THUỐC HALOPERIDOL: CÔNG DỤNG, CHỈ ĐỊNH VÀ TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN KHI SỬ DỤNG

DS. Đỗ Thu Hương – Khoa Dược

Haloperidol là thuốc chống loạn thần được sử dụng để điều trị các trạng thái hoang tưởng, ảo giác, kích động, các rối loạn tâm thần. Vậy công dụng, chỉ định và các tác dụng không mong muốn của Haloperidol là gì?

1. Haloperidol là thuốc gì?

Haloperidol là thuốc gì?

Thuốc Haloperidol là dẫn xuất của butyrophenon, Haloperidol ngăn chặn thụ thể dopamine D2 trong não và kiểm soát các triệu chứng dương tính của bệnh tâm thần phân liệt, bao gồm ảo giác và hoang tưởng.

Chỉ định của Haloperidol:

Bệnh tâm thần phân liệt, các rối loạn loạn thần, giai đoạn hưng cảm trong rối loạn lưỡng cực.

Hội chứng Tourette.

Rối loạn hành vi nghiêm trọng ở trẻ em, tăng động ở trẻ em.

Buồn nôn và nôn do hoá trị.

2. Liều lượng dùng thuốc

      Liều lượng tuỳ theo từng người bệnh, bắt đầu từ liều thấp trong phạm vi liều thường dùng. Sau khi có đáp ứng tốt chuyển sang liều duy trì, liều duy trì thích hợp phải được xác định bằng giảm dần đến liều thấp nhất có hiệu quả.

      Liều thường dùng cho người lớn: 1,5mg – 30mg/ngày, chia 2 – 3 lần/ngày.

      Liều thường dùng cho trẻ em: 0,025mg – 0,05mg/kg thể trọng mỗi ngày, chia 2 lần trong ngày, có thể tăng rất thận trọng nếu cần.

3. Cách sử dụng thuốc

      Nên uống Haloperidol cùng thức ăn hoặc 1 cốc nước (240ml) hoặc sữa nếu cần

4. Cần làm gì khi một lần quên không dùng thuốc?

Nếu bạn bỏ lỡ một liều Haloperidol, hãy uống ngay khi nhớ ra. Nếu thời điểm nhớ ra liều đã quên gần với liều tiếp theo thì bỏ qua và chờ đến liều tiếp theo.

5. Tác dụng không mong muốn và những lưu ý khi sử dụng Haloperidol?

Tất cả các loại thuốc có thể gây ra tác dụng không mong muốn. Người bệnh có thể gặp tác dụng không mong muốn hoặc không. Một số tác dụng không mong muốn thường gặp của Haloperidol như:

Tác dụng không mong muốn ngoại tháp

  • Gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn bị sốt, chuột rút hoặc cứng cơ, chóng mặt, nhức đầu dữ dội, lú lẫn, thay đổi suy nghĩ, nhịp tim nhanh, nhịp tim không bình thường hoặc đổ mồ hôi nhiều. Có thể bạn đang gặp hội chứng an thần kinh ác tính.
  •  Một số người cảm thấy bồn chồn sau khi sử dụng Haloperidol, hội chứng này gọi là Akathisia, nó có thể diễn ra trong vòng vài ngày đến vài tháng.
  •  Một số người có thể gặp vấn đề nghiêm trọng hơn về cơ được gọi là rối loạn vận động muộn. Hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát các cử động của cơ thể hoặc các vấn đề với lưỡi, mặt, miệng hoặc hàm như thè lưỡi, phồng má, chu môi hoặc nhai.
  •  Hội chứng Parkinson như run.

Tác dụng không mong muốn thường gặp

  •  Bạn có thể bị sốt, khô miệng, buồn ngủ hoặc an thần, táo bón và bí tiểu do tác dụng kháng cholinergic của Haloperidol. Do đó không nên lái xe, sử dụng máy móc hoặc thực hiện các công việc cần sự tỉnh táo cho đến khi có thể làm điều đó một cách an toàn.
  •  Người lớn tuổi thường nhạy cảm hơn với những tác dụng không mong muốn của thuốc Haloperidol, đặc biệt là buồn ngủ, chóng mặt, choáng váng, đi tiểu khó và các tác dụng về tim, chẳng hạn như kéo dài khoảng QT. Buồn ngủ, hoa mắt, chóng mặt có thể dẫn tới nguy cơ té ngã.

Các bệnh rối loạn tâm thần là các bệnh mạn tính cần điều trị lâu dài. Đừng ngừng dùng thuốc hay thay đổi liều lượng ngay cả khi bạn cảm thấy tốt hơn mà không trao đổi với bác sỹ. Các bác sỹ sẽ đánh giá dựa trên các lần khám tiếp theo của bạn để quyết định bạn cần dùng thuốc trong bao lâu và có phác đồ phù hợp. Tự ý giảm liều thuốc có thể làm tăng nguy cơ tái phát các triệu chứng.

Nếu bạn đang lên kế hoạch mang thai, đã mang thai hoặc nghĩ rằng mình đang có thai thì hãy thông báo ngay với bác sĩ để được thông tin về những lợi ích cũng như rủi ro khi dùng thuốc này trong thai kỳ.

Thuốc Haloperidol có khả năng đi qua sữa mẹ và xảy ra tác dụng không mong muốn đối với trẻ bú mẹ. Tham khảo kỹ ý kiến ​​bác sĩ trước khi cho con bú.

TLTK: Tờ hướng dẫn sử dụng của Haloperidol, Dược thư quốc gia Việt Nam 2022; Dược thư Anh BNF 83 năm 2022