HÀNH VI TỰ HỦY HOẠI (SELF-HARM)

Ths. Nguyễn Thúy Anh – Khoa Nhi, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội

Hành vi tự hủy hoại là gì?

Hành vi tự hủy hoại (self-harm) là hành vi cố ý gây tổn thương cho bản thân. Mặc dù đây không được gọi là một bệnh lý tâm thần, nó vẫn có liên quan chặt chẽ đến các rối loạn tâm thần khác nhau.

Có nhiều hình thức tự gây hại khác nhau: tự cắt hoặc rạch, tự đánh mình hoặc tự đập đầu vào tường, tự gây bỏng, nhổ tóc hoặc cậy da …; tuy nhiên, hình thức phổ biến nhất là tự cắt/ rạch. Người có hành vi tự hại bằng cách cắt hoặc rạch thường có xu hướng sử dụng các vật sắc nhọn như dao lam, kéo, compa… để cứa lên các vùng kín của cơ thể (mặt trong cánh cẳng tay, mặt trong đùi, bụng). Các vết cứa nông, thường ít gây chảy máu.

Hành vi tự hại thường gặp ở đối tượng nào?

Hành vi tự hủy hoại có thể gặp ở bất cứ ai, tuy nhiên thường gặp hơn ở phụ nữ và trẻ vị thành niên.

Một cuộc khảo sát nhanh tại Anh năm 2023 cho biết: 30,4% trẻ em trong độ tuổi từ 8-16 có hành vi tự hủy hoại; 69,5% người trong độ tuổi từ 17-25 đã từng nỗ lực thực hiện hành vi này.

Nguyên nhân nào dẫn đến hành vi tự hủy hoại?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi tự hủy hoại. Các nguyên nhân này có thể thay đổi theo thời gian và không giống nhau giữa các cá thể.

Một số nguyên nhân phổ biến được biết đến gồm:

  • Giải tỏa cảm xúc: Hành vi tự hủy hoại thường được nhắc đến như một công cụ giúp loại bỏ các cảm xúc không thoải mái. Đó có thể là sự căng thẳng, giận dữ, buồn chán, lo lắng, hay mất hy vọng; thực hiện hành vi tự hủy hoại giúp làm giảm tạm thời các cảm xúc khó chịu này.  
  • Trừng phạt bản thân: Hành vi tự hủy hoại cũng được nhắc đến như một cách thức để trừng phạt bản thân; thực hiện hành vi tự hủy hoại giúp làm giảm cảm giác thất vọng hay tội lỗi về một ý nghĩ hoặc một hành vi không hoặc ít phù hợp.
  • Tìm kiếm sự chú ý: Cá nhân gặp khó khăn trong giao tiếp và chia sẻ với người khác có thể thực hiện hành vi tự hủy hoại như một công cụ giao tiếp, tìm kiếm sự quan tâm chú ý và giúp đỡ của người xung quanh.
  • Nỗ lực kiểm soát: Trong một số trường hợp, thực hiện hành vi tự hủy hoại giúp người thực hiện hành vi giảm bớt trạng thái quá tải về cảm xúc.

Nên làm gì khi có hành vi tự hủy hoại?     

          Mặc dù hành vi tự hủy hoại không nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, người ta tìm thấy mối liên quan chặt chẽ giữa hành vi tự hủy hoại với tự sát và các rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, lo âu… Người có hành vi tự hủy hoại có nguy cơ cao gặp các bệnh lý tâm thần hơn so với người không có hành vi này.

          Vì vậy, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ tnếu bạn có hoặc biết ai đang có hành vi này. Hãy chia sẻ với người thân hoặc bất kì ai bạn thấy tin tưởng. Tại Bênh viện Tâm thần Hà Nội, chúng tôi cũng có những nhà tâm lý, bác sỹ tâm thần luôn lắng nghe và sẵn sàng giúp đỡ bạn, cùng bạn đồng hành để loại bỏ những hành vi gây hại này.