Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Thùy Linh
Thư ký đề tài: Hoàng Thị Thu Hiền
Cộng sự: Nguyễn Thúy Anh, Nguyễn Thị Thu Huyền, Vũ Thị Ngọc
Tóm tắt
Nghiên cứu được thực hiện trên 32 người bệnh được chẩn đoán rối loạn tâm thần (RLTT) nặng điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính. Chúng tôi sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn tâm thần theo ICD.10. Phương pháp thu thập dữ liệu bằng hình thức phỏng vấn bằng bộ câu hỏi định hướng. Dữ liệu sau thu thập đã được chuyển định dạng, mã hóa và lưu trữ dưới dạng văn bản trực tuuyến. Phân tích dữ liệu bằng phương pháp phân tích chủ đề, sử dụng phần mềm MAXQDA 24 kết quả cho thấy: nghiên cứu đã xác định được bốn chủ đề chính về trải nghiệm tham gia liệu pháp tâm lý nhóm “Cây xanh sự sống” của người bệnh điều trị nội trú có chẩn đoán các rối loạn tâm thần nặng, bao gồm: (1) Tương tác nhóm tích cực, (2) Nội dung thú vị, liên quan, (3) Hiệu quả, và (4) Thúc đẩy gắn kết trị liệu. Bên cạnh đó, khai thác góc nhìn của người bệnh có rối loạn tâm thần nặng đối với quá trình điều trị nội trú và các giá trị của bản thân trước và sau khi tham gia liệu pháp tâm lý nhóm “Cây xanh sự sống”, kết quả nghiên cứu gợi ý sau trị liệu, người bệnh tăng cảm nhận tích cực về hiệu quả điều trị và cải thiện mối quan hệ với nhân viên y tế, tăng đánh giá tích cực về bản thân, nhận thức rõ hơn giá trị hỗ trợ của các mối quan hệ gia đình và xã hội cũng như ý nghĩa phục hồi của sự chủ động tương tác, hòa đồng trong các mối quan hệ này. Phân tích sâu chủ đề phát sinh về vai trò gia đình, nghiên cứu ghi nhận các chủ đề phụ: “Người giữ cổng” kết nối người bệnh với điều trị, Nguồn động viên, chia sẻ, hỗ trợ, Động lực phục hồi, và Tham gia hoặc quyết định các kế hoạch cuộc sống.
Đặt vấn đề
Rối loạn tâm thần nặng là một nhóm các rối loạn tâm thần bao gồm các rối loạn loạn thần, rối loạn lưỡng cực và rối loạn trầm cảm điển hình, với tỷ lệ mắc ở người trưởng thành ước tính khoảng 5-6%. Điểm chung của nhóm bệnh này gồm tiến triển theo giai đoạn, thường khởi phát sớm từ những năm đầu của thời kỳ trưởng thành, có triệu chứng tồn dư cả trong các giai đoạn bệnh ổn định và hầu hết cần điều trị kéo dài suốt đời. Những rối loạn này gây khó khăn lớn cho người bệnh trong duy trì công việc, các mối quan hệ xã hội và nhiều chức năng tâm lý-xã hội quan trọng khác [1]. Năm 2010, Tổ chức Y tế Thế giới xác định tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực và rối loạn trầm cảm tái diễn nằm trong số 50/291 các nguyên nhân hàng đầu gây mất hoạt năng và tử vong trên toàn thế giới, cao hơn ung thư vú, bệnh Alzheimer’s và các thể sa sút trí tuệ khác [2].
Tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, các rối loạn tâm thần nặng chiếm tỷ lệ >70% trong cơ cấu chẩn đoán của người bệnh điều trị nội trú. Do vậy, việc mức độ mất hoạt năng và suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh chưa được cải thiện đáng kể đòi hỏi quá trình điều trị cần toàn diện hơn, kết hợp các liệu pháp phi hóa dược, đặc biệt trị liệu tâm lý bên cạnh dùng thuốc [3]. Tuy vậy, trên thực tế lâm sàng, việc áp dụng các liệu pháp tâm lý ở nhóm người bệnh này còn đặc biệt hạn chế, một phần do chưa có các nghiên cứu thử nghiệm và đánh giá hiệu quả để triển khai thực hiện rộng rãi. Liệu pháp nhóm “Cây xanh sự sống” là một phương pháp đã được áp dụng và phản hồi tích cực ở nhiều nhóm đối tượng trên thế giới song lần đầu được áp dụng trên người bệnh nội trú có rối loạn tâm thần nặng tại bệnh viện. Do vậy, nhóm nghiên cứu lựa chọn tiến hành nghiên cứu “Hiệu quả liệu pháp tâm lý nhóm “Cây xanh sự sống” trên người bệnh có rối loạn tâm thần nặng” với mục tiêu chung: Đánh giá bước đầu hiệu quả liệu pháp tâm lý nhóm “Cây xanh sự sống” trên người bệnh có rối loạn tâm thần nặng điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.
1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu.
1.1. Đối tượng nghiên cứu.
Gồm 32 người bệnh được chẩn đoán có RLTT nặng điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội trong thời gian từ tháng 3/2024 đến tháng 9/2024.
1.2. Phương pháp nghiên cứu.
+ Thiết kế nghiên cứu: nghiên cứu được thiết kế theo phương pháp định tính.
+ Tiêu chuẩn chọn mẫu: người bệnh được chẩn đoán xác định F20, F25, F31 và F33 theo tiêu chuẩn chẩn đoán ICD-10, tuổi từ 18 trở lên, có khả năng hiểu và trả lời đúng câu hỏi.
+ Tiêu chuẩn loại trừ: Người không đồng ý tham gia hoặc không hoàn thành quy trình trị liệu. Người hiện đang trong tình trạng cấp cứu tâm thần/bệnh lý cơ thể hoặc mắc các bệnh lý nội, ngoại khoa nặng.Người có vấn đề phối hợp ảnh hưởng đến chức năng đọc hiểu, giao tiếp. Ví dụ: khiếm thính, khiếm khuyết cơ quan phát âm, chậm phát triển tâm thần, …Người có chấn thương hoặc dị tật vận động nghiêm trọng, không có khả năng tự đi lại hoặc vận động.
+ Phương pháp thu thập thông tin:
– Công cụ nghiên cứu: Tiêu chuẩn chẩn đoán RLTT theo tiêu chuẩn chẩn đoán ICD.10 bản nghiên cứu.
– Kỹ thuật thu thập thông tin: Thu thập dữ liệu bằng hình thức phỏng vấn bằng bộ câu hỏi định hướng. Dữ liệu sau thu thập đã được chuyển định dạng, mã hóa và lưu trữ dưới dạng văn bản trực tuyến.
+ Các biến số, chỉ số nghiên cứu: Tuổi, giới, dân tộc, vùng miền, tôn giáo. Trình độ học vấn, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân, hoàn cảnh sống, tình trạng kinh tế. Chẩn đoán theo ICD-10. Chủ đề theo mục tiêu nghiên cứu ban đầu và chủ đề phát sinh trong quá trình phân tích bổ sung mục tiêu ban đầu (nếu có).
+ Xử lý số liệu: Dữ liệu sau thu thập đã được chuyển định dạng, mã hóa và lưu trữ dưới dạng văn bản trực tuyến. Phân tích dữ liệu bằng phương pháp phân tích chủ đề, sử dụng phần mềm MAXQDA 24.
2. Kết quả nghiên cứu.
2.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu.
2.1.1. Đặc điểm về tuổi, học vấn, nghề nghiệp, hôn nhân, địa dư.
-Tất cả đối tượng nghiên cứu nằm trong độ tuổi lao động từ 18 đến dưới 60 tuổi, tập trung nhiều nhất trong nhóm 25-44, chiếm 60,71%. Tuy nhiên có sự khác biệt về giới khi ở nam 87,50% người bệnh từ 35 tuổi trở lên; trong khi, ở nhóm nữ giới, 83,33% người bệnh dưới 35 tuổi.
-Đối tượng trong nghiên cứu cư trú ở cả khu vực thành thị và nông thôn với tỷ lệ tương đương nhau, chủ yếu chưa kết hôn (50%) và đã kết hôn (42,86%), sống cùng gia đình (100%) với hoàn cảnh kinh tế trung bình (89,29%).
-Phần lớn đối tượng trong nghiên cứu đã hoàn thành chương trình phổ thông, trong đó gần một phần ba tốt nghiệp chương trình đại học/sau đại học; tương ứng với tình trạng học vấn của dân số chung ở Hà Nội. Tuy nhiên, có tới 67,86% thất nghiệp tại thời điểm nghiên cứu.
2.1.2. Đặc điểm về chẩn đoán
Đối tượng nghiên cứu chủ yếu thuộc chẩn đoán Tâm thần phân liệt F20 chiếm 78,58%. Trong đó, toàn bộ đối tượng nghiên cứu nam giới đều có chẩn đoán F20. Nhóm NGƯỜI BỆNH nữ thuộc bốn chẩn đoán khác chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, F23 và F31 đều chiếm 7,14%; F32 và F33 chiếm 3,57% cho mỗi chẩn đoán.
2.2. Chủ đề theo mục tiêu nghiên cứu
2.2.1. Về trải nghiệm tham gia nhóm trị liệu “Cây xanh sự sống”
Nghiên cứu đã xác định được bốn chủ đề chính về trải nghiệm tham gia liệu pháp tâm lý nhóm “Cây xanh sự sống” của người bệnh điều trị nội trú có chẩn đoán các rối loạn tâm thần nặng, bao gồm: (1) Tương tác nhóm tích cực, (2) Nội dung thú vị, liên quan, (3) Hiệu quả, và (4) Thúc đẩy gắn kết trị liệu. Những chủ đề chính nói trên được làm rõ và bổ sung bằng các chủ đề phụ. Phân tích từng chủ đề được trình bày bên dưới.
Chủ đề 1: Tương tác nhóm tích cực
Hầu hết người tham gia đều nhấn mạnh về trải nghiệm tích cực khi là một thành viên của nhóm. Tương tác được nhắc tới trong các phản hồi phần lớn có tính hai chiều. Người bệnh cùng lúc được chia sẻ và được lắng nghe, cũng như nhận thức được tính hỗ trợ tích cực giữa các thành viên trong nhóm. Ví dụ: Người tham gia [được] “nói ra, [cảm thấy] nhẹ nhõm, thoải mái đầu óc”, “có thể cởi mở với người khác hơn, cảm thấy nhẹ lòng hơn”.
Chủ đề kết nối với các thành viên nhóm thông qua chia sẻ, tạo cảm giác là một phần hay xây dựng cộng đồng cũng đã được đề cập đến trong nhiều nghiên cứu trước đây [32], [35], [36], [38], [42] và là một thành tố của quá trình phục hồi cá nhân theo định nghĩa của Leamy năm 2011 đã được tổng kết trong tổng quan nghiên cứu của Parham trên các cơ sở chuyên khoa Tâm thần tại Vương quốc Anh năm 2019 [34], [35].
Bên cạnh đó, một số phản hồi cũng nhắc đến ấn tượng tốt về nhân viên y tế trong vai trò điều phối viên của nhóm (Ví dụ: “nhiệt tình, vui vẻ”). Đối tượng nhân viên y tế tiếp tục có mặt trong các nội dung trình bày ở phần sau. Nghiên cứu của Fraser và cộng sự năm 2018 trên nhân viên y tế tại khoa nội trú chuyên khoa Tâm thần cũng gợi ý sự kết nối giữa nhân viên y tế và người bệnh xuất phát từ việc chia sẻ, đồng cảm lẫn nhau trong khi cùng tham gia nhóm và được duy trì trong các tình huống tương tác ngoài nhóm.
Chủ đề 2: Nội dung thú vị, liên quan
Trong chủ đề chính này, người tham gia nhận thấy nội dung liệu pháp tâm lý nhóm “Cây xanh sự sống” dễ tiếp cận và gần gũi với cuộc sống của họ với những chủ đề dễ hiểu, xoay quanh cuộc sống hàng ngày, đặc biệt gợi nhắc về gia đình. Cụ thể, người bệnh cảm thấy “câu hỏi dễ hiểu và gần gũi”, “biết được nhiều điều trong cuộc sống, kiến thức xã hội”, “bổ ích”, [đề cập tới] “bệnh tình, nhà cửa” và cho rằng những nội dung này “áp dụng cho bệnh nhân khi về cộng đồng ổn”, “có ích cho tương lai”.
Tính dễ tiếp cận của liệu pháp và sự liên quan của nội dung chia sẻ trong nhóm tới cuộc sống cá nhân của người tham gia, phù hợp ở nhiều bối cảnh văn hóa khác nhau cũng là chủ đề được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu trước đây về “Cây xanh sự sống” [33], [34], [41], [47], [48].
Chủ đề 3: Hiệu quả
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy người bệnh đề cao tính hiệu quả của liệu pháp trong việc cải thiện cảm xúc và trí nhớ bên cạnh kỹ năng giao tiếp. Khi soi chiếu với thực tế đối tượng nghiên cứu là các người bệnh có rối loạn tâm thần nặng, mặc dù các nhà chuyên môn thường tập trung vào các triệu chứng tư duy và hành vi song ở đây, chủ quan người bệnh cảm thấy khó khăn hơn về mặt kiểm soát cảm xúc và cảm nhận sự suy giảm về trí nhớ. Phản hồi ở chủ đề này hầu hết nhấn mạnh cảm xúc “vui vẻ”, “nhẹ nhõm”, “đỡ căng thẳng, tâm lý thoải mái hơn”.
Hiệu quả của liệu pháp cũng không chỉ tập trung vào phục hồi lâm sàng (tức cải thiện các triệu chứng bệnh) mà còn ở khía cạnh phục hồi chức năng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp; [được tăng] “kinh nghiệm tiếp xúc”, [cảm thấy] “tự tin hơn”.
Các nghiên cứu định lượng trước đây không thực sự cho thấy kết quả cải thiện có ý nghĩa thống kê các triệu chứng tâm thần bởi liệu pháp Cây xanh sự sống song phương pháp của hai nghiên cứu này còn nhiều hạn chế về số lượng đối tượng và thiết kế [32], [35]. Đây cũng không phải chủ đề nổi bật trong các phân tích định tính.
Chủ đề 4: Thúc đẩy gắn kết trị liệu
Một chủ đề nổi bật trong dữ liệu thu thập là sự gắn kết với trị liệu được thúc đẩy rõ rệt. Người tham gia mong muốn được tiếp tục liệu pháp, “muốn thời gian can thiệp dài hơn, đào sâu hơn”, “nhiều buổi hơn”, “mong có chương trình này ngoài cộng đồng để được [tiếp tục] chia sẻ” cũng như “muốn mở rộng”, “cho nhiều bệnh nhân khác tham gia”. Kết quả này rất phổ biến trong các nghiên cứu về liệu pháp nhóm Cây xanh sự sống trước đây [34], [37], [41].
2.2.2. Về góc nhìn đối với quá trình nhập viện và điều trị nội trú
Nghiên cứu ghi nhận các chủ đề chung về trải nghiệm nhập viện của người bệnh: tự nguyện/không tự nguyện, có/không nhận thức được vấn đề bệnh lý. Tuy nhiên, số phản hồi nhấn mạnh về trải nghiệm nhập viện của người bệnh sau tham gia nhóm giảm đáng kể: khi được hỏi về trải nghiệm nhập viện và điều trị, hầu hết tập trung vào nhận xét, chia sẻ về quá trình điều trị nội trú tại bệnh viện.
Về góc nhìn đối với quá trình điều trị nội trú tại Bệnh viên Tâm thần Hà Nội, đa số người bệnh có cảm nhận tích cực, người bệnh cải thiện tình trạng bệnh lý cũng như sức khỏe thể chất so với trước, được chăm sóc tận tình bởi đội ngũ y bác sỹ: “Trong quá trình điều trị với các bác sĩ điều trị cảm thấy ổn hơn rồi”, “bác sĩ tận tình, ấm áp nên yên tâm điều trị”, “các bác sỹ tận tình giúp đỡ uống thuốc và ăn đúng giờ, thực hiện nội quy bệnh viện”. 2.2.3. Về định nghĩa hồi phục
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tại hai thời điểm trước và sau khi tham gia nhóm trị liệu, những chủ đề về định nghĩa phục hồi của người bệnh vẫn được đề cập đến bao gồm sức khỏe, nhận thức, khả năng làm việc.
Chủ đề về sức khỏe đề cập đến sự phục hồi về các triệu chứng thể chất, tâm thần hoặc cảm giác khỏe mạnh nói chung (Ví dụ: “đầu nhẹ nhàng không nhìn thấy gì đáng sợ, không nghe thấy tiếng nói trong đầu”, “tinh thần thoải mái, vui vẻ”, “suy nghĩ nhanh, đi lại nhanh”, “trí nhớ tốt hơn”, “ăn được, ngủ được”, “sức khỏe ổn định”), cũng như duy trì các phương pháp điều trị (“có thuốc, trị liệu tâm lý”). Đây cũng là sự thay đổi mà người bệnh được tiếp nhận từ người xung quanh cùng như dễ nhận thấy rõ nhất về bản thân họ.
Chủ đề nhận thức được nhắc tới ở đây là sự thực hiện của lời nói, hành động và điều chỉnh cảm xúc của người bệnh phù hợp trong tham chiếu với xung quanh (Ví dụ: “Biết được rõ tên, tuổi, địa chỉ bản thân và người xung quanh”, “cảm thấy minh mẫn, nhớ được công việc, hành vi của mình”, “suy nghĩ tích cực, hợp lý”, “nhận thức đúng về việc mình làm, kiềm chế bản thân khỏi hành động không đúng”, “không còn thói quen xấu”, “nhận định được việc làm của mình có nên làm hay không”, “[có] các cách để đối phó, thích nghi với cuộc sống với bệnh, không ảnh hưởng tới cuộc sống”).
Chủ đề khả năng làm việc được nhắc đến không nhiều trong nhóm đối tượng nghiên cứu, chủ yếu liên quan đến công việc cụ thể người bệnh đã làm trước đó hoặc công việc giúp việc gia đình. Kết quả này phù hợp với thực tế hầu hết người bệnh tham gia nhóm đều đang không có việc làm.
Hòa đồng là một chủ đề mới chỉ xuất hiện ở phản hồi sau khi trị liệu hoàn thành. Trong nghiên cứu này, hòa đồng được định nghĩa là hành động chủ động cởi mở, tham gia cùng mọi người, có cảm giác thuộc về, hòa nhập với nhóm, hòa chung không khí vui vẻ và thoải mái (Ví dụ: “Thoải mái được nói chuyện với mọi người”, “tích cực tham gia hoạt động; hòa nhã, hòa nhập với mọi người”). Việc người bệnh định nghĩa hòa đồng là một thành tố của phục hồi [chức năng tâm lý xã hội] nhấn mạnh sự thay đổi của nhận thức người bệnh về vai trò của các tương tác xã hội nhằm hướng đến cuộc sống mục tiêu sau khi trải nghiệm tương tác nhóm tích cực trong liệu pháp.
2.2.4. Về các giá trị bản thân
Nghiên cứu phân tích giá trị do chủ quan người bệnh tham gia nhóm công nhận dựa trên ba thành tố: đánh giá về bản thân, các hy vọng và ước mơ, và những nguồn lực hỗ trợ.
Về đánh giá bản thân, nhìn chung, sau trị liệu nhóm, đối tượng nghiên cứu đã giảm những nhận định tiêu cực về chính mình. Tuy nhiên, xét tổng thể, ngay từ ban đầu, hầu hết người bệnh đều có những nhận xét xen kẽ cả điểm mạnh, điểm yếu và đặc tính trung lập của bản thân (Ví dụ: “là một người hương nội, ít bạn bè, ít nói, ít chia sẻ với mọi người. là người nhạy cảm, dễ xúc động, dễ khóc; thích đàn, hát, biểu diễn trên sân khấu”). Khác với định kiến phổ biến về người bệnh có các rối loạn tâm thần nặng nói chung và tâm thần phân liệt nói riêng, với triệu chứng đặc trưng giảm tự trọng và nhận thức, tư duy nghèo nàn, các đối tượng trong nghiên cứu sử dụng rất nhiều từ ngữ phong phú, có chiều sâu để mô tả về con người mình: “chịu khó, nỗ lực”, “hiền lành, hiếu thảo […] có năng khiếu nấu ăn”, “thẳng thắn, thật thà, không vòng vo, có tài ca hát”, “chăm sóc con; ngoại giao được; trầm tính, ít nói, nhiệt tình”.
Trong chủ đề ước mơ và hy vọng, phản hồi của người bệnh chủ yếu xoay quanh các vấn đề như phụ giúp gia đình và cải thiện sức khỏe thể chất, đồng thời không có sự khác biệt giữa trước và sau trị liệu: “Mong muốn có sức khỏe tốt, đi làm kiếm tiền”, “Kiếm thêm tiền phụ giúp bố mẹ. Hai vợ chồng có thể mở thêm cửa hàng buôn bán”, “Nuôi con cái trưởng thành và xây dựng gia đình”. Điều này phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt, coi trọng và đề cao giá trị gia đình, cộng đồng và ít chú trọng vào sự phát triển cá nhân cũng như sự tự do theo đuổi đam mê cá nhân. Mặc dù có sự xuất hiện của một số chủ đề liên quan việc theo đuổi sự nghiệp là “học tập” nhưng nó không mang tính đại diện cho nhóm.
Kết quả này có sự khác biệt rõ ràng với một số nền văn hóa khác (Ví dụ: châu Phi, châu Âu…) khi hy vọng và trao quyền là chủ đề lặp lại ở hầu hết các nghiên cứu, thể hiện hiệu quả của liệu pháp trong việc củng cố, khích lệ người tham gia lên kế hoạch dựa trên năng lực bản thân và mưu cầu những ước mơ trong tương lai [34], [37], [39], [40], [41]. Tuy nhiên, những nghiên cứu này không so sánh trước và sau trị liệu, cũng như thường khái quát hy vọng và niềm tin được làm mới sau trị liệu song không cụ thể các bước thực hiện hành động [45].
Về nguồn lực hỗ trợ, sau trị liệu, xuyên suốt trong chủ đề nguồn lực hỗ trợ người bệnh trong cuộc sống đó là gia đình. Trong văn hóa người Việt Nam, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình là điều vô cùng quan trọng; đặc biệt khi gặp khó khăn, gia đình được mặc định là điểm tựa. Bên cạnh gia đình là điểm chung của hầu hết các phản hồi, đối tượng nghiên cứu cũng đề cập nhiều hơn tới các mối quan hệ xã hội khác (Ví dụ: “bác sĩ”, “bạn bè, đồng nghiệp”, “hàng xóm”) ở phần phỏng vấn sau trị liệu. Điều này cho thấy người bệnh đã có trải nghiệm và có khả năng phát triển, đón nhận những sự hỗ trợ từ bên ngoài bên cạnh gia đình. Chủ đề gia đình sẽ được phân tích tiếp tại mục 3.2.5.
2.2.5. Vai trò của gia đình trong câu chuyện phục hồi
Bên cạnh các chủ đề theo mục tiêu nghiên cứu đã dự kiến ban đầu, trong quá trình phân tích dữ liệu, nhóm nghiên cứu nhận thấy “gia đình” được nhắc đến trong phần lớn các câu trả lời của người tham gia cũng như xuất hiện xuyên suốt trong các chủ đề lớn liên quan tới trải nghiệm nhóm, trải nghiệm nhập viện-điều trị, định nghĩa phục hồi và giá trị bản thân. Đây là một chủ đề “vắng bóng” trong các nghiên cứu trước đây về “Cây xanh sự sống” trên thế giới. Do vậy, nhóm nghiên cứu đã thống nhất phân tích bổ sung chủ đề phát sinh “gia đình” và ghi nhận các chủ đề phụ sau để trả lời câu hỏi “Vai trò của gia đình đối với người bệnh có rối loạn tâm thần nặng là gì?”. Kết quả phân tích chỉ ra bốn chủ đề về vai trò gia đình bao gồm: (1) “người giữ cổng” kết nối người bệnh với điều trị, (2) nguồn động viên, chia sẻ, hỗ trợ, (3) động lực phục hồi, và (4) tham gia hoặc quyết định các kế hoạch cuộc sống.
Chủ đề 1: “Người giữ cổng” kết nối người bệnh với điều trị
Trả lời cho câu hỏi về trải nghiệm nhập viện, điều trị, nhiều người tham gia đã trả lời “bị mẹ lừa vào nhưng khi vào thì thấy bình thường vì đôi khi ở nhà làm việc nhà giúp mẹ cảm thấy mệt mỏi”, “bị gia đình ép”, Nhập viện chồng đưa đến, Gia đình đưa đến khám lại nhưng nghe bác sĩ bảo nhập viện nên bệnh nhân tự nguyện nhập viện, Nhập viện: Bố mẹ, em trai đưa đến; Lúc đầu bố mẹ đưa vào không tự nguyện, không thoải mái. Khi vào thấy môi trường tốt nên yên tâm điều trị, Nhập viện: mẹ và bác đưa đến, Ở nhà đập phá đồ đạc nên gia đình bắt khám và nhập viện.
Như vậy, có thể thấy, với vai trò “người giữ cổng” tức cầu nối giữa người bệnh và các dịch vụ điều trị, gia đình là người phát hiện các dấu hiệu cảnh báo tình trạng bệnh lý khởi phát hay tái phát, cải thiện, hồi phục hay tăng nặng; từ đó đóng góp một phần hay toàn quyền quyết định những lựa chọn trong nhập viện hay điều trị. Nói cách khác, người bệnh tiếp cận hệ thống y tế sớm hay muộn, đúng cách, phù hợp tới đâu có sự góp phần lớn của gia đình. Việc gia đình thay người bệnh đưa ra quyết định nhập viện ban đầu có thể dẫn tới các phản ứng tiêu cực từ phía người bệnh, song như nghiên cứu đã chỉ ra, người bệnh dần thay thế những ấn tượng ban đầu khi có những trải nghiệm tích cực hơn sau quá trình điều trị và có nhận thức nhất định về nguồn lực hỗ trợ tại bệnh viện.
Vai trò “người giữ cổng” của gia đình đối với người bệnh có các vấn đề sức khỏe tâm thần từ lâu đã được nhắc tới trong y văn [49]. Để tối ưu hóa vai trò này, cần chú trọng tới các yếu tố liên quan bao gồm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, tài chính và các nguồn lực khác của gia đình, niềm tin của các thành viên cộng đồng về các bệnh tâm thần và sự sẵn có của các dịch vụ sức khỏe tâm thần và phúc lợi xã hội tại địa phương [50]. Thử nghiệm lâm sàng có đối chứng ngẫu nhiên đã chứng minh tập huấn kỹ năng “người gác cổng” cho các gia đình người bệnh rối loạn tâm thần năng tại Hàn Quốc cho hiệu quả trực tiếp tới kết quả phục hồi của người bệnh khi tập trung vào kiến thức, sự tự hiệu quả, chủ động hành vi phòng ngừa và cải thiện giao tiếp [51].
Chủ đề 2: Nguồn lực hỗ trợ
Mẹ chính là câu trả lời phổ biến nhất nhóm nghiên cứu nhận được trong quá trình thu thập dữ liệu cho câu hỏi “Ai là người thân thiết, quan trọng trong cuộc sống của bạn?”.
Những người tham gia nhóm nhắc đến bố mẹ, anh chị em, vợ chồng … như a) một nguồn lực hỗ trợ sẵn có (Ví dụ: “là thân sinh”, “vì ngày nào cũng ở cùng và tiếp xúc với tất cả mọi người”, “gia đình là nơi dựa vào khi khó khăn”), b) xuất phát từ cảm nhận được tình yêu thương (Ví dụ: “mẹ và em gái rất thương em, luôn động viên an ủi em bảo em yên tâm điều trị”, “bố mất sớm, mẹ lo cho các chị em”), hoặc c) được đồng hành, chia sẻ (Ví dụ: “chồng luôn ủng hộ và đồng hành cùng mình”, “ủng hộ mình mỗi khi gặp khó khăn”, “hay tâm sự”).
Chủ đề 3: Động lực phục hồi
Trong các phản hồi của người tham gia, gia đình còn được nhắc tới như một động lực phục hồi chính. người bệnh muốn “kiếm tiền nuôi sống bản thân để không bị phụ thuộc vào bố mẹ”, “khỏi bệnh để về nhà với con”, “nuôi dạy con trưởng thành”, lấy gia đình làm “động lực để phấn đấu gắn bó với cuộc sống này” hay “động lực lớn giúp vượt qua [bệnh]”.
Nhiều ước mơ, hy vọng của người bệnh gắn liền với các vai trò phụ giúp mà gia đình, xã hội hay nhân viên y tế thường gắn với người bệnh, cũng là phản ánh thực tế khi NGƯỜI BỆNH ra viện: “giúp đỡ mẹ, vợ, con cái và tương lai chăm sóc cháu”, “giúp đỡ vợ con: dạy con học”, “hỗ trợ chồng làm bất động sản”.
Chủ đề 4: Tham gia hoặc quyết định các kế hoạch cuộc sống
Vai trò chủ động của gia đình trong các kế hoạch cuộc sống của người bệnh thể hiện hai khía cạnh. Một mặt, sự “giúp đỡ trong cuộc sống, công việc”, “sát cánh, luôn lo lắng, giúp đỡ” giúp người bệnh vượt qua những giai đoạn khủng hoảng liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần. Song mặt khác, những câu trả lời như “dựa vào mỗi lúc khó khăn”, cụ thể “chăm sóc, trả viện phí”, “chăm con thay mình”, “nuôi mình”, “đưa đi khám bệnh và nấu ăn cho mình” lại cho thấy sự phụ thuộc, thậm chí ỷ lại, thụ động của người bệnh trong quá trình phục hồi của cá nhân mình.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu đã được tiến hành trên 32 đối tượng là người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội có chẩn đoán các rối loạn tâm thần nặng.
Đối tượng nghiên cứu phân bố dàn trải về các nhóm tuổi trong độ tuổi từ 18 đến 59, đồng đều về giới tính và nơi cư trú thành thị/nông thôn. Hầu hết chưa kết hôn, sống cùng gia đình, hoàn cảnh kinh tế bình thường. Phần lớn người tham gia đã tốt nghiệp THPT song không có việc làm.
Chẩn đoán phổ biến nhất trong đối tượng nghiên cứu là tâm thần phân liệt, các chẩn đoán khác chiếm tỷ lệ nhỏ.
Nghiên cứu đánh giá bước đầu hiệu quả liệu pháp tâm lý nhóm “Cây xanh sự sống” trên người bệnh có rối loạn tâm thần nặng điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội dựa trên những khía cạnh cụ thể như sau:
+Về trải nghiệm tham gia liệu pháp tâm lý nhóm “Cây xanh sự sống” của người bệnh có rối loạn tâm thần nặng, bốn chủ đề chính được xác định bao gồm: Tương tác nhóm tích cực, Nội dung thú vị, liên quan, Hiệu quả, và Thúc đẩy gắn kết trị liệu.
+Phân tích sâu chủ đề phát sinh về vai trò gia đình, nghiên cứu ghi nhận các chủ đề phụ: “Người giữ cổng” kết nối người bệnh với điều trị, Nguồn động viên, chia sẻ, hỗ trợ, Động lực phục hồi, và Tham gia hoặc quyết định các kế hoạch cuộc sống.
KIẾN NGHỊ
Nhóm nghiên cứu đề xuất mở rộng triển khai liệu pháp tâm lý nhóm “Cây xanh sự sống” trên toàn bộ người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện và các cơ sở ngoại trú do Bệnh viện quản lý; song song với đó, tiến hành thử nghiệm lâm sàng có đối chứng để đảm bảo tính thực chứng của thực hành can thiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. What is Serious Mental Illness? | SMI Adviser. <https://smiadviser.org/about/serious-mental-illness>, accessed: 03/14/2023.
2. Murray C.J.L., Vos T., Lozano R., et al. (2012). Disability-adjusted life years (DALYs) for 291 diseases and injuries in 21 regions, 1990–2010: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2010. The Lancet, 380(9859), 2197–2223.
3. Bozzatello P., Giordano B., Montemagni C., et al. (2022). Real-World Functioning in Psychiatric Outpatients: Predictive Factors. J Clin Med, 11(15), 4400.
4. Fekadu A., Hanlon C., Medhin G., et al. (2016). Development of a scalable mental healthcare plan for a rural district in Ethiopia. Br J Psychiatry, 208(s56), s4–s12.
5. Pedersen C.B., Mors O., Bertelsen A., et al. (2014). A Comprehensive Nationwide Study of the Incidence Rate and Lifetime Risk for Treated Mental Disorders. JAMA Psychiatry, 71(5), 573.
6. (2021). Key Substance Use and Mental Health Indicators in the United States: Results from the 2021 National Survey on Drug Use and Health. .
7. Liu N.H., Daumit G.L., Dua T., et al. (2017). Excess mortality in persons with severe mental disorders: a multilevel intervention framework and priorities for clinical practice, policy and research agendas. World Psychiatry, 16(1), 30–40.
8. Fekadu W., Craig T.K.J., Kebede D., et al. (2021). Multidimensional and intergenerational impact of Severe Mental Disorders. EClinicalMedicine, 41, 101151.
9. ICD-11 for Mortality and Morbidity Statistics. <https://icd.who.int/browse11/l-m/en>, accessed: 03/14/2023.
10. American Psychiatric Association and American Psychiatric Association, eds. (2022), Diagnostic and statistical manual of mental disorders Text Revision: DSM-5-TR, American Psychiatric Association, Washington, D.C.
11. Patten S.B. (2016). Updated CANMAT Guidelines for Treatment of Major Depressive Disorder. Can J Psychiatry, 61(9), 504–505.
12. Yatham L.N., Kennedy S.H., Parikh S.V., et al. (2018). Canadian Network for Mood and Anxiety Treatments (CANMAT) and International Society for Bipolar Disorders (ISBD) 2018 guidelines for the management of patients with bipolar disorder. Bipolar Disord, 20(2), 97–170.
13. Taylor D.M., Barnes T.R.E., and Young A.H. (2021), The Maudsley Prescribing Guidelines in Psychiatry, 14th Edition, John Wiley & Sons, Hoboken.
14. Barnes T.R. and the Schizophrenia Consensus Group of the British Association for Psychopharmacology (2011). Evidence-based guidelines for the pharmacological treatment of schizophrenia: recommendations from the British Association for Psychopharmacology. J Psychopharmacol (Oxf), 25(5), 567–620.
15. Keepers G.A., Fochtmann L.J., Dahl D., et al. THE AMERICAN PSYCHIATRIC ASSOCIATION PRACTICE GUIDELINE FOR THE TREATMENT OF PATIENTS WITH SCHIZOPHRENIA. 414.
16. Chen M., Fitzgerald H.M., Madera J.J., et al. (2019). Functional outcome assessment in bipolar disorder: A systematic literature review. Bipolar Disord, 21(3), 194–214.
17. Henry B.L., Minassian A., and Perry W. (2013). Everyday functional ability across different phases of bipolar disorder. Psychiatry Res, 210(3), 850–856.
18. Michalak E.E., Murray G., and Collaborative RESearch Team to Study Psychosocial Issues in Bipolar Disorder (CREST.BD) (2010). Development of the QoL.BD: a disorder-specific scale to assess quality of life in bipolar disorder. Bipolar Disord, 12(7), 727–740.
19. Cotrena C., Branco L.D., Kochhann R., et al. (2016). Quality of life, functioning and cognition in bipolar disorder and major depression: A latent profile analysis. Psychiatry Res, 241, 289–296.
20. Yang H., Gao S., Li J., et al. (2022). Remission of symptoms is not equal to functional recovery: Psychosocial functioning impairment in major depression. Front Psychiatry, 13, 915689.
21. Culler J. (2016). Structuralism. Routledge Encyclopedia of Philosophy. 1, Routledge, London.
22. Epston D. and White M. (2023), Narrative Means to Therapeutic Ends, W. W. Norton.
23. Fraser J., Williams L., Hayes M., et al. (2018). Humanising the inpatient experience through service user-led Tree of Life workshops. .
24. Personal storytelling in mental health recovery — University of East Anglia. <https://research-portal.uea.ac.uk/en/publications/personal-storytelling-in-mental-health-recovery>, accessed: 10/11/2024.
25. Dengười bệnhorough D. (2008), Collective Narrative Practice: Responding to Individuals, Groups, and Communities Who Have Experienced Trauma, .
26. Dengười bệnhorough D. (2012). A storyline of collective narrative practice: A history of ideas, social projects and partnerships. (1).
27. Narrative Therapy, Second Edition. <https://www.apa.org/pubs/books/4317515>, accessed: 03/03/2024.
28. (2012), Commissioning and Delivering Clinical Psychology in Acute Adult Mental Health Care: Cover, British Psychological Society.
29. Kolk C.J.V. (1985), Introduction to Group Counseling and Psychotherapy, Merrill.
30. Vassallo T. (1998). Narrative Group Therapy with the Seriously Mentally Ill: A Case Study. Aust N Z J Fam Ther, 19(1), 15–26.
31. Ncube N. (2006). Using narrative ideas in work with. (1).
32. The Highs and Lows Through Recovery: An Integrative Group Combining Cognitive Behavioral Therapy, Narrative Therapy, and the Tree of Life on JSTOR. <https://www.jstor.org/stable/10.13186/group.42.1.0023>, accessed: 03/13/2024.
33. Narrative approaches to group parenting work: Using the tree of life with \”hard-to-reach\” parents. <https://oxicptr.web.ox.ac.uk/publication/1197007/manual>, accessed: 10/11/2024.
34. Jacobs S.F. (2018). Collective narrative practice with unaccompanied refugee minors: “The Tree of Life” as a response to hardship. Clin Child Psychol Psychiatry, 23(2), 279–293.
35. Randle-Phillips C., Farquhar S., and Thomas S. (2016). Adapting and evaluating a tree of life group for women with learning disabilities. Br J Learn Disabil, 44(4), 301–308.
36. Casdagli L., Fredman G., Huckle E., et al. (2021). The contribution of peer trainers to the Tree of Life project for young people living with Type 1 Diabetes: Building community. Clin Child Psychol Psychiatry, 26(1), 39–50.
37. Ncube N. (2006). The Tree of Life Project: Using narrative ideas in work with vulnerable children in Southern Africa. Int J Narrat Ther Community Work, 1, 3–16.
38. Wellman J., Lepori F., and Szlachcic R. (2016). Exploring the utility of a pilot tree of life group in an inpatient setting. J Ment Health Train Educ Pract, 11(3), 172–181.
39. Developing our cultural strengths: Using the “Tree of Life” strength-based, narrative therapy intervention in schools, to enhance self-esteem, cultural understanding and to challenge racism | Semantic Scholar. <https://www.semanticscholar.org/paper/Developing-our-cultural-strengths%3A-Using-the-%E2%80%98Tree-German/ec1a49af4da7c2c8d4591ea306107f440f857844>, accessed: 10/11/2024.
40. Narrative Family Therapy and Group Work for Families Living with Acquired Brain Injury – Butera‐Prinzi – 2014 – Australian and New Zealand Journal of Family Therapy – Wiley Online Library. <https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/anzf.1046>, accessed: 10/11/2024.
41. Hughes G. (2014). Finding a voice through “The Tree of Life”: a strength-based approach to mental health for refugee children and families in schools. Clin Child Psychol Psychiatry, 19(1), 139–153.
42. Ibrahim J. and Tchanturia K. (2018). Patients’ Experience of a Narrative Group Therapy Approach Informed by the “Tree of Life” Model for Individuals with Anorexia Nervosa. Int J Group Psychother, 68(1), 80–91.
43. (2024). Research Design. SAGE Publications Ltd, <https://uk.sagepub.com/en-gb/asi/research-design/book270550>, accessed: 03/13/2024.
44. Using thematic analysis in psychology: Qualitative Research in Psychology: Vol 3, No 2. <https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1191/1478088706qp063oa>, accessed: 03/03/2024.
45. Parham S. (2019), Using the tree of life group in UK mental health contexts, phd, Canterbury Christ Church University.
46. Le Boutillier C., Leamy M., Bird V.J., et al. (2011). What Does Recovery Mean in Practice? A Qualitative Analysis of International Recovery-Oriented Practice Guidance. Psychiatr Serv, 62(12), 1470–1476.
47. Engaging Latino Families in Therapy: Application of the Tree of Life Technique | Semantic Scholar. <https://www.semanticscholar.org/paper/Engaging-Latino-Families-in-Therapy%3A-Application-of-M%C3%A9ndez-Cole/3b5690e08738d1c0d7138b8df2ceb46c83070a10>, accessed: 10/11/2024.
48. Narratives of healing: A case study of a young Liberian refugee settled in Australia – ScienceDirect. <https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S019745561300169X>, accessed: 10/11/2024.
49. Brown V. (1983). Mental Health Gatekeeping in Community Development: An Open or Shut Case?. Community Dev J, 18(3), 214–221.
50. Hu M., Li X., Zhu Y., et al. (2024). The role of family caregiving in the management of individuals with mental illnesses and the outcome of family-based interventions for mental illnesses in China: a scoping review. Lancet Reg Health – West Pac, 101184.
51. You D.-K., Son J.-M., and Hwang T.-Y. (2023). Effectiveness of Gatekeeper Training for Families of People With Mental Disorders in Korea: A Randomized Controlled Trial. Psychiatry Investig, 20(12), 1185–1194.