CÔNG DỤNG CỦA FLUOXETIN

DS Đỗ Thu Hương – Khoa Dược

Fluoxetin là thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (Selective serotonin reuptake inhibitors – SSRI). Fluoxetin được lưu hành ở Việt Nam ở dạng bào chế viên với các tên thuốc Mawel, Nufotin 20, Fluoxetin Cao DWP 10mg, Fluoxetin DWP 15mg, Prozac …. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng và các lưu ý khi sử dụng Fluoxetin.

1. Công dụng của Fluoxetin

Fluoxetin là thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (Selective serotonin reuptake inhibitors – SSRI)

          Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh trong não, serotonin ảnh hưởng đến tâm trạng, cảm xúc và giấc ngủ. Fluoxetin điều chỉnh nồng độ của serotonin trong não, giúp bạn cải thiện tâm trạng, ít lo lắng và cảm thấy dễ chịu hơn.

Chỉ định của Fluoxetin

  • Rối loạn trầm cảm nặng (từ 8 tuổi trở lên)
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng bức (OCD) (từ 7 tuổi trở lên)
  • Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD)
  • Chứng cuồn ăn tâm thần
  • Rối loạn hoảng sợ
  • Trầm cảm lưỡng cực (kết hợp với Olanzapin)
  • Trầm cảm kháng trị (kết hợp với Olanzapin)

Ngoài ra, Fluoxetin có hiệu quả trong điều trị các rối loạn lo âu xã hội, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) và phối hợp với các thuốc khác trong phác đồ điều trị rối loạn loại phân liệt, rối loạn khí sắc chu kì,……

2. Cách dùng và liều dùng của Fluoxetin

Fluoxetin có thể sử dụng cùng thức ăn hoặc không cùng thức ăn.

 Có các chế độ liều dùng khác nhau cho mỗi chỉ định của thuốc, bác sỹ sẽ dựa vào chẩn đoán, tiền sử sử dụng thuốc và nhiều vấn đề khác để quyết định liều thuốc.

Người lớn: Liều thông thường: 20mg – 60mg/ngày.

Trẻ em: Liều thông thường 10mg – 20mg/ngày.

3. Quên uống thuốc

– Nếu bạn quên uống 1 liều thuốc Fluoxetin, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra.

– Nếu bạn nhớ ra khi đã gần với liều Fluoxetin kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch, tuyệt đối không được uống gấp đôi liều đã quy định.

4. Các lưu ý khi sử dụng thuốc Fluoxetin

– Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn sau 1 – 2 tuần sử dụng thuốc, tuy nhiên phải mất từ 4 đến 6 tuần để Fluoxetin phát huy tác dụng hoàn toàn.

– Không tự ý ngừng thuốc hoặc giảm liều, tự ý ngừng thuốc, bạn có thể gặp phải các triệu chứng:

  • Đau đầu, chóng mặt
  • Tê hoặc ngứa ran ở tay hoặc chân
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Cảm thấy kích động hoặc lo lắng

– Giống như tất cả các loại thuốc, Fluoxetin có các tác dụng không mong muốn, nhiều người có thể gặp tác dụng không mong muốn nhẹ, nhiều người thì không. Một số tác dụng không mong muốn thường gặp của Fluoxetin sẽ dần dần được cải thiện sau một thời gian dùng thuốc.

  • Buồn nôn, bạn có thể uống thuốc sau khi ăn để giảm bớt tác dụng không mong muốn này.
  • Đau đầu
  • Mất ngủ, hãy trao đổi với bác sĩ, có thể bác sĩ sẽ thay đổi thời điểm sử dụng thuốc cho bạn.
  • Tiêu chảy.
  • Thay đổi khẩu vị ăn uống và cân nặng.
  • Cảm thấy mệt mỏi, bạn không nên uống rượu, vận hành máy móc.
  • Rối loạn tình dục

– Hội chứng serotonin là một tác dụng không mong muốn hiếm gặp nhưng nguy hiểm của Fluoxetin, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn cảm thấy: sốt cao, co cứng cơ, cáu gắt, kích động quá mức, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim,…..

– Nếu bạn có kế hoạch mang thai hay đang mang thai, cho con bú, hãy trao đổi lại với bác sỹ.

– Trao đổi với bác sỹ nếu bạn đang sử dụng thuốc khác hoặc các thực phẩm bổ sung để tránh các tương tác thuốc bất lợi bạn có thể gặp phải.

Tài liệu tham khảo: DailyMed, www.nhs.uk, Dược thư Việt Nam năm 2022, The Prescriber’s Guide.