une substance. Diagnostic and statistical manuel of mental disorders Mini (DSM-IV Mini), 4th ed, Version en francaise, Édition MASSON, Paris, 1994: 106 – 119.
  12. Adès J and Lejoyeux M. Lanxiété est-elle une cause ou une conséquence de lalcoolisme. LAlcoolisme en questions, Ed Sanofi-Departement CLINDIPHAC, Paris, 1994: 47- 55.
  13. Karasu T.B et al. Treatment of Patient with major depressive disorder. Pratice guidelines for the treatment of psychiatric disorders, Compendium, Part 1, 2004: 441- 472.
  14. Olié J.P; Poirier M.F; Lôo H. Dépression et Alcool. Les maladies dépressives, 2e ed. Médecine Sciences Flammarion, Paris, 1995: 101 – 105.
  15. Malka R; Lôo H; Ganry H; Marey C; Kamou A. Acceptabilité clinique et paraclinique de la Tianeptine prescrite au long cours chez des patients déprimés et alcooliques. Alcoologie, Nervure journal de psychiatrie, 12, 2003: 149 – 158.
  16. Michael G; Dennis G; Richard M. The abuse of alcohol and drugs. Oxford Textbook of Psychiatry. Second Ed, Oxford University Press, London, 1990: 519.
  17. Cottereau M.J. Alcoolisme et dépression. Nervure journal de psychiatrie, V – Fév, 1992: 11 – 18.
  18. Léger J.M; Lombertie E; Bourrat M.M. Anxiété, dépression et Alcoolisme. Anxiété, dépression rupture ou continuité ?.ICI, 1987: 183-190.
  19. Odile J.P. Alcoolisme et depression, Mémoire de fin détude. Université de Nancy. Bibliotheque Medecine Nancy, 1972: 52-65.
  20. Pichot P; Guelfi J.D. Semiologie de la dépression. Encyclopedie Medico – Chirurgicale. Edition Techniques, Paris, 1980: 2 – 3.
  21. Nguyễn Mạnh Hùng. Đặc điểm lâm sàng của loạn thần do rượu với hoang tưởng và ảo giác chiếm ưu thế. Luận văn thạc sĩ y học, Trường Đại học Y Hà Nội, 1997: 30 – 46.
  22. Lường Thị Phương Liên. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng ở bệnh nhân loạn thần do rượu tại Bệnh viện đa khoa trung ương Thái nguyên. Luận văn thạc sĩ y học, Trường Đại học y khoa, Đại học Thái Nguyên, 2001: 34 – 40.
  23. Magnan P.P and Galinowski A, La personnalité dépressive, La dépression études, Trouble dysthymique et troubles de la personnalité: Collection médecine et psychothérapie, Masson, Paris, 1991: 108 – 112.
  24. Lý Trần Tình. Đặc điểm lâm sàng rối loạn cảm xúc ở bệnh nhân loạn thần do rượu. Luận văn tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp 2, Đại học Y Hà Nội, 2006.
  25. Clément J.P. Conduite addictive chez le sujet âgé. Lencephale du praticien – Addictions. Ed Masson, 8, 2002: 17-20.
  26. Thomas F et al. AUDIT, The Alcohol Use Disorders Identification Test, Guidelines for Use in Primary Care. Second Ed, Department of Mental Health and Substance Dependence, World Health Organization. 2001.
  27. Guelfi J.D and Waintraub L. L’ECHELLE DE DEPRESSION DE HAMILTON. L’ECHELLE D’ANXIETE DE HAMILTON, L’Évaluation clinique standardisée en psychiatrie – CD, Pierre Fabre Systeme Nerveux Central. 1997.
  28. Phạm Quang Lịch. Đặc điểm rối loạn trí nhớ, chú ý ở bệnh nhân nghiện rượu mạn tính, Luận văn Thạc sĩ Y học, Học viện Quân Y, 2003: 36 – 58.
  29. Nguyễn Thị Hồng Thương. Đặc điểm hội chứng cai rượu trên bệnh nhân nghiện rượu mạn tính, Luận văn Thạc sĩ Y học, Học viện Quân Y, 2003:  40 – 55.
  30. Leners J.C. Alcoolisme et abus de tranquillisants. Psychogériatrie, Aspects clinique, 2, 2001: 279 – 288.
  31. Daniker P et al. Trouble de l’orientation, trouble de la vigilance et de l’attention, Trouble de la mémoire. Alcoolisme. Précis de Psychiatrie clinique de l’ Adulte, Ed MASSON, Paris, 1990: 26 – 39, 319 – 333.

Leave A Comment