Phan Thị Thu Hiền

“Tâm thần phân liệt có thể điều trị và người bệnh hoàn toàn có khả năng sống một cuộc đời bình thường” – Bạn có tin điều đó không?
Trong xã hội ngày nay, mỗi khi nhắc đến “tâm thần phân liệt”, phần lớn chúng ta vẫn vô thức liên tưởng đến những hình ảnh tiêu cực: một người bất ổn, có hành vi kỳ lạ, thậm chí là nguy hiểm,… Nhưng liệu những ấn tượng ấy có phản ánh đúng bản chất của căn bệnh? Có bao giờ bạn tự hỏi: đằng sau những định kiến ấy, còn một góc khuất nào chưa được kể hết?
Mỗi người sống chung với bệnh tâm thần đều có một câu chuyện riêng. Câu chuyện về những cảm xúc chân thật, những giấc mơ dang dở và hành trình đầy nỗ lực để tìm lại sự bình yên trong cuộc sống. Câu chuyện của P.A là một trong số đó – một minh chứng cho nghị lực, cho khả năng hồi phục và cho niềm tin rằng tâm thần phân liệt không phải là dấu chấm hết.
Hành trình của P.A – Một người trẻ giành lại cuộc sống từ tâm thần phân liệt
P.A là một cô gái 25 tuổi sống tại Hà Nội. Trước đây, em là một sinh viên nhiệt huyết, luôn tràn đầy năng lượng và có một tình yêu đặc biệt đối với ngoại ngữ. Cuộc sống của P.A tưởng chừng cứ êm đềm trôi đi, với bao hy vọng và dự định trong tương lai. Thế nhưng, cách đây 5 năm, mọi thứ bất ngờ rẽ sang một hướng khác.
Triệu chứng đầu tiên – Những tín hiệu âm thầm
P.A bắt đầu gặp vấn đề về giấc ngủ, em mất ngủ triền miên. Em dần thu mình, ít nói và ngại giao tiếp. Đáng chú ý, P.A. thường xuyên cảm thấy bị theo dõi và nghe thấy những “tiếng nói” thì thầm khi ở một mình. Ban đầu, gia đình cho rằng có thể em đang bị stress do căng thẳng quá mức. Tuy nhiên, tình trạng ngày càng nghiêm trọng khi P.A. có những hành vi kỳ lạ như nói chuyện một mình, nghi ngờ người thân, từ chối ăn uống và rơi vào trạng thái hoảng loạn.
Hành trình điều trị – Từ lo sợ đến hồi phục
Lo lắng cho P.A, gia đình đã quyết định đưa em đến Khoa bệnh nhân cấp và bán cấp nữ (Khoa A), Bệnh viện Tâm thần Hà Nội để điều trị. Tại đây, sau khi được các bác sĩ thăm khám và đánh giá kỹ lưỡng, P.A được chẩn đoán mắc tâm thần phân liệt.
Thời gian đầu chữa bệnh, P.A và cả gia đình thực sự đã trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn. Việc tuân thủ dùng thuốc đều đặn, đối mặt với các tác dụng phụ, hay những lần P.A khủng hoảng tâm lý… tất cả là một hành trình dài đầy thử thách. Thế nhưng, nhờ sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ, tình yêu thương của gia đình cùng với ý chí mạnh mẽ của P.A, những tín hiệu tích cực đã bắt đầu hiện rõ. Sau gần 18 tháng kiên trì điều trị, P.A đã dần ổn định và quay trở lại cuộc sống bình thường.
Hiện tại, P.A đang làm việc tại một trung tâm ngoại ngữ. Em đã hoàn toàn tự tin trong giao tiếp, vui vẻ trò chuyện cùng bạn bè, đồng nghiệp. P.A không chỉ làm tốt công việc của mình mà còn truyền cảm hứng yêu ngoại ngữ cho rất nhiều em nhỏ. Dù vẫn cần thăm khám và dùng thuốc định kỳ, nhưng P.A đã tự tay viết nên câu chuyện cuộc đời mình – một chương mới đầy rực rỡ và không bị định nghĩa bởi căn bệnh tâm thần phân liệt.
Tâm thần phân liệt không phải dấu chấm hết
Có hàng triệu người trên thế giới đang sống chung với bệnh tâm thần phân liệt. Thế nhưng, nhiều người trong số họ vẫn đang sống một cuộc đời đầy ý nghĩa: có công việc ổn định, xây dựng gia đình và đóng góp giá trị cho cộng đồng. Vậy mà, thật đáng buồn khi thứ đang cản bước họ nhiều nhất lại không phải đến từ chính căn bệnh, mà đến từ sự kỳ thị, những định kiến sai lầm và sự thiếu hiểu biết của chính chúng ta.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại về cái “nhãn” mà xã hội vẫn gán cho những người đang sống với căn bệnh này. Họ không phải là “người điên”, cũng không phải mối đe dọa, mà là những con người đang nỗ lực từng ngày để sống đúng với giá trị của mình, giống như tất cả chúng ta.
Thông điệp dành cho cộng đồng
• Nếu bạn nhận thấy người thân có dấu hiệu bất thường về hành vi, nhận thức – Hãy đưa họ đến các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để được thăm khám sớm nhất có thể. Bởi lẽ, can thiệp kịp thời chính là “chìa khóa vàng” giúp người bệnh hồi phục hiệu quả.
• Nếu bạn là người từng trải qua điều trị tâm thần – Hãy nhớ rằng, bạn không đơn độc. Xung quanh bạn luôn có một cộng đồng sẵn sàng sẻ chia, có các y bác sĩ đồng hành và quan trọng nhất là niềm hy vọng luôn chờ bạn phía trước.
• Và nếu bạn đang đọc những dòng này – Chúng ta hãy cùng nhau xóa bỏ định kiến, mỗi ánh nhìn không phán xét, mỗi câu chuyện bạn chia sẻ sẽ là một hành động ý nghĩa giúp những người bệnh tìm lại tiếng nói của mình. Ngày Tâm thần phân liệt Thế giới (24/5) – Hãy cùng nhau thay đổi định kiến, viết lại câu chuyện cuộc đời (Rethink the Label, Reclaim the Story).