Chẩn đoán và điều trị hiệu quả sức khỏe tâm thần trong việc đảm bảo an toàn người bệnh

Chẩn đoán và điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sự an toàn của người bệnh và ngăn ngừa những hành vi nguy hiểm như tự sát, kích động, hoặc bỏ bê bản thân. Nhân tuần lễ hưởng ứng Ngày An toàn Người bệnh Thế giới 17 tháng 9 năm 2024, hãy cùng Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tìm hiểu thêm về nội dung này nhé.

Vai trò của chẩn đoán chính xác

1. Nhận biết sớm các yếu tố nguy cơ: Chẩn đoán chính xác giúp xác định các dấu hiệu báo trước sớm về nguy cơ gây ảnh hưởng tới an toàn người bệnh và những người xung quanh (VD: tự sát, kích động, bỏ bê chăm sóc bản thân…), là tiền đề cho các can thiệp kịp thời và ngăn chặn sự tiến triển nặng lên hay sự cố mất an toàn gây ra do các yếu tố nguy cơ này.

2. Đánh giá và quản lý rủi ro: Chẩn đoán đúng giúp các nhà lâm sàng đánh giá đúng nguy cơ bệnh nhân gây hại cho bản thân hoặc người khác. Thông tin này được sửdụng để xây dựng các kế hoạch điều trị-chăm sóc hướng tới đảm bảo an toàn người bệnh, cũng như đưa ra quyết định can thiệp phù hợp, chẳng hạn như dùng thuốc, trị liệu ở ngoại trú hoặc nội trú.

3. Quản lý triệu chứng: Chẩn đoán đúng và điều trị hiệu quả giúp giảm nhẹ các triệu chứng góp phần vào các hành vi nguy hiểm, chẳng hạn như hoang tưởng, ảo giác, hưng cảm, trầm cảm hoặc lo âu nghiêm trọng. Bằng cách quản lý tốt các triệu chứng này, các bác sĩ, nhà tâm lý lâm sàng có thể giảm khả năng hành động bốc đồng hoặc gây hại tương ứng trên người bệnh.

4. Phòng ngừa và can thiệp khủng hoảng: Các can thiệp tâm thần có thể giúp bệnh nhân phát triển các kỹ năng đối phó, chiến lược quản lý căng thẳng và ngăn ngừa khủng hoảng phù hợp của riêng mình.

5. Xây dựng mối quan hệ trị liệu: Chẩn đoán và điều trị chính xác giúp củng cố mạnh mẽ mối quan hệ trị liệu mạnh mẽ giữa bệnh nhân/thân chủ và bác sĩ/nhà tâm lý lâm sàng. Điều này có thể khuyến khích bệnh nhân chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình, cho phép xác định sớm các nguy cơ tiềm ẩn và hai bên cùng nhau thảo luận, thống nhất phương án can thiệp phù hợp.

6. Giáo dục và hỗ trợ  

Điều trị tâm thần thường bao gồm việc giáo dục bệnh nhân và gia đình về bệnh, các triệu chứng và các chiến lược quản lý hiệu quả. Điều này có thể trao quyền cho bệnh nhân tham gia tích cực vào việc chăm sóc bản thân và giảm nguy cơ hành vi gây hại.

Vai trò của người bệnh với chẩn đoán

Mặc dù chẩn đoán và điều trị rất quan trọng đối với sự an toàn của bệnh nhân có các vấn đề về sức khỏe tâm thần, điều này không đảm bảo tuyệt đối rằng nguy cơ sẽ không xảy ra. Sự phối hợp chặt chẽ của người bệnh với các bác sỹ tâm thần trong quá trình đánh giá và chẩn đoán góp phần nâng cao hiệu quả chẩn đoán.

 Cụ thể, Tổ chức y tế thế giới WHO đã đưa ra 5 lời khuyên cho người bệnh giúp cho việc chẩn đoán chính xác, bao gồm:

1. Chia sẻ mọi triệu chứng, tiền sử bệnh của bản thân.

2. Không ngần ngại đặt câu hỏi để nắm rõ tình trạng sức khỏe của bản thân, các bước cần làm tiếp theo và thời gian chờ đợi.

3. Khám và tái khám theo đúng lịch hẹn.

4. Chủ động theo dõi các kết quả xét nghiệm nếu có thể.

5. Tham khảo ý kiến của nhân viên y tế khác khi cần.

Tóm lại, chẩn đoán và điều trị bệnh là một quá trình thiết yếu giúp người bệnh ứng phó phù hợp với các vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung hay rối loạn tâm thần nói riêng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa người bệnh và nhân viên y tế là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo quá trình chẩn đoán chính xác và hiệu quả.  

BS Nguyễn Thùy Linh