HOẠT ĐỘNG PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TÂM THẦN TẠI BỆNH VIỆN TÂM THẦN HÀ NỘI

BS. Nguyễn Mai Trang – P. Chỉ đạo tuyến

I. Giới thiệu về bệnh viện:

– Bệnh viện tâm thần Hà Nội là bệnh viện chuyên khoa hạng I của thành phố Hà Nội. Bệnh viện có nhiệm vụ khám chữa bệnh tâm thần cho nhân dân thủ đô, thực hiện công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, giám định lao động, công tác chuyên khoa đầu ngành và chỉ đạo tuyến.

– Chỉ tiêu kế hoạch 450 giường bệnh nội trú và trực tiếp chỉ đạo 21/30 Trung tâm y tế về chuyên khoa tâm thần, quản lý 11.103 bệnh nhân (BN), trong đó gồm 4.527 BN tâm thần phân liêt, 3.961 BN động kinh… (Toàn thành phố Hà Nội có gần 18.000 BN tâm thần ngoại trú, trong đó gồm 7.602 BN tâm thần phân liệt, 6.426 BN động kinh…).

II. Các phương pháp chữa bệnh tâm thần phân liệt:

  1. Liệu pháp sinh học:

– Liệu pháp hóa dược: Dùng thuốc

– Liệu pháp chuyên biệt: Sốc điện, kích thích từ xuyên sọ, bơm khí não…

  1. Liệu pháp tâm lý xã hội (trị liệu tâm lý)
  2. Liệu pháp phục hồi chức năng tâm thần.

III. Liệu pháp phục hồi chức năng tâm thần:

Liệu pháp phục hồi chức năng tâm thần được chia thành 3 nhóm chính như sau:

+ Liệu pháp nhằm khôi phục, duy trì các tập tính cá nhân cho người bệnh (NB)

+ Liệu pháp luyện tập thân thể, thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật, nghỉ ngơi thư giãn và các hình thức giải trí khác.

+ Liệu pháp lao động (LPLĐ).

– Liệu pháp phục hồi chức năng tâm thần (LPPHCNTT) còn được gọi là liệu pháp tái thích ứng xã hội. Đây là liệu pháp quan trọng trong tâm thần học, không thể thiếu ở bất cứ cơ sở điều BN tâm thần nào, cả trong nội trú và ngoại trú.

– LPPHCNTT có thể được sử dụng trong nhiều chuyên ngành khác, đây là liệu pháp phục hồi cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, tâm lý cho NB.

– Người bệnh tham gia LPPHCNTT một cách chủ động tích cực hay bị động phụ thuộc nhiều vào nhân viên y tế, cơ sở vật chất, tình trạng bệnh tật.

– Mục đích cuối cùng của PHCNTT là: Đưa người bệnh trở về với xã hội, môi trường xung quanh, đưa họ trở lại gần với “vị trí” ban đầu.

– Tùy từng bệnh nhân, chúng ta có thể đưa họ trở lại với công việc của họ trước khi bị bệnh, hay chuyển đổi những công việc mới thích hợp hơn, tránh tái phát, giảm gánh nặng cho gia đình.

IV. Quá trình tổ chức hoạt động phục hồi chức năng tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.

  1. Các loại hình phục hồi chức năng tâm thần trước đây.

Từ khoảng những năm 1990 đến 2000, các hoạt động khôi phục tập tính cá nhân, hoạt động TDTT- Văn hóa giải trí, lao động liệu pháp chưa được phân chia cụ thể và chưa thực sự được chú trọng.

Bệnh viện có tổ chức một số hoạt động cho bệnh nhân:

+ Vệ sinh răng miệng bệnh nhân tự làm, nhân viên ít kiểm tra đôn đốc.

+ Vệ sinh cơ thể (tắm rửa). Bệnh nhân tự tắm rửa, tự giặt quần áo.

+ Vệ sinh râu, tóc, móng: Nhân viên làm cho bệnh nhân.

+ Các hoạt động TDTT-VHGT: Chơi bài, chơi cờ, đánh bóng bàn, đọc sách: số lượng bệnh nhân tham gia tự phát, ít.

+ Lao động liệu pháp: May vá, đan lát, làm bát (gốm sứ), dệt chiếu

  1. Các hoạt động PHCN hiện nay tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.

– Nhân viên PHCN: Bệnh viện có một nhân viên PHCNTT có trình độ đại học, có 3 điều dưỡng được bổ túc chuyên sâu về công tác PHCN. Đội ngũ điều dưỡng bệnh viện được tập huấn về một số kỹ năng tổ chức các hoạt động PHCNTT

– Cơ sở vật chất:

+ Bệnh viện có 1 nhà thi đấu đa năng 250 m2, có 2 thảm thi đấu cầu lông, bóng chuyền, có các máy tập (xe đạp, máy đi bộ, máy tập với ròng rọc, máy kéo giãn cột sống…) có sân khấu “di động” có thể phục vụ tập luyện, thi đấu thể dục thể thao, ca nhạc và một số hoạt động tập thể cho người bệnh , nhân viên…

+ Tại các khoa: Mỗi khoa có một phòng sinh hoạt chung khoảng 40 m2 có “dàn” hát Karaoke. Có một sân tập luyện thi đấu cầu lông, bóng chuyền, có các dụng cụ tổ chức trò chơi cho người bệnh như bài, cờ tướng, sách báo…

2.1. Hoạt động khôi phục tập tính cá nhân:

– Buổi sáng khi ngủ dậy BN gấp chăn màn để tại giường, hoặc thu gom cất chăn màn, được nhân viên y tế hướng dẫn giám sát.

– Đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân sáng: 100% bệnh nhân thực hiện với sự hướng dẫn, giám sát của nhân viên y tế.

– Bệnh nhân tự cạo râu, cắt móng tay, rửa chân tay dưới sự hướng dẫn, giám sát của nhân viên y tế

– Bệnh nhân tắm giặt hàng ngày – nhân viên y tế giám sát.

2.2. Các hoạt động TDTT- VHGT – Thư giãn nghỉ ngơi và các hình thức giải trí khác.

– Bệnh nhân sinh hoạt, chơi các trò chơi theo nhóm: Đọc báo, chơi cờ, chơi bài, hát karaoke.

– Bệnh nhân tham gia tập luyện TDTT các môn: Bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, bóng bàn, tổ chức cho BN đi bộ hàng ngày vào các buổi sáng; đối với các BN cao tuổi được tham gia các hoạt động “ nhẹ nhàng” phù hợp như chuyền tay bóng bay, ném bóng nhựa qua lưới thấp…

– Tổ chức giao lưu các môn thể thao giữa các khoa mỗi tuần 1-2 buổi.

– Tổ chức giao lưu văn nghệ giữa bệnh nhân các khoa hàng tháng.

– Tổ chức thi đấu giao lưu thể dục thể thao kết hợp ca nhạc cho bệnh nhân, nhân dịp các ngày kỷ niệm: thầy thuốc Việt Nam, ngày 30/4 và 1/5, ngày Quốc Khánh, ngày Sức khỏe tâm thần thế giới.

* Khi tổ chức các hoạt động tập luyện thi đấu TDTT quy mô có sự ủng hộ của các “Mạnh thường quân” gồm các nhà hảo tâm, đóng góp kinh phí từ Chi hội điều dưỡng Bệnh viện, đoàn thanh niên Bệnh viện, đoàn trường Đại học y Hà Nội…

2.3. Hoạt động lao động liệu pháp:

– Bệnh viện tổ chức cho BN may vá quần áo, may vỏ gối, may đồ lót cho bệnh nhân

– Bệnh viện tổ chức cho người bệnh làm xà phòng tái chế (Soap for Hope) về cơ bản đủ cho nhu cầu sử dụng của tất cả NB trong bệnh viện.

– Bệnh viện tổ chức cho bệnh nhân trồng rau, trồng hoa, chăm sóc cây cảnh, bước đầu có hiệu quả, tạo hứng thú cho nhiều BN

– Bệnh viện tổ chức cho bệnh nhân làm một số mặt hàng: dán túi đựng thuốc, dán túi (giấy ni lông) đựng hàng.

2.4. Bệnh viện tổ chức cho bệnh nhân tập PHCN tại nhà thể chất của bệnh viện, gồm các máy:  đạp xe đạp tại chỗ, máy đi bộ trên băng chuyền, máy tập cơ bụng, ghế mát xa (có nhân viên hướng dẫn). 6 tháng đầu năm 2019 có 2966 lượt bệnh nhân tập tại phòng tập PHCN của bệnh viện.

2.5. Bệnh viện tổ chức 15 câu lạc bộ cho gia đình là người bệnh tâm thần phân liệt và động kinh tại cộng đồng tại các trung tâm y tế trên địa bàn thành phố. Tổ chức sinh hoạt 2 tháng/lần. Số lượng 70-80 người/ câu lạc bộ.

Hiệu quả bước đầu: Nâng cao sự hiểu biết của thân nhân về các bệnh lý tâm thần, giảm sự mặc cảm của bệnh nhân và gia đình, tỷ lệ tuân thủ điều trị tốt hơn, không có các “sự cố” lớn do người bệnh gây ra cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

  1. Nhận xét về hoạt động phục hồi chức năng tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội

– Hoạt động khôi phục và duy trì các tập tính các nhân đạt yêu cầu, đã trở thành hoạt động thường xuyên, gần 100%  BN tự giác chấp hành, giúp cho BN giảm các bệnh lý về răng miệng, đảm bảo trang phục gọn gàng, nơi ở sạch sẽ, thay đổi “bộ mặt” người bệnh tâm thần, giúp cho khi ra viện BN tiếp tục duy trì được các hoạt động này, giảm gánh nặng về chăm sóc cho gia đình và cộng đổng.

– Liệu pháp TDTT-VHGT: Bệnh viện tổ chức thường xuyên, hiệu quả, duy trì cho bệnh nhân đi bộ, tập bóng chuyền hơi, bóng rổ, bóng bàn, chơi bài, chơi cờ, đọc báo, hát karaoke…nhiều năm liền tổ chức được “hội khỏe người bệnh” thu hút đông đảo người bệnh tham gia, đã thực sự phát huy hiệu quả cộng hưởng với các phương pháp chữa bệnh khác.

– Liệu pháp lao động: Bệnh viện hiện đang duy trì cho bệnh nhân trồng rau, làm hàng thủ công (dán túi) làm xà phòng (soap for hope), may đồ lót cho bệnh nhân… bước đầu có hiệu quả

– Bệnh viện đã tổ chức được các loại hình như câu lạc bộ cho người nghiện ma túy, câu lạc bộ cho phụ huynh bệnh nhi, câu lạc bộ cho NB tâm thần và thân nhân ngoài cộng đồng bước đầu thu được những hiệu quả đáng khích lệ.