LÂM SÀNG RỐI LOẠN TÂM THẦN LIÊN QUAN ĐẾN SỬ DỤNG ĐA CHẤT Ở NGƯỜI BỆNH ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ

Chủ nhiệm đề tài:  Nguyễn Văn Tuấn1,2

Thư ký đề tài:        Nguyễn Thị Hải1               

Cộng sự:                Nguyễn Xuân Tú1, Nguyễn Văn Trọng1, Trần Đức Cường1

1Bệnh viện Tâm thần Hà Nội

                            2Bộ môn Tâm thần, Trường Đại học Y Hà Nội

Tóm tắt

Bằng phương pháp nghiên cứu mô tả chùm ca bệnh 56 người bệnh rối loạn tâm thần do sử dụng đa chất điều trị nội trú, đã chỉ ra tỷ lệ sử dụng hai chất kết hợp là chủ yếu 75,0%, sử dụng kết hợp ba chất 25,0%, chất sử dụng kết hợp phổ biến là ATS và cần sa. Hoang tưởng có tỷ lệ 35,7%, trong đó chủ yếu hoang tưởng bị hại 33,9%, ảo giác chiếm tỷ lệ thấp 10,7%. Cảm xúc dễ cáu giận 53,6%, cảm xúc lo âu 32,2%, triệu chứng rối loạn cảm xúc khác có ty lệ thấp hơn. Gây hấn 62,5%, kích động 28,6%, chậm tâm thần vận động 14,3%, rối loạn giấc ngủ 91,1%, ăn kém ngon miệng 78,6%, giảm chú ý chủ động 48,2%. Các triệu chứng thuyên giảm nhanh sau hai tuần điều trị (p < 0,05; 0,01; 0,001, 0,0001). Cảm xúc dễ cáu giận, giảm chú ý chủ động có tỷ lệ cao ở nhóm sử dụng kết hợp hai chất khác so với nhóm kết hợp ATS với cần sa (p: 0,0023; 0,039; 0,0189; 0,0102). Rối loạn giấc ngủ, giảm chú ý chủ động có tỷ lệ cao ở nhóm sử đụng đa chất trên 10 năm so với nhóm sử dụng dưới 5 năm (p: 0,0005; 0,0185). Hoang tưởng tương quan thuận với tuổi người bệnh, tương quan nghịch với tuổi bắt đầu sử dụng đa chất (B = 0,507; B = -0,516), cảm xúc đẽ cáu giận tương quan thuận với tuổi bắt đầu sử dụng đa chất (B: 0,499).

Từ khóa: sử dụng đa chất; loạn thần do sử dụng đa chất; rối loạn cảm xúc, hành vi do sử dụng đa chất.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện tại, thế giới cũng như Châu Á, xu hướng sử dụng nhiều loại ma túy và chất gây nghiện (đa chất) ngày càng phổ biến. Theo Tanibuchi Y, Matsumoto và cộng sự nghiên cứu 2018, có 53,3% trong 399 người sử dụng ma túy, thường xuyên sử dụng kết hợp đa chất1.

Tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, người bệnh rối loạn tâm thần liên quan đến sử dụng đa chất điều trị nội trú tăng tỷ lệ từ 5,71% năm 2014 lên 8,13% năm 2018.

Rối loạn tâm thần liên quan đến sử dụng đa chất rất phong phú, có đặc điểm phát sinh và biểu hiện lâm sàng khác với rối loạn tâm thần do nguyên nhân khác.

Đặc điểm phát sinh, phát triển, biểu hiện lâm sàng của các rối loạn tâm thần này phụ thuộc vào loại chất sử dụng kết hợp, số lượng chất kết hợp, liều và thời gian sử dụng các chất…Nắm rõ quy luật phát sinh, đặc điểm lâm sàng rối loạn tâm thần liên quan sử dụng đa chất giúp chẩn đoán sớm và điều trị có hiệu quả các rối loạn này.

Ở Việt Nam, nhưng chưa có nghiên cứu sâu về rối loạn tâm thần liên quan đến sử dụng đa chất ở người bệnh điều trị nội trú, vì vậy chúng tôi chọn “Lâm sàng rối loạn tâm thần liên quan đến sử dụng đa chất ở người bệnh điều trị nội trú” làm đề tài nghiên cứu, với mục tiêu nghiên cứu:

1. Mô tả đặc điểm lâm sàng rối loạn tâm thần liên quan đến sử dụng đa chất ở người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội năm 2022.

2. Phân tích một số yếu tố liên quan đến rối loạn tâm thần ở nhóm đối tượng nêu trên.

 

1.ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.1. Đối tượng nghiên cứu.

Gồm 56 người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, đủ tiêu chuẩn chấn đoán rối loạn tâm thần liên quan sử dụng đa chất theo tiêu chuẩn ICD.10 (F19.x).

Phương pháp nghiên cứu.

+ Thiết kế nghiên cứu: mô tả chùm ca bệnh.

+ Tiêu chuẩn chọn mẫu: người bệnh (NB) đủ tiêu chuẩn chẩn đoán F19.x theo ICD.10 điều trị nội trú tại BVTT Hà Nội từ 4/2022 đến 10/2022.

+ Tiêu chuẩn loại trừ: Người bệnh có rối loạn tâm thần trước sử dụng chất gây nghiện. Người bệnh có bệnh thực tổn não không do sử dụng chất gây nghiện, sa sút trí tuệ, có bệnh cơ thể nặng không do sử dụng chất. Thân nhân NB, NB không tự nguyện tham gia nghiên cứu. NB không có điều kiện, thời gian theo dõi thu thập thông tin nghiên cứu.

+ Phương pháp thu thập thông tin:

– Công cụ nghiên cứu: Tiêu chuẩn chẩn đoán F19.x theo ICD.10. Thang HAM-D, HAM-A, bệnh án nghiên cứu.

– Kỹ thuật thu thập thông tin: phỏng vấn, khám bệnh, làm trắc nghiệm tâm lý.

+ Các biến số, chỉ số nghiên cứu: Biến độc lập: tuổi, nhân khẩu học, thời gian sử dụng đa chất, tuổi sử dụng đa chất, số lượng, loại chất kết hợp. Mục tiêu 1: thể bệnh, các triệu chứng rối loạn tâm thần (RLTT), tiến triển các triệu chứng RLTT theo thời gian điều trị. Mục tiêu 2: mối liên quan một số triệu chứng với một số biến số, chỉ số độc lập.

+ Xử lý số liệu: số liệu được trình bày bằng số, tỷ lệ %, trung bình trung vị, thuật toán χ2, t-student, hồi quy tuyến tính logistic đa biến được sử dụng. Sử dụng phần mềm SPSS 20.0.

2. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN

2.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu.

+ Đặc điểm về nhân khẩu học.

Tuổi trung bình nhóm NB nghiên cứu 31,41 ± 8,534 tuổi, nhóm 31-40 tuổi 48,2%, 21-30 tuổi 25,0%. Học vấn THPT, THCS có tỷ lệ chủ yếu (50,0%, 41,1%), không nghề chiếm chủ yếu 98,2%, ly hôn, ly thân 10,8%.

Kết quả nghiên cứu của chúng cho thấy đối tượng sử dụng đa chất trình độ học vấn không cao, tỷ lệ không nghề cao đây có thể là điều kiện làm người bệnh nhận thức hạn chế, thuận lợi cho sử dụng đa chất, tuổi người bệnh chủ yếu thành niên và đầu trung niên là tuổi đang lao động dẫn đến hậu quả về gia đình, xã hội cao. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với đa số các tác giả: Botéro A, Reynaud M, Klenk L2,6,15 và nghiên cứu của chúng tôi 201922.

+ Đặc điểm sử dụng đa chất.

Tuổi bắt đầu sử dụng đa chất 27,21 ± 7,981 tuổi, thời gian sử dụng đa chất 7,43 ± 4,344 năm, nhóm sử dụng đa chất 6-10 năm 53,6%.

Kết quả trên cho thấy tuổi sử dụng đa chất khá trẻ, thời gian sử dụng đa chất dai. Kết quả này cho thấy nhom NB nghiên cứu sử dụng đa chất khá nặng có thể gây nhiều hậu quả. Két quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với một số tác giả, như: Arcan C, Wilson M. Compton16,17.

Số lượng kết hợp hai chất 75,0%, số lượng kết hợp ba chất 25,%, ATS và cần sa là các chất được sử đụng kết hợp nhiều nhất.

Kết quả cho thấy nhóm NB sử dụng chất kết hợp trong nghiên cứu của chúng tôi ít hơn một số tác giả, như: Wilson M. Compton, Walid El Ansari và Abdul Salam17,18,19, có thể do loại chất ma túy ở Việt Nam lưu hành ít hơn Phương tây.

2.2. Đặc điểm lâm sàng rối loạn tâm thần liên quan sử dụng đa chất.

+ Tỷ lệ RLTT liên quan sử dụng đa chất.

Tỷ lệ NB RLTT liên quan sử dụng đa chất chiếm 4,35% NB điều trị nội trú.

Kết quả này thấp hơn so với nghiên cứu của chúng tôi 2019 (7,4%), có thể do nghiên cứu này chúng tối tính theo số NB chứ không tính theo lượt NB điều trị như năm 201922.

Tỷ lệ RLTT liên quan sử dụng đa chất chiếm 33,3% NB RLTT liên quan sử dụng ma túy. Kết quả này cao hơn nghiên cứu 2019 của chúng tôi (19,45%)22. Qua kết qua nghiên cứu cho thấy có thể xu hướng sử dụng đa chất ngày càng tăng trong cộng đồng.

+ Chẩn đoán ICD.10.

Tỷ lệ chẩn đoán nghiên đa chất 51,8%, chẩn đoán loạn thần do sử dụng đa chất chiếm tỷ lệ 41,1% trong đó loạn thần do sử dụng đa chất hoang tưởng chiếm ưu thế có tỷ lệ cao (F19.51) 32,2%, còn lại chẩn đoán khác chiếm tỷ lệ thấp.

Qua kết quả cho thấy tỷ lệ loạn thần do sử dụng đa chất khá cao, có thể do ATS, cần sa là những chất sử dụng kết hợp phổ biến, các chất này có thể gây loạn thần cao. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với một số tác giả, như: Dervaux Alain M5, David A. Gilder21.

+ Hoang tưởng, ảo giác.

Hoang tưởng chiếm tỷ lệ 35,7%, trong đó hoang tưởng bị hại 33,9%, ảo giác 10,7%, trong đó ảo thanh 8,9%. Kết quả cho thấy tỷ lệ hoang tưởng, ảo giác khá cao có thể do chất kết hợp chủ yếu là ATS, cần sa. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phủ hợp với một số tác giả Raynad M, Robert E, Dervaux Alain M5, David A. Gilder5,6,21.

+ Rối loạn cảm xúc.

Tỷ lệ cảm xúc dễ cáu giận 53,3%, lo âu 32,1%, cảm xúc không ổn định 21,4%. Triệu chứng trầm cảm, hưng cảm chiếm tỷ lệ thấp là 5,4% và 8,9%. Kết quả này cho thấy triệu chứng rối loạn cảm xúc là triệu chứng phong phú, phổ biến ở NB sử dụng đa chất, phản ánh hậu quả của các chất ma túy, chất tác động tâm thần về tâm thần, mặt khác có thể do quần thể nghiên cứu của chúng tôi gồm các NB sử dụng đa chất thời gian dài. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với một số tác giả Botéro A, Darcourt G, Dervaux Alain M2,4,5.

+ Rối loạn hành vi.

Tỷ lệ gây hấn 62,5%, kích động 28,6%, chậm tâm thần vận động 14,3%, tăng hoạt động 12,5%, rối loạn giấc ngủ 91,1%, kế tiếp ăn kém ngon miệng 78,6%, giảm dục năng 64,3%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đồng với đa số các tác giả Botéro A, Darcourt G, Dervaux Alain M Reynaud M, David A. Gilder2,4,5,6,21.

+ Tiến triển của một số triệu chứng rối loạn tâm thần theo thời gian điều trị.

Các triệu chứng rối loạn tâm thần thuyên giảm nhanh sau một tuần điều trị, còn tỷ lệ thập sau hai tuần điều trị, riêng cảm xúc dễ cau giận thuyên giảm ít. Kết quả này có thể do các triệu chứng rối loạn tâm thần ở NB sử dụng đa chất chủ yếu do tác động dược lý của các chất ma túy, chất tác động tâm thần nên sau ngừng sử dụng nhanh hết, mặt khác có thể do điều trị thuốc đặc hiệu có hiệu quả giảm nhanh các triệu chứng rối loạn tâm thần. Cảm xúc dễ cáu giận có thể liên quan nhiều đến nhân cách NB vì vậy chậm thuyên giảm. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với đa số các nghiên cứu khác4,6,13.

2.3. Một số yếu tố liên quan với triệu chứng rối loạn tâm thần ở người bệnh sử dụng đa chất.

+ Liên quan triệu chứng rối loạn tâm thần với số lượng chất kết hợp.

Các triệu chứng rối loạn tâm thần không có sự khác biệt giữa nhóm sử dụng kết hợp hai và kết hợp ba chất (p > 0,05). Kết quả này có thể cả hai nhóm đều có sự kết hợp ATS, cần sa vì vậy không có sự khác biệt, mặt khác có thể do mẫu nghiên cứu còn ít nên chưa có sự khác biệt.

+ Liên quan cá triệu chứng với loại hai chất sử dụng kết hợp.

Tỷ lệ cảm xúc dễ cáu giận giữa nhóm kết hơp ATS và cần sa khác so với nhóm sử dụng hai chất khác có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê  (p = 0,0023) chiếm tỷ lệ cao ở nhómm sử dụng hai chất kết hợp khác (100,0%). Tỷ lệ cảm xúc dễ cáu giận giữa nhóm kết hơp ATS và một chất khác so với nhóm sử dụng hai chất khác có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê  (p = 0,039) chiếm tỷ lệ cao ở nhớm sử dụng hai chất kết hợp khác (100,0%). Tỷ lệ giảm chú ý chủ động giữa nhóm kết hợp ATS và cần sa so với nhóm sử dụng hai chất kết hợp khác có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p = 0,0189), chiếm tỷ lệ cao ở nhóm sử dụng hai chất kết hợp khác (100%). Tỷ lệ giảm chú ý chủ động giữa nhóm kết hợp ATS và một chất khác so với nhóm sử dụng hai chất kết hợp khác có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p = 0,0102), chiếm tỷ lệ cao ở nhóm sử dụng hai chất kết hợp khác (100%).

Kết quả nghiên cứu có thể do nhóm sử dụng ATS, cần sa chủ yếu gây loạn thần, kết hợp hai chất khác như CDTP, rượu gây rối loạn cảm xúc nhiều hơn. Mặt khác nhóm sử dụng CDTP, rượu là nhóm tuổi cao, nhân cách rối loạn nhiều hơn, gây rối loạn cảm xúc nhiều hơn.

+ Liên quan triệu chứng rối loạn tâm thần với nhóm tuổi bắt đầu sử dụng đa chất.

Tỷ lệ các triệu chứng RLTT không có sự khác biệt theo tuổi bắt đầu sử dụng đa chất. Kết quả này có thể do RLTT chủ yếu liên quan loại chất sử dụng và thời gian sử dụng. Ít liên quan tuổi bắt đầu sử dụng đa chất.

+ Liên quan triệu chứng rối loạn tâm thần với nhóm thời gian sử dụng đa chất.

Tỷ lệ cảm xúc dễ cáu giận nhóm sử dụng đa chất trên 10 năm (75,0%) cao hơn nhóm sử dụng đa chất dưới 5 năm (28,6%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (OR: 7,5; p: 0,0185). Tỷ lệ rối loạn giấc ngủ ở nhóm sử dụng đa chất trên 10 năm (100,0%) cao hơn nhóm sử dụng đa chất dưới 5 năm (64,3%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p = 0,0212); Tỷ lệ rối loạn giấc ngủ nhóm sử dụng đa chất 5 – 10 năm (100,0%) cao hơn nhóm sử dụng đa chất dưới 5 năm (28,6%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p = 0,0005). Tỷ lệ giảm chú ý chủ động nhóm sử dụng đa chất trên 10 năm (75,0%) cao hơn nhóm sử dụng đa chất dưới 5 năm (28,6%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (OR: 7,5; p: 0,0185).

Kết quả này có thể do thời gian sử dụng đa chất càng dài mức độ rối loạn chức năng não, tổn thương não càng nặng, gây rối loạn tâm thần càng nặng.

 

KẾT LUẬN

Nghiên cứu 56 người bệnh sử dụng kết hợp nhiều loại ma túy và chất tác động tâm thần chúng tôi rút ra kết luận:

1.Sử dụng kết hợp hai chất gây nghiện là chủ yếu (75,0%), sử dụng ba chất kết hợp thấp (25,0%), chất sử dụng kết hợp phổ biến là ATS, cần sa. Triệu chứng loạn thần chủ yếu là hoang tưởng (35,7%), trong đó chủ yếu là hoang tưởng bị hại (33,9%), tỷ lệ ảo giác thấp (10,7%). Cảm xúc dễ cáu giận thường gặp nhất 53,6%, cảm xúc lo âu 32,2%, các triệu chứng rối loạn cảm xúc khác ít gặp hơn. Triệu chứng rối loạn hành vi thường gặp nhất là gây hấn 62,5%, kích động 28,6%, vận động chậm 14,3%. Rối loạn giấc ngủ, ăn kém ngon miệng, giảm dục năng, giảm chú ý chủ động, giảm di chuyển chú ý có tỷ lệ cao, lần lượt là: 91,1%,78,6%, 64.3%, 48,2% và 41,1%.

Các triệu chứng rối loạn tâm thần thuyên giảm nhanh sau điều trị một tuần, còn tỷ lệ thấp ở tuần điều trị thứ hai (p < 0,05; 0,01; 0,001, 0,0001).

2.Cảm xúc dễ cáu giận, giảm chú ý chủ động chiếm tỷ lệ cao ở nhóm sử dụng kết hợp hai chất khác so với nhóm sử dụng ATS với cần sa hoặc một chất khác (p: 0,0023; 0,039 và p: 0,0189; 0,0102). Rối loạn giấc ngủ có tỷ lệ cao ở nhóm sử dụng đa chất trên 10 năm, nhóm 6-10 năm so với nhóm từ 5 năm trở xuống (p: 0,0212; 0,0005). Giảm chú ý chủ động cao ở nhóm sử dụng đa chất trên 10 năm so với nhóm sử dụng từ 5 năm trở xuống (p = 0,0185).

Hoang tưởng tương quan thuận với tuổi người bệnh (B = 0,507), tương quan nghịch với tuổi bắt đầu sử dụng đa chất (B = -0,516). Cảm xúc dễ cáu giận tương quan thuận với tuổi bắt đầu sử dụng đa chất, học vấn, loại chất kết hợp (B: 0,499; 0,465; 0,411), tương quan nghịch với số lượng sử dụng chất kết hợp, địa dư, hôn nhân (B: -2,396; -1,144; -0,987). Gây hấn tương quan thuận với số lượng chất kết hợp, tuổi (B: 0,772; 0,584), tương quan nghịch với thời gian sử dụng đa chất, tuổi bắt đầu sử dụng đa chất, học vấn (B: -0,542; -0,52; -0,386).

Tài liệu tham khảo

  1. Tanibuchi Y, Matsumoto T, Funada D, Shimane T. The influence of tightening regulations on patients with new psychoactive substance‐related disorders in Japan. Neuropsychopharmacol Rep. 2018; 38(4): 189 – 196.
  2. Botéro A et al. Toxicomanies. Psychiatrie De l’Adulte. Paris, Edition MALOINE; 1992: 230- 243.
  3. Kaplan H.I and Sadock B.J. Substance-Related Disorders, Psychotherapies, Biological Therapies. Synopsis of Psychiatry: Behavioral Sciences/Clinical Psychiatry. New York, Tenth Edition; 2007: 381 – 464, 924 – 971, 976 – 1124.
  4. Darcourt G et al. Alcoolisme. Drogue: intoxication aigue et chronique. syndrome de sevrage, complications psychiatriques, neurologiques aigues et chroniques imputables à la consommation de drogue illicites. Internat. Paris, Edition Heures; 1998: 130 – 169.
  5. Dervaux Alain M. Influence de la consommation de substances sur l’émergence et l’évolution des troubles psychotiques: le cas du cannabis. La these doctotraie. Paris, Université Pierre et Marie Curie – Paris VI; 2010.
  6. Reynaud M et al. Pratiques addictives. Paris, Édition Odile Jacob; 2002: 249 – 266.
  7. Moreau de Tours J. Du haschich ou de l’aliénation mentale. Étude psychologique, Collection “ESQUIROL” 1845. Paris, Edition Masson; 1980.
  8. Abouchedid R et al. Acute Toxicity Associated with Use of 5F-Derivations of Synthetic Cannabinoid Receptor Agonists with Analytical Confirmation. Journal of Medical Toxicology. 2016; 12 (4): 396–401.
  9. Banister S. D et al. Effects of Bioisosteric Fluorine in Synthetic Cannabinoid Designer Drugs JWH-018, AM-2201, UR-144, XLR-11, PB-22, 5F-PB-22, APICA, and STS-135. ACS Chemical Neuroscience. 2015; 6 (8): 1445–1458.
  10. Sebastien. Cannabis, psychoses affectives et dépressions endogènes et troubles bipolaires. Ecyclopédie du Cannabis Médical. Paris, 27 Avril 2011.
  11. Diao X and Huestis MA. Approaches, Challenges, and Advances in Metabolism of New Synthetic Cannabinoids and Identification of Optimal Urinary Marker Metabolites. Clinical Pharmacology and Therapeutics. 2016; 101 (2): 239 – 253.
  12. European Monitoring Centre for Drugs and Drug Addiction. Understanding the “Spice” Phenomenon. (PDF). EMCDDA. Lisbon, 2009; Thematic Paper.
  13. Robert E et al. Substance-Related and Addictive Disorders. The Americain Psychiatric Publishing Textbook of Psychiatry, DSM-5. 6th ed. Bristish Library, USA; 2014: 735 – 814.
  14. Tổ chức y tế thế giới (1993). Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất tác động tâm thần. Phân loại các rối loạn tâm thần và hành vi. Tiêu chuẩn chẩn đoán dành cho nghiên cứu – Geneva, 1993. Biên dịch: Trần Viết Nghị và cs. Hà Nội, Công ty In Giao thông; 2005: 77 – 80.
  15. Klenk L, Rutte C Von, Jonathan F. Henssler, Thomas C. Sauter et al. Resource consumption of multi-substanceusers in the emergency room: A neglected patient group. PLOS ONE. 2019 Sep 26;14(9): e0223118. doi: 10.1371/journal.pone.0223118. eCollection 2019.
  16. Arcan C, Martha Y Kubik, Jayne A Fulkerson, Peter J Hannan and Mary Story. Substance use and dietary practices among students attending alternative high schools: results from a pilot study. BMC Public Health. 2011 Apr 25;11:263. doi: 10.1186/1471-2458-11-263.
  17. Wilson M. Compton, Rita J. Valentino and Robert L. DuPont. Polysubstance use in the U.S. opioid crisis. Molecular Psychiatry. 2021; 26(1): 41–50. doi: 10.1038/s41380-020-00949-3.
  18. Walid El Ansari and Abdul Salam. Multi-Substance Use Behaviors: Prevalence and Correlates of Alcohol, Tobacco and Other Drug (ATOD) Use among University Students in Finland. Int J Environ Res Public Health. 2021 Jun; 18(12): 6426. doi: 10.3390/ijerph18126426.
  19. Dawn W. Foster, Maya R. Greene, Nicholas P. Allan, and Pascal Geldsetzer.The influence of drinking motives on hookah use frequency among young multi-substance users. Int J Ment Health Addict. 2016 Oct; 14(5): 791–802. doi: 10.1007/s11469-016-9633-y.
  20. Dawn W. Foster, Julia D. Buckner, Norman B. Schmidt and Michael J. Zvolensky. Multisubstance Use Among Treatment-Seeking Smokers: Synergistic Effects of Coping Motives for Cannabis and Alcohol Use and Social Anxiety/Depressive Symptoms .Substance Use & Misuse. 2016 51 (2): 165-178. https://doi.org/10.3109/10826084.2015.1082596.
  21. David A. Gilder, Gina M. Stouffer, Philip Lau, and Cindy L. Ehlers. Clinical characteristics of alcohol combined with other substance usedisorders in an American Indian community sample. Drug and Alcohol Dependence. April 2016 (161): 222-229. https://doi.org/10.1016/j.drugalcdep.2016.02.006.
  22. Nguyễn Văn Tuấn, Vũ Ngọc Úy, Vũ Hương Giang. Cơ cấu rối loạn tâm thần do sử dụng chất gây nghiệnở người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Hà Nội, Nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội; 2019.

Thread name: Clinical manifestations of mental disorders related to multi-substance use in inpatients.

Summary:

A descriptive study of 56 inpatients with psychosis due to multi-substance use showed the percentage of using combined two and three substances are 75% and 25% respectively; the common combination is ATS and marijuana. 35,7% of patients had delusions, of which delusions of harm counted for 33.9%; patients had hallucinations was lower, with 10.7%. Irritability was 53.6%, anxiety was 32.2%, and other affective symptoms were lower. Aggression was 62.5%, agitation was 28.6%, psychomotor retardation was 14.3%, sleep disturbance was 91.1%, poor appetite was 78.6%, and active attention deficit was 48.2 %. Symptoms reduced significantly after two weeks of treatment (p < 0.05; 0.01; 0.001, 0.0001). Irritability and active inattention were higher in the group using two combined other substances than the group using combined ATS and marijuana (p: 0.0023; 0.039; 0.0189; 0.0102). Sleep disturbances and active attention deficits were higher in the group using more than 10 years compared to the group using less than 5 years (p: 0.0005; 0.0185). Delusions were positively correlated with the patient’s age, however negatively correlated with the initiation age of multi-substance use (B = 0.507; B = -0.516); irritability was positively correlated with the age at initiation of multiple substance use (B): 0.499).

Keyword: multi-substance use; psychosis due to substance use; mood and behavioral disorders due to substance use.