CÁC TRIỆU CHỨNG ÂM TÍNH TRONG TÂM THẦN PHÂN LIỆT: HƯỚNG DẪN LÂM SÀNG ĐỂ NHẬN BIẾT, ĐÁNH GIÁ VÀ ĐIỀU TRỊ

Các tác giả: Correll CU, Schooler NR

Người dịch: BSCKII Nguyễn Đức Vượng,

ThS.BSNT Phạm Thị Thu Hà – P. Chỉ đạo tuyến

 

Tóm tắt: Tâm thần phân liệt là một rối loạn mạn tính và gây khuyết tật, được đặc trưng bởi các triệu chứng dương tính và âm tính. Mục tiêu của bài này là cung cấp thông tin hữu ích cho các bác sĩ lâm sàng điều trị bệnh nhân có các triệu chứng âm tính trong bệnh tâm thần phân liệt.

Các triệu chứng âm tính là một thành phần cốt lõi của bệnh tâm thần phân liệt chiếm  phần lớn trong tình trạng khuyết tật lâu dài và giảm hoạt động chức năng ở bệnh nhân mắc rối loạn này. Thuật ngữ triệu chứng âm tính mô tả tình trạng giảm hoặc mất các hành vi, chức năng thông thường liên quan đến động lực và hứng thú, hoặc biểu hiện bằng lời nói/cảm xúc. Nhóm triệu chứng âm tính bao gồm năm triệu chứng chính: cảm xúc cùn mòn, ngôn ngữ nghèo nàn, giảm hoạt động hướng đến mục tiêu do giảm động lực, tính xã hội, và mất hứng thú. Các triệu chứng âm tính thường gặp ở bệnh tâm thần phân liệt, có tới 60% bệnh nhân có thể có các triệu chứng âm tính liên quan đến lâm sàng nổi bật cần được điều trị. Các triệu chứng âm tính có thể xảy ra tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình bệnh, mặc dù chúng được báo cáo là triệu chứng đầu tiên phổ biến nhất của bệnh tâm thần phân liệt. Các triệu chứng âm tính có thể là các triệu chứng chính, được cho là bản chất sinh lý bệnh cơ bản của bệnh tâm thần phân liệt, hoặc triệu chứng thứ phát liên quan đến các bệnh tâm thần, bệnh lý đi kèm, tác dụng phụ của điều trị hoặc các yếu tố môi trường.

Mặc dù, các triệu chứng âm tính thứ phát có thể là do kết quả của việc điều trị để cải thiện các triệu chứng khác (như là các triệu chứng dương tính, triệu chứng trầm cảm hoặc triệu chứng ngoại tháp), chất đối kháng hoặc chất chủ vận một phần D2. Các triệu chứng âm tính rõ ràng là một nhu cầu y tế chưa được chú trọng trong bệnh tâm thần phân liệt, các phương pháp điều trị mới và hiệu quả là rất cần thiết.

1. Thuật ngữ triệu chứng âm tính

“Các triệu chứng âm tính” là một thuật ngữ mô tả chung được sử dụng mà không tính đến nguyên nhân, tính ổn định theo chiều dọc hoặc thời gian kéo dài của các triệu chứng. Mặc dù một số triệu chứng âm tính là những dấu hiệu mà bác sĩ lâm sàng có thể quan sát được (ví dụ: không thể hiện được cảm xúc, mất logic), các khía cạnh khác của hành vi, chẳng hạn như thui rút khỏi xã hội hoặc giảm các hoạt động hữu ích, thú vị, có thể có hoặc không liên quan đến các triệu chứng âm tính. Do đó, việc hỏi bệnh nhân về sở thích, cảm xúc và động lực của họ sẽ tăng thêm giá trị cho việc quan sát bệnh nhân trong quá trình đánh giá triệu chứng âm tính. Có nhiều thuật ngữ triệu chứng âm tính được đề xuất như: Các triệu chứng âm tính chiếm ưu thế, các triệu chứng âm tính nổi bật,  hội chứng thiếu hụt, các triệu chứng âm tính chính,….

2. Tỷ lệ hiện mắc triệu chứng âm tính

Tỷ lệ các triệu chứng âm tính cao hơn được ghi nhận ở nam giới, người thất nghiệp và ở những người bị suy giảm chức năng. Mặc dù tỷ lệ triệu chứng âm tính thay đổi tùy theo thuật ngữ xác định được sử dụng, các bác sĩ lâm sàng nên lưu ý rằng có tới 60% bệnh nhân tâm thần phân liệt có các triệu chứng âm tính nổi bật hoặc chiếm ưu thế có liên quan đến lâm sàng và cần được điều trị.

Các triệu chứng âm tính phổ biến và có thể xảy ra tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình bệnh; ví dụ, ít nhất 1 triệu chứng âm tính đã được ghi nhận ở 90% bệnh nhân có giai đoạn loạn thần đầu tiên, trong khi 35–70% bệnh nhân tiếp tục có các triệu chứng âm tính đáng kể về mặt lâm sàng kéo dài sau khi điều trị. Trong thực hành lâm sàng, có 61% bệnh nhân tâm thần phân liệt ngoại trú ổn định đang được điều trị bằng thuốc chống loạn thần được phát hiện có ít nhất 1 triệu chứng ở mức độ nghiêm trọng, 5 mục âm tính của thang PANSS (cảm xúc cùn mòn, mối quan hệ kém, thui rút khỏi xã hội, nói năng giảm lưu loát) đã được đưa vào đánh giá. Thui rút về mặt xã hội (48%), thu rút về mặt cảm xúc (42%), các mối quan hệ giảm (39%) là một trong những triệu chứng phổ biến nhất và 19% bệnh nhân có cả 5 triệu chứng âm tính. Tương tự như vậy, trong một phân tích 20 nghiên cứu đối chứng với giả dược về thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai (n=7450), 62% bệnh nhân đáp ứng các tiêu chí về các triệu chứng âm tính nổi bật được đánh giá theo thang PANSS và sau 6 tuần điều trị, 1/3 số bệnh nhân được điều trị tích cực vẫn còn các triệu chứng âm tính nổi bật. Trong cùng một phân tích, 50% bệnh nhân được mô tả là có các triệu chứng âm tính chiếm ưu thế, được định nghĩa là điểm số Thang điểm phụ âm tính PANSS lớn hơn điểm số Thang điểm phụ dương tính. Hơn nữa, trong nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc chống loạn thần và hiệu quả can thiệp (CATIE) (n=1442), một trong những nghiên cứu đối chứng cá nhân lớn nhất trong bệnh tâm thần phân liệt, các triệu chứng âm tính nổi bật cũng phổ biến (40%), với 19% bệnh nhân ngoại trú có các triệu chứng âm tính không có triệu chứng dương tính và 21% có cả triệu chứng dương tính và âm tính.

3. Gánh nặng của các triệu chứng âm tính, suy giảm chức năng và nhận thức:

So với các triệu chứng dương tính, có thể được kiểm soát ở nhiều bệnh nhân với các chất chủ vận và đối kháng từng phần dopamin D2 hiện có, các triệu chứng âm tính có gánh nặng bệnh tật cao hơn. Gánh nặng bệnh tật rõ ràng này có thể là do hạn chế số lượng các lựa chọn điều trị hiệu quả. Điều quan trọng là đánh giá và giải quyết các triệu chứng âm tính nhằm nỗ lực giảm bớt gánh nặng liên quan cho bệnh nhân, người chăm sóc và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng âm tính trong bệnh tâm thần phân liệt luôn được liên kết với các kết quả chức năng tồi tệ hơn trong các lĩnh vực như suy giảm hiệu suất học tập và nghề nghiệp, hòa nhập gia đình, hoạt động xã hội, tham gia các hoạt động và chất lượng cuộc sống. Mất động lực đã được đề xuất như một triệu chứng âm tính chính liên quan đến suy giảm chức năng. Mất động lực được cho là có liên quan đến các đặc điểm lâm sàng có thể quan sát được như những thay đổi trong hành vi cá nhân (ví dụ: sự thờ ơ, mất cảm xúc) và hành vi xã hội (mối quan hệ xã hội và ngôn ngữ nghèo nàn).

Bệnh nhân tâm thần phân liệt thường suy giảm chức năng đặc biệt liên quan đến việc không thể thể hiện được niềm vui khi theo đuổi hoặc đạt được hành vi hướng đến mục tiêu. Mất hứng thú và giảm hành vi tìm kiếm niềm vui có thể liên quan đến rối loạn xử lý phần thưởng (ví dụ: sự thiếu hụt trong học tập phần thưởng, dự đoán phần thưởng, biểu thị giá trị nội bộ chính xác và thích ứng).

Các triệu chứng âm tính và rối loạn chức năng nhận thức lần lượt ảnh hưởng đến khoảng 40% và 80% những người bị tâm thần phân liệt. Triệu chứng âm tính và thiếu hụt nhận thức có liên quan chặt chẽ với hoạt động trong thế giới của bệnh tâm thần phân liệt.

4. Sinh học thần kinh của triệu chứng âm tính:

Các triệu chứng âm tính của bệnh tâm thần phân liệt có thể là sự bất thường của mạng lưới thần kinh (ví dụ, vỏ não trước-thái dương, vỏ não-thể vân), trái ngược với sự gián đoạn của bất kỳ vùng riêng biệt nào của não. Mặc dù một số giả thuyết có thể liên quan đến sinh lý bệnh của bệnh tâm thần phân liệt và các triệu chứng âm tính, nhưng giả thuyết về dopamine và glutamate nằm trong số những giả thuyết đúng nhất bởi các bằng chứng đã được đưa ra. Giả thuyết dopaminergic của bệnh tâm thần phân liệt cho các triệu chứng dương tính là kết quả của sự tăng dẫn truyền thần kinh dopaminergic ở các hệ viền, trong khi các triệu chứng âm tính, mất động lực và suy giảm nhận thức được cho là từ giảm chức năng của hệ dopaminergic ở thùy trán và cả hệ viền. Tuy nhiên, các nghiên cứu hình ảnh gần đây gợi ý rằng chức năng dopamin bất thường trong bệnh tâm thần phân liệt có thể nằm ở vùng lưng chứ không phải ở hệ viền.

Do vùng trung não kiểm soát phần thưởng, cảm xúc và động lực, các thụ thể dopamine D3 cũng có thể đóng một vai trò trong việc điều chỉnh các triệu chứng âm tính, tâm trạng và nhận thức. Giả thuyết này đã được hỗ trợ bởi những phát hiện từ các mô hình động vật, gợi ý rằng sự đối kháng và đồng vận một phần ở các thụ thể dopamine D3 có thể làm trung gian cải thiện tương tác xã hội, nhận dạng đối tượng mới, cũng như sự trình diện qua thụ thể D 3 làm tăng cường nhận thức và chống lại sự mất thích thú ở loại gặm nhấm. Cơ chế này không rõ ràng, mặc dù sự đối kháng của thụ thể D3 ở não giữa (ví dụ: vùng đỉnh não thất) có thể tăng cường dẫn truyền thần kinh dopamin đến vỏ não trước trán và nhân accumbens, hai vùng não nơi có sự giảm chức năng của hệ dopaminergic có liên quan đến các triệu chứng âm tính và suy giảm tâm trạng. Sự giải phóng dopamine ở vỏ não trước trán có thể dẫn đến việc tăng kích hoạt các thụ thể D1, do đó có thể làm trung gian cải thiện nhận thức và các triệu chứng âm tính. Các thụ thể D3 cũng có liên quan đến việc tăng giải phóng acetylcholine ở vỏ não trước trán, kích thích hệ glutamatergic ở vỏ não trước trán, điều hòa hệ  dopamine, CREB phosphoryl hóa, dao động hệ gamma ở vùng hải mã, tất cả các cơ chế có khả năng góp phần điều chỉnh nhận thức và/hoặc các triệu chứng tâm trạng liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt. Như vậy, chất đối kháng D3 và chất chủ vận một phần có thể mang lại lợi ích trong các triệu chứng âm tính hoặc nhận thức.

Các lựa chọn thay thế cho giả thuyết dopamin cho thấy các chất dẫn truyền thần kinh khác, đặc biệt là glutamate, đóng vai trò trong các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt. Giả thuyết về hệ glutamate dựa trên quan sát lâm sàng rằng sự phong tỏa mạn tính dẫn truyền thần kinh glutamate bởi các chất đối kháng ở phân nhóm thụ thể N-methyl-D-aspartate (NMDA) (ví dụ: ketamine, phencyclidine) tạo ra trạng thái sinh lý bệnh giống như tâm thần phân liệt, bao gồm cả triệu chứng dương tính và triệu chứng âm tính (trong khi hệ dopamin của rối loạn tâm thần do amphetamine gây ra chỉ tạo ra các triệu chứng dương tính). Mặc dù một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các loại thuốc hỗ trợ dẫn truyền thần kinh glutamate bằng cách tác động tại vị trí glycine của thụ thể NMDA (ví dụ D-cycloserine) giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt và nâng cao hiệu quả của thuốc chống loạn thần, đặc biệt là chống lại các triệu chứng âm tính của bệnh, bằng chứng là không rõ ràng. Những phát hiện tích cực đã dẫn đến giả định rằng bệnh tâm thần phân liệt có thể do thiếu hụt glutamate, với những bất thường đáng ngờ trong chức năng thụ thể NMDA góp phần gây ra các triệu chứng kháng thuốc chống loạn thần. Các cơ chế hoạt động bổ sung, bao gồm chủ vận thụ thể glutamatergic metabotropic (mGluR2), chủ vận thụ thể nicotinic alpha-7 và hoạt động kích thích hệ thần kinh trung ương, cũng là mục tiêu phát triển thuốc trong các triệu chứng âm tính của bệnh tâm thần phân liệt.

Tuy nhiên, đáng chú ý là các giả thuyết về bệnh tâm thần phân liệt do dopamine và glutamate không loại trừ lẫn nhau, với bằng chứng trong tài liệu ủng hộ vai trò của cả hai hệ trong sinh học thần kinh của bệnh tâm thần phân liệt. Bằng chứng lâm sàng gián tiếp cho thấy sự tương tác quan trọng giữa các thụ thể dopamine và thụ thể NMDA ở các vùng não, chẳng hạn như vùng hải mã và giữa các chất hướng tâm glutamatergic và nhân dopaminergic vùng dưới vỏ não. Ngoài ra, mối liên hệ giữa thiếu hụt glutamate/NMDA ở vỏ não và sự tăng dẫn truyền hệ dopamin dưới vỏ, đặc biệt là trong con đường hệ, đã được đưa ra giả thuyết trong bệnh tâm thần phân liệt, với một số bằng chứng cho thấy sự tăng phong tỏa thụ thể NMDA phụ thuộc vào sự kích thích của phân nhóm thụ thể dopamin D3.

5. Trình bày lâm sàng, chẩn đoán và xác định các triệu chứng âm tính

Người ta thường chấp nhận rằng các triệu chứng tiêu cực bao gồm 5 cấu trúc chính, cấu trúc này có thể được phân loại thành 2 yếu tố độc lập:

– Cảm xúc cùn mòn

– Ngôn ngữ nghèo nàn

– Thiếu hoặc mất động lực

– Giảm tương tác xã hội và sáng kiến do giảm hứng thú trong các mối quan hệ với người khác

– Mất hứng thú và niềm vui

Mặc dù, các triệu chứng âm tính không phải là triệu chứng bắt buộc để chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt, nhưng các triệu chứng âm tính (tức là giảm biểu hiện cảm xúc và ý muốn), là 1 trong 5 tiêu chí triệu chứng được xem xét trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5). Giảm biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt, giao tiếp bằng mắt và ngữ điệu lời nói. Mức độ hoạt động trong công việc, trường học, các mối quan hệ hoặc tự chăm sóc bản thân thấp hơn rõ rệt so với mức đã đạt được trước đó, giảm hoạt động có ý chí và giảm động lực theo đuổi hành vi hướng đến mục tiêu.

Khi khám bệnh nhân tâm thần phân liệt, các bác sĩ lâm sàng nên chú ý đến biểu hiện tổng quát gợi ý sự hiện diện của các triệu chứng âm tính, bao gồm các dấu hiệu như khó khăn trong giao tiếp, mất sự biểu hiện cảm xúc, không hoạt động xã hội, động lực thấp và hoạt động tâm thần vận động chậm chạm (hình 1).

Hình 1: Biểu hiện lâm sàng của các triệu chứng âm tính

  • Đánh giá triệu chứng âm tính:

Đánh giá thông qua thang điểm

Một số công cụ đánh giá đã được kiểm chứng và thiết lập tốt, chẳng hạn như thang đo hội chứng dương tính và âm tính (PANSS), thang đo đánh giá các Triệu chứng âm tính (SANS), và đánh giá triệu chứng âm tính gồm 16 mục (NSA-16) là có sẵn để đánh giá các triệu chứng âm tính và theo dõi tiến trình của chúng theo thời gian. Đáng chú ý, các thang đo này chỉ đo lường các triệu chứng âm tính tại một mốc thời gian duy nhất và có thể bị hạn chế bao gồm các mục không còn được coi là có liên quan đến triệu chứng âm tính (ví dụ: khó khăn trong tư duy trừu tượng, rập khuôn, thiếu tập trung). Các thang đo mới hơn đã được phát triển bao gồm: Phỏng vấn, Đánh giá lâm sàng về các triệu chứng âm tính (CAINS), bao gồm tất cả 5 nhóm triệu chứng âm tính và Thang đo triệu chứng âm tính ngắn gọn (BNSS).  Không có thang đo nào trong số này xem xét liệu các triệu chứng là nguyên phát hay thứ phát đối với một khía cạnh khác của bệnh tật.

Với những thách thức liên quan đến các triệu chứng âm tính trong phòng khám, một công cụ dễ sử dụng để sàng lọc và đánh giá nhanh chóng có thể mang lại lợi ích cho bác sĩ lâm sàng, bệnh nhân và gia đình. Một công cụ như là NSA-4, một phiên bản rút gọn của NSA-16 đánh giá hành vi, không phải tâm lý học; do tính tập trung và ngắn gọn của nó, nó có thể mở rộng hơn nhiều và có thể sử dụng. NSA-4 bao gồm 4 mục nguyên văn từ thang đánh giá đầy đủ (ngôn ngữ nghèo nàn, giảm cảm xúc, giảm động lực xã hội và giảm sở thích).

Đánh giá ngoài thang đo

Đánh giá và quản lý các triệu chứng âm tính kịp thời và thành công là những khía cạnh quan trọng của việc chăm sóc tốt bệnh nhân. Vì một số bệnh nhân có thể tự nhận thức hạn chế về các triệu chứng âm tính như một phần bệnh tật của họ, nên các bác sĩ lâm sàng phải dựa vào các quan sát trong quá trình hỏi bệnh, dựa vào người cung cấp thông tin bệnh sử của người bệnh. Đánh giá cẩn thận câu trả lời của bệnh nhân đối với các câu hỏi có thể giúp xác định chẩn đoán các triệu chứng âm tính hay có thể loại trừ các triệu chứng khác (ví dụ: trầm cảm kèm theo) thường gặp ở những người mắc chứng rối loạn phổ phân liệt. Câu trả lời cho những câu hỏi như “Bạn đang ở trong tâm trạng như thế nào?” hoặc “Hôm nay bạn cảm thấy thế nào?” có thể giúp bác sĩ lâm sàng đánh giá cảm xúc của bệnh nhân và có thể cung cấp triệu chứng về khả năng ngôn ngữ, cử chỉ và nét mặt khi đánh giá biểu cảm. Các câu hỏi nên được đặt ra để gợi ra các câu trả lời rộng rãi nhằm chứng minh liệu bệnh nhân có thể xây dựng câu trả lời mà không cần nhắc nhở hay không, tham gia vào các hoạt động thú vị để đánh giá chứng mất hứng thú và niềm vui, có liên hệ đến xã hội để đánh giá động lực xã hội. Các ví dụ khác về các câu hỏi có thể gợi ra câu trả lời mang tính thông tin bao gồm: Bạn trải qua một ngày bình thường như thế nào? Bạn làm gì để giải trí? gần đây bạn có cơ hội gặp gỡ những người bên ngoài gia đình mình không? và Bạn có muốn có một công việc? Các câu trả lời tiếp theo chẳng hạn như “Hãy kể cho tôi nghe về điều đó” hoặc “Bước đầu tiên tốt nhất để có được một công việc là gì?” nên khuyến khích bệnh nhân giao tiếp nhiều hơn.

Trong tương lai, dữ liệu được thu thập thông qua công nghệ kỹ thuật số, chẳng hạn như ứng dụng điện thoại thông minh, dự kiến ​​sẽ ngày càng sẵn có và được sử dụng để nâng cao các khía cạnh khác nhau của việc đánh giá và chăm sóc bệnh nhân trong việc quản lý bệnh tâm thần phân liệt nói chung và các triệu chứng âm tính nói riêng. Công nghệ theo dõi các triệu chứng ở bệnh nhân ngoại trú, ngăn ngừa tái phát, khuyến khích tuân thủ dùng thuốc, khuyến khích hoạt động thể chất và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ có thể giúp các bác sĩ lâm sàng đánh giá và quản lý tốt hơn các triệu chứng âm tính cũng như tình trạng của bệnh nhân.

Điều quan trọng đối với các bác sĩ lâm sàng là loại trừ các tình trạng bệnh lý khác biệt (ví dụ: bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson) hoặc bệnh tâm thần (ví dụ: trầm cảm, lo lắng, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, lạm dụng chất gây nghiện) có thể có các biểu hiện giống như triệu chứng âm tính để có thể đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

6. Điều trị

Điều trị hóa dược

Thuốc chống loạn thần là nền tảng trong điều trị các đợt loạn thần cấp tính, trung bình cải thiện triệu chứng tâm thần phân liệt ở 81% bệnh nhân tâm thần phân liệt đợt đầu và cải thiện triệu chứng tâm thần phân liệt mạn tính ở 51% bệnh nhân. Hơn nữa, thuốc chống loạn thần làm giảm nguy cơ tái phát loạn thần sau 7–12 tháng (thuốc = 27%, giả dược = 64%). Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc hiện đều có tác dụng hạn chế đối với các triệu chứng âm tính của bệnh tâm thần phân liệt và cho đến nay không có thuốc nào được FDA chấp thuận để điều trị các triệu chứng âm tính.

Một phân tích tổng hợp các thử nghiệm thuốc chống loạn thần ngẫu nhiên, có đối chứng, làm mù, ở những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt và có các triệu chứng âm tính chủ yếu, amisulpride liều thấp, được chấp thuận cho các triệu chứng âm tính ở một số nước châu Âu, là thuốc chống loạn thần duy nhất vượt trội so với giả dược trong điều trị các triệu chứng âm tính chủ yếu, tuy nhiên, người ta cũng quan sát thấy sự giảm trầm cảm song song gây khó khăn cho việc đánh giá liệu việc giảm các triệu chứng âm tính có phải là một chức năng cải thiện trầm cảm hay không.

Cho đến nay, bằng chứng tiềm năng, quy mô lớn, ngẫu nhiên, mù đôi duy nhất chứng minh tính ưu việt của một loại thuốc chống loạn thần đã được phê duyệt so với loại thuốc chống loạn thần khác trong điều trị các triệu chứng âm tính đến từ một nghiên cứu kéo dài 26 tuần được thiết kế chặt chẽ so sánh tác dụng của cariprazine liều cố định ( 3 mg/ngày, 4,5 mg/ngày hoặc 6 mg/ngày) và risperidone (3 mg/ngày, 4 mg/ngày hoặc 6 mg/ngày) đối với các triệu chứng âm tính nổi trội ở bệnh nhân mắc các triệu chứng dương tính ổn định và hạn chế, và không có các triệu chứng trầm cảm hoặc ngoại tháp liên quan.  Nghiên cứu này được thực hiện để kiểm tra giả thuyết rằng cariprazine, như một chất chủ vận thụ thể dopamine D3 kích thích một phần thụ thể D3/D2 và serotonin 5-HT1A thụ thể chủ vận từng phần, có thể có lợi hơn chất đối kháng ưu tiên D2 để điều trị các triệu chứng âm tính và nhận thức ở bệnh nhân tâm thần phân liệt. Trong nghiên cứu kéo dài 26 tuần này, sự khác biệt đáng kể và sự cải thiện có liên quan về mặt lâm sàng ở cả triệu chứng âm tính và suy giảm nhận thức đã được chứng minh là có lợi cho cariprazine hơn risperidone, cho thấy lợi ích điều trị có ý nghĩa lâm sàng của cariprazine đối với các triệu chứng âm tính.

Ngoài ra, một số thiết bị y tế, sử dụng các phương pháp như kích thích từ trường xuyên sọ sâu và kích thích dòng điện trực tiếp xuyên, cũng đang được nghiên cứu để điều trị các triệu chứng âm tính.

Điều trị tâm lý xã hội

Do các biện pháp can thiệp dược lý hiệu quả còn hạn chế để điều trị bệnh nhân có các triệu chứng âm tính của bệnh tâm thần phân liệt, điều quan trọng là các bác sĩ lâm sàng phải nhận thức được các biện pháp can thiệp tâm lý xã hội có thể được sử dụng cùng với thuốc chống loạn thần. Một số biến đổi tâm lý, bao gồm sự nản chí, kỳ vọng tiêu cực và sở thích phi xã hội, có liên quan đến các triệu chứng âm tính. Do đó, các biện pháp can thiệp nhằm giải quyết thái độ, hành vi và chức năng tâm lý xã hội kém có thể giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về cách các triệu chứng ảnh hưởng đến kì vọng của họ. Các biện pháp can thiệp hành vi chung, bao gồm tập trung vào lối sống lành mạnh, tập trung vào tập thể dục, ngủ, ăn kiêng, cai thuốc lá, sử dụng rượu một cách hợp lý và tham gia hoạt động xã hội, nên luôn được đề xuất trong quá trình điều trị. Trong khi các biện pháp can thiệp dựa trên kỹ năng, chẳng hạn như đào tạo kỹ năng xã hội  và liệu pháp khắc phục nhận thức, có một số bằng chứng về cải thiện triệu chứng âm tính, can thiệp tâm lý được nghiên cứu rộng rãi nhất là liệu phá nhận thức nhận tính (CBT). CBT hỗ trợ nhận thức về mối liên hệ giữa suy nghĩ, hành vi và cảm xúc của bệnh nhân trong nỗ lực thay đổi các triệu chứng và chức năng. Là một phương pháp hỗ trợ điều trị chống loạn thần, CBT đã chứng minh tác dụng tích cực đối với các triệu chứng âm tính, giảm sự thờ ơ và cải thiện động lực.

Can thiệp gia đình cung cấp hỗ trợ để giúp bệnh nhân và các thành viên trong gia đình đối phó với gánh nặng của các triệu chứng âm tính thông qua giáo dục tâm lý, đào tạo giao tiếp, giải quyết vấn đề hành vi và quản lý khủng hoảng. Đào tạo Động lực và Nâng cao (MOVE), một phương pháp điều trị mới kết hợp hỗ trợ môi trường, CBT, đào tạo kỹ năng và các phương thức tâm lý xã hội khác, cũng đã được đánh giá là một biện pháp can thiệp triệu chứng âm tính cụ thể, với kết quả sơ bộ cho thấy một số cải thiện chỉ sau 9 tháng trị liệu. Mặc dù, các kết quả khác nhau và không nhất quán, nhưng việc giới thiệu bệnh nhân đến điều trị tâm lý xã hội có thể là một cách quan trọng để các bác sĩ lâm sàng hỗ trợ bệnh nhân và gia đình họ khi họ đối phó với các triệu chứng âm tính và cố gắng cải thiện kết quả cũng như chất lượng cuộc sống.

        Nguồn dịch: Correll CU, Schooler NR. Negative Symptoms in Schizophrenia: A Review and Clinical Guide for Recognition, Assessment, and Treatment. Neuropsychiatr Dis Treat. 2020 Feb 21;16:519-534. doi: 10.2147/NDT.S225643. PMID: 32110026; PMCID: PMC7041437