Hưởng ứng Ngày sức khỏe tâm thần thế giới 2024 “Sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc”

Từ năm 1992, Ngày sức khỏe tâm thần Thế giới được tổ chức vào ngày 10/10 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hoạt động thiết thực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người. Năm 2024, với chủ đề Sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, Tổ chức Y tế Thế giới- WHO muốn nhấn mạnh mối liên quan mật thiết giữa sức khỏe tâm thần và công việc. Bằng việc hành động ngay từ hôm nay, chúng ta hướng tới xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, tạo ra sự nâng đỡ quan trọng đối với sức khỏe tâm thần, đồng thời nâng cao nhận thức và tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người lao động.

Tính tới năm 2022, có khoảng 60% dân số thế giới tham gia vào các hoạt động lao động khác nhau. Đối với mỗi cá nhân, lao động không chỉ tạo ra nguồn thu nhập mà còn là nơi con người tạo dựng được giá trị trước bản thân và trước xã hội, đảm bảo tính tự trọng, lòng tự tin, phát triển các kĩ năng và thể hiện sự sáng tạo, đồng thời môi trường lao động cũng là nền tảng phát triển các thói quen có lợi và xây dựng các mối quan hệ tích cực. Một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh hỗ trợ rất lớn đối với sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên môi trường lao động cũng là yếu tố gây ra những tác động tiêu cực lên sức khỏe tâm thần, đặc biệt là các môi trường lao động không an toàn. Các đặc tính chung như tiếng ồn, nhiệt độ khắc nghiệt, không khí không trong lành, thiếu nước uống sạch, chất thải sản xuất không chỉ gây các vấn đề về thể chất mà cũng gây ra các vấn đề liên quan đến tâm thần. Áp lực tại nơi làm việc có thể do yêu cầu kết quả lao động, tính cạnh tranh cao, hoặc bản chất của các công việc đặc thù như nhân viên cứu hộ, nhân viên nhân đạo và nhân viên y tế… Các yếu tố phân biệt đối xử, cạnh tranh không lành mạnh, bạo lực hay cô lập, bắt nạt và quấy rối tình dục tại nơi làm việc làm suy yếu sức khỏe tầm thần, tăng nguy cơ kiệt sức, lo âu, trầm cảm, có thể dẫn tới các hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát. Cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn và thay đổi sâu sắc cơ cấu việc làm toàn cầu, nhiều công việc được tạo ra và nhiều công việc biến mất. Tới năm 2022, có khoảng 207 triệu người thất nghiệp mới, nguy cơ mất việc gây mất an toàn tài chính và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều mặt khác của cuộc sống, chúng có thể gây nên hoặc làm trầm trọng hơn những áp lực vốn có.  Có khoảng 15% dân số trong độ tuổi lao động mắc các rối loạn tâm thần trong đó tỷ lệ cao nhất là các rối loạn lo âu và rối loạn trầm cảm. Điều này dẫn tới khoảng 12 tỷ ngày làm việc bị mất đi mỗi năm do lo âu và trầm cảm, thiệt hại ước tính khoảng 1000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu chủ yếu gây ra bởi giảm năng suất lao động.

Tuy nhiên vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc chưa được quan tâm đầy đủ ở nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh môi trường làm việc kém an toàn, người lao động còn phải đối mặt với sự kì thị khi mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần. Cá nhân có các rối loạn tâm thần gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì công việc của mình, nhiều người trong số họ phải chấp nhận làm các công việc với thu nhập nhấp hơn so với những người khác cùng khối lượng công việc. Đồng thời người có rối loạn tâm thần cũng gặp nguy cơ cao hơn cho sự phân biệt đối xử, bắt nạt, cô lập và quấy rối, càng khiến trầm trọng thêm các rối loạn sẵn có như một vòng xoắn bệnh lý. Chính vì vậy, thông tin về tình trạng sức khỏe tâm thần của người lao động thường bị che giấu, khiến họ sẵn sàng từ chối tiếp nhận hỗ trợ về mặt sức khỏe tâm thần khi được cung cấp. Đây là trở ngại lớn để người lao động được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc thích hợp. Tín hiệu khả quan là nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần trong công việc đang tăng lên. Các rối loạn tâm thần được công nhận trong danh sách các bệnh nghề nghiệp của Tổ chức lao động quốc tế- ILO đã được sửa đổi vào năm 2010, trong mục rối loạn tâm thần và hành vi. Một số quốc gia đã mở rộng danh sách của họ bao gồm căng thẳng liên quan đến công việc, kiệt sức, trầm cảm và các rối loạn giấc ngủ. Một số quốc gia cũng công nhận các trường hợp tự sát liên quan đến công việc và đưa nó vào hệ thống báo cáo, thông báo và bồi thường của họ.

Năm 2022, WHO đã đưa ra hướng dẫn về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, trong đó đưa ra các khuyến nghị về các biện pháp can thiệp được định nghĩa chi tiết trong nhiều lĩnh vực: tổ chức, đào tạo, quản lý người lao động, các biện pháp can thiệp cá nhân để thúc đẩy sức khỏe tâm thần tích cực và phòng ngừa các tình trạng sức khỏe tâm thần, khuyến nghị về việc quay trở lại làm việc sau thời gian vắng mặt liên quan đến các tình trạng sức khỏe tâm thần và tìm việc làm cho những người mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần. Hoạt động hướng tới sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc là một hành động đa chuyên môn với nhiều cấp độ khác nhau. Các công ước quốc tế về người lao động đã và đang được kí kết. Các chương trình quốc gia về việc thúc đẩy và phòng ngừa sức khỏe tâm thần liên quan đến công việc đã xây dựng và tiếp tục cập nhật sửa đổi ở nhiều nước. Sự tham gia của chính phủ và các nhà hoạch định chính sách là rất cần thiết. Riêng trong từng đơn vị sử dụng lao động, cần nâng cao nhận thức rõ rệt cho những người tổ chức, quản lý, sử dụng lao động về vấn đề sức khỏe tâm thần, để tạo dựng cho người lao động một môi trường làm việc an toàn, công bằng, cởi mở, không có sự kì thị. Bản thân người lao động cần được trang bị thêm kiến thức và kĩ năng ứng phó với các vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần, đồng thời, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần với tính sẵn có, hiệu quả, dựa trên bằng chứng khoa học cần được cung cấp nhiều hơn. Các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, gia đình cần tạo ra sự nâng đỡ phù hợp để người có các rối loạn tâm thần tìm kiếm việc làm hoặc quay trở lại công việc một cách thích hợp.

Tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, chúng tôi luôn nhận thức rõ về ý nghĩa của sức khỏe tâm thần, đặc biệt là đối với nhân viên y tế – đối tượng nguy cơ cao chịu ảnh hưởng bởi những tác động xấu lên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc. Do vậy, hoạt động chăm sóc sức khỏe đối với cán bộ nhân viên bệnh viện luôn được quan tâm. Các ca làm việc và thời gian nghỉ bù, nghỉ phép luôn được đảm bảo phù hợp với tình trạng sức khỏe. Các hoạt động giải trí, văn hóa văn nghệ thể dục thể thao được được tổ chức định kỳ. Hàng quý có sự khảo sát, đánh giá về mức độ hài lòng của nhân viên y tế đối với các khía cạnh trong công việc. Kết quả khảo sát này là một tiêu chí đánh giá quan trọng đối với chỉ tiêu chất lượng bệnh viện.

Về hoạt động chuyên môn, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội là địa chỉ tin cậy để thăm khám, điều trị hiệu quả các rối loạn tâm thần liên quan đến công việc. Cùng với các chuyên khoa khác, bệnh viện đã tổ chức các đoàn khám sức khỏe định kỳ nhằm sàng lọc phát hiện sớm các nguy cơ rối loạn tâm thần ở người lao động. Công tác truyền thông, dự phòng cũng luôn được bệnh viện chú trọng. Bệnh viện luôn sẵn sàng cung cấp các tư vấn cần thiết, tổ chức các hoạt động tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học.

Tất cả mọi người đều xứng đáng có được một môi trường an toàn, lành mạnh tại nơi làm việc. Hành động giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc phải cần được thực hiện từ hôm nay. Bằng cách đầu tư nỗ lực và nguồn lực vào các phương pháp tiếp cận và can thiệp cần thiết, chúng ta có thể đảm bảo rằng mọi người lao động đều có cơ hội bình đẳng phát triển trong công việc và cuộc sống./.

BS. Lê Thị Thu Nguyệt

Nguồn tham khảo:

1. Christensen M K, Lim C C W, Saha S, Plana-Ripoll O, Cannon D, Presley F et al. The cost of mental disorders: a systematic review. Epidemiol Psychiatr Sci. 2020;29:e161. [1,3];

2. World employment and social outlook – Trends 2022. Geneva: International Labour Organization; 2022 [2,4,5];

3. WHO guidelines on mental health at work. Geneva: World Health Organization; 2022

4. Global Burden of Disease (GBD) Results Tool. Global Health Data Exchange. Seattle (WA): Institute for Health Metrics and Evaluation; 2019