Tết thiếu nhi của những đứa trẻ đặc biệt

Nguyễn Thị Thanh Huyền

Nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, hòa chung không khí rộn ràng trên khắp cả nước, Khoa Nhi, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội đã tổ chức một chương trình vô cùng ý nghĩa mang tên “Vui Tết Thiếu nhi – Lan tỏa yêu thương” dành tặng cho các em nhỏ đang điều trị tại đây.

 Những món quà nhỏ xinh được chính tay các cô giáo chuẩn bị, chứa đựng đầy ắp tình yêu thương, như những lời chúc ngọt ngào gửi đến các “thiên thần nhỏ” của khoa. Chương trình không chỉ mang lại tiếng cười và niềm vui, mà còn là dịp để lắng nghe, thấu hiểu và chạm tới những cảm xúc trong trẻo, chân thành nhất từ trái tim các em nhỏ.

(Ảnh hoạt động: Các cô tạo hình cùng các bé)

Thế giới riêng – nơi những điều bình thường trở thành nỗ lực phi thường

Không giống như những đứa trẻ may mắn khác, có thể dễ dàng cười nói, thể hiện cảm xúc hay vui đùa một cách tự nhiên, các em nhỏ tại đây đang sống trong một thế giới hoàn toàn khác biệt. Thế giới ấy có thể lặng lẽ, lặp lại, ngắt quãng – nơi mà lời nói trở nên xa xỉ, nơi mà ngay cả một cái ôm hay ánh nhìn cũng có thể là cả một thử thách.

Là những người đồng hành cùng các em trên hành trình trị liệu, chúng tôi hiểu rằng: đằng sau mỗi hành vi bất thường, mỗi phản ứng tưởng chừng “khác lạ” lại là một tiếng gọi, một tín hiệu khao khát kết nối mà trẻ chưa thể diễn đạt bằng lời. Chính vì vậy, mỗi cơ hội được chạm, được cảm nhận, được cùng các em tạo ra điều gì đó đều là những cầu nối vô giá để đến gần hơn với thế giới của các em.

Đất sét – chất liệu mềm mại, liệu pháp vững chãi

(Ảnh sản phầm: Những tạo hình ban đầu từ bàn tay các bé)

Nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 ý nghĩa này, chúng tôi đã dành tặng các em một buổi sáng đặc biệt với hoạt động nặn đất sét tạo hình. Ở góc nhìn chuyên môn, nặn đất sét không chỉ là một trò chơi thủ công, mà là một hình thức trị liệu cảm giác (sensory therapy), trị liệu hành vi và cảm xúc một cách tự nhiên và sâu sắc.

Khi trẻ chạm tay vào đất, các thụ thể xúc giác được kích hoạt. Khi trẻ ấn, bóp, lăn tròn viên đất, hệ vận động tinh được kích hoạt. Và khi trẻ bắt đầu tưởng tượng ra hình thù như một bông hoa, một con vật, hay một loại trái cây,… thì chính là lúc trí tưởng tượng, tư duy hình ảnh và khả năng biểu đạt nội tâm được đánh thức.

(Ảnh sản phầm: Bức tranh khinh khí cầu từ những bàn tay đặc biệt)

Trong trị liệu tâm lý lâm sàng, những hoạt động mang tính sáng tạo như nặn đất sét là cách hiệu quả để trẻ biểu đạt cảm xúc mà lời nói không thể truyền tải. Đặc biệt với trẻ rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý, hay rối loạn lo âu, đây là công cụ quý giá giúp giảm căng thẳng, cải thiện sự tập trung và điều chỉnh hành vi.

Yêu thương là liệu pháp – lắng nghe là công cụ trị liệu

Đứng phía sau mỗi thành quả nhỏ bé ấy là cả một hành trình dài và miệt mài của đội ngũ điều trị, từ bác sĩ, chuyên gia tâm lý đến điều dưỡng, giáo viên đặc biệt. Tất cả chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc áp dụng những liệu pháp khoa học mà còn đặt vào đó cả sự kiên nhẫn, lòng thấu cảm và một tình yêu thương không điều kiện dành cho mỗi em nhỏ.

Chúng tôi tin rằng, điều trị không chỉ là can thiệp y học, mà còn là tạo ra một bố cảnh không gian đầy cảm xúc nơi mà trẻ được lắng nghe, được tôn trọng và được là chính mình. Chỉ khi cảm thấy an toàn và được yêu thương, trẻ mới có thể thực sự phát triển một cách trọn vẹn.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của các hoạt động can thiệp, đội ngũ Khoa Nhi-Bệnh viện Tâm thần Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực trên hành trình âm thầm đầy ý nghĩa này. Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội xin gửi lời chúc yêu thương nhất đến tất cả các em nhỏ./.