Bị COVID-19 là một tác nhân gây căng thẳng tâm lý mạnh cho bệnh nhân. Ngay cả sau khi phục hồi, bệnh nhân vẫn dễ mắc nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần. Gần đây, một số nghiên cứu tập trung vào tình hình tâm lý của bệnh nhân khi họ bị nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, hiện còn ít nghiên cứu tập trung vào tình trạng tâm lý của bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã hồi phục mặc dù nhiều Phòng khám “hậu Covid” đã được mở ra tại các Bệnh viện Đa khoa của Việt Nam.
Bệnh do coronavirus mới (COVID-19), được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào tháng 12 năm 2019, đã lây lan sang các khu vực khác của Trung Quốc và sau đó là nhiều quốc gia khác. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng dịch COVID-19 là một đại dịch vào ngày 11 tháng 3 năm 2020 1. Theo WHO, tính đến ngày 15 tháng 2 năm 2022, hơn 408 triệu người bị nhiễm COVID-19 và 5.802.226 người chết trên toàn thế giới 2.
Sự khởi phát cấp tính, lây truyền nhanh, tỷ lệ tử vong cao, thiếu phương pháp điều trị hiệu quả và các biện pháp cách ly quy mô lớn của COVID-19 đã dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là đối với các bệnh nhân đã được xác nhận. Nhiều bệnh nhân bị căng thẳng cả về thể chất và tâm lý trong thời gian nằm viện. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ tình trạng sức khỏe tâm thần của bệnh nhân sau khi xuất viện.
Hiện còn ít nghiên cứu về mất ngủ, trầm cảm,.. của bệnh nhân COVID-19 sau khỏi bệnh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trước đã nhận thấy các vấn đề sức khỏe tâm thần của bệnh nhân sau khi hồi phục và xuất viện trong một trận dịch lớn, nhận thấy về khả năng nhận thức, rối loạn căng thẳng sau chấn thương và chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe ở bệnh nhân trong quá trình theo dõi. Những người sống sót sau hội chứng suy hô hấp cấp tính do cộng đồng mắc phải và có tỷ lệ rối loạn chức năng nhận thức tương đối cao và tỷ lệ mắc rối loạn căng thẳng sau chấn thương cao có liên quan đến chất lượng cuộc sống giảm và tỷ lệ trở lại làm việc giảm. Những người sống sót sau hội chứng suy hô hấp cấp tính dường như phải đối mặt với nguy cơ lớn về các vấn đề sức khỏe tâm thần và thiệt hại đáng kể đến chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe về lâu dài 3.
Hiện nay, biện pháp hỗ trợ chủ yếu dựa trên trực tuyến, một số bệnh nhân ít sử dụng điện thoại thông minh hơn và Internet có thể được hưởng lợi ít hơn từ nó. Bên cạnh việc ngăn ngừa và điều trị COVID-19, sự bùng phát của COVID-19 đã đặt ra nhiều thách thức đối với việc quản lý an toàn các vấn đề sức khỏe tâm thần ở bệnh nhân. Cần khẩn trương thực hiện can thiệp tâm lý khủng hoảng thích hợp và đánh giá theo dõi lâu dài bệnh nhân sau Covid. Là bệnh viện hạng I, chuyên khoa đầu ngành tâm thần của Thủ đô, bệnh viện Tâm thần Hà Nội được chỉ định điều trị các bệnh nhân COVID-19 có rối loạn tâm thần, chúng tôi không thể bỏ qua việc ảnh hưởng tâm lý đối với bệnh nhân sau khi xuất viện. Để sẵn sàng đối phó với các vấn đề sức khỏe tâm thần và thực hiện can thiệp khủng hoảng tâm lý, bệnh viện đã có những nghiên cứu bước đầu về cơ cấu rối loạn tâm thần ở bệnh nhân COVID-19 và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với tỷ lệ các bệnh nhân tâm thần nhập viện điều trị nội trú. Bệnh viện cũng đã đưa vào trong Hoạt động bảo vệ sức khỏe cộng đồng và trẻ em năm 2022 nội dung đào tạo, hỗ trợ chuyên môn khám và điều trị rối loạn tâm thần liên quan hậu Covid cho các Phòng khám tâm thần quận, huyện của Hà Nội, phát hiện các rối loạn tâm lý – tâm thần, hỗ trợ kịp thời đối với các bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục sau khi xuất viện.
Theo kết quả của một số nghiên cứu, bệnh nhân COVID-19 có tỷ lệ mất ngủ cao (26,45%) ở hai hoặc vài tuần sau khi xuất viện và có các yếu tố nguy cơ phát triển chứng mất ngủ, trong khi tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm 9,92% – 18% vào thời điểm một tháng sau khi xuất viện 3,4. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu tương tự khác đã chỉ ra rằng tỷ lệ trầm cảm và lo âu là cao nhất ở những bệnh nhân có bệnh từ trước, là bệnh nền nhưng chưa được khám và điều trị chuyên khoa tâm thần và nhiễm COVID-19 là yếu tố thuận lợi thúc đẩy bệnh khởi phát. Các nghiên cứu điều tra sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế cho thấy tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng sức khỏe tâm thần cao (trên 70%), mất ngủ là 34% và trầm cảm là 50,4% 5. Ngoài ra, tỷ lệ phổ biến chung của các vấn đề về giấc ngủ và các triệu chứng trầm cảm trong dân chúng là 18,2% và 20,1% trong thời kỳ dịch 6.
Tuổi tác và tình trạng sức khỏe có thể là những yếu tố ảnh hưởng đến chứng mất ngủ; quan tâm đến quan điểm của người khác có thể là những yếu tố ảnh hưởng đến bệnh trầm cảm. Phần lớn các ca tử vong liên quan đến COVID-19 là người lớn tuổi. Vì vậy, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, những bệnh nhân lớn tuổi bị ảnh hưởng rất nhiều cả về thể chất và tinh thần. Họ tự đánh giá thấp bản thân, đối mặt với nhiều áp lực như tái nhiễm và mất mát tài sản, rơi vào trạng thái căng thẳng tinh thần kéo dài và dễ bị mất ngủ, trầm cảm và các triệu chứng khác.
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 có tỷ lệ mất ngủ và trầm cảm cao hơn do bị cô lập với xã hội, tình trạng sức khỏe không chắc chắn. Do sự cô lập xã hội trong thời gian dài và sự cô đơn chủ quan, ý tưởng tự sát của bệnh nhân nhiễm COVID-19 cũng tăng lên. Khoảng 1/5 người bị mất ngủ, cho thấy rằng sự không chắc chắn về tiến trình của dịch bệnh có thể gây áp lực tâm lý lớn hơn cho dân chúng 6. Nguyên nhân có thể gây ra chứng mất ngủ và trầm cảm có thể liên quan đến sự nguy hiểm và sợ hãi khả năng truyền vi rút cho người khác. Ngoài ra, việc lây truyền nhanh, tỷ lệ tử vong cao và tin tức tiêu cực về COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ mất ngủ và trầm cảm, làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm thể chất và tinh thần, đồng thời làm suy giảm thêm các chức năng hàng ngày và khả năng nhận thức của bệnh nhân 7.
Hiện nay, hầu hết các bác sĩ theo dõi bệnh nhân COVID-19 sau khi xuất viện đều đến từ khoa hô hấp và hồi sức tích cực, vấn đề sức khỏe tâm thần còn chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, bệnh viện Tâm thần Hà Nội sẽ là một địa chỉ tin cậy tiếp tục theo dõi và chăm sóc sức khỏe tâm thần của các bệnh nhân hồi phục sau nhiễm COVID-19, điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc phát hiện sớm các triệu chứng tâm thần nhằm giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, thực hiện can thiệp tâm lý, điều trị hiệu quả các vấn đề về sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân.
Sự bùng nổ của COVID-19 không chỉ làm dấy lên mối lo ngại lớn mà còn mang lại sự lo lắng lớn về tâm lý cho những người đã được xác nhận nhiễm bệnh. Vì vậy, toàn xã hội nên dành nhiều sự ủng hộ và quan tâm hơn nữa. Ngoài các dấu hiệu nhiễm trùng và hô hấp để theo dõi các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, các bác sĩ chuyên khoa và dịch vụ sức khỏe tâm thần ngoại trú cũng cần được hướng dẫn sớm can thiệp khủng hoảng tâm lý cho bệnh nhân sau nhiễm Covid-19./.
- World Health Organization. Coronavirus disease 2019 (COVID-19) situation report—22. 2020. https://www.who.int/docs/default-source/coronaviruse/situation-reports/2…
- World Health Organization. Weekly Operational Update on COVID-19 15 February. 2022. https://www.who.int/publications/m/item/weekly-operational-update-on-covid-19—15-february-2022
- Xu F, Wang X, Yang Y, et al. Depression and insomnia in COVID-19 survivors: a cross-sectional survey from Chinese rehabilitation centers in Anhui province. Sleep Med. Feb 8 2021;doi:10.1016/j.sleep.2021.02.002
- Wu KK, Chan SK, Ma TM. Posttraumatic stress after SARS. Emerg Infect Dis. Aug 2005;11(8):1297-300. doi:10.3201/eid1108.041083
- Lai J, Ma S, Wang Y, et al. Factors Associated With Mental Health Outcomes Among Health Care Workers Exposed to Coronavirus Disease 2019. JAMA Netw Open. Mar 2 2020;3(3):e203976. doi:10.1001/jamanetworkopen.2020.3976
- Huang Y, Zhao N. Generalized anxiety disorder, depressive symptoms and sleep quality during COVID-19 outbreak in China: a web-based cross-sectional survey. Psychiatry Res. Jun 2020;288:112954. doi:10.1016/j.psychres.2020.112954
- Yang Y, Li W, Zhang Q, Zhang L, Cheung T, Xiang YT. Mental health services for older adults in China during the COVID-19 outbreak. Lancet Psychiatry. Apr 2020;7(4):e19. doi:10.1016/s2215-0366(20)30079
Người viết bài: Ths.BSCKII. Nguyễn Đức Vượng – Phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến