Bs Phùng Ngọc Thương – P. KHTH
Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường. Phục hồi chức năng cho người bệnh khuyết tật về tâm thần luôn là một thách thức vì đòi hỏi cả một nguồn nhân lực và vật lực vô cùng lớn, cũng như sự kiên trì tận tâm không chỉ của nhân viên y tế mà còn của bản thân người bệnh và gia đình.
Nhân dịp kỷ niệm 26 năm ngày người khuyết tật Việt Nam – 18/04/2024, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội xin giới thiệu cùng bạn đọc mô hình phục hồi chức năng 5 giai đoạn – một mô hình đã đươc tiếp thu từ các nước tiên tiến đã và đang bước đầu nghiên cứu áp dụng tại Bệnh viện.
1. Phục hồi kỹ năng thư giãn, giải trí:
Cuộc sống bận rộn ngày nay kéo theo rất nhiều áp lực, căng thẳng. Tự thư giãn, biết cách giải trí là một kỹ năng tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng giúp cho người bệnh lấy lại phút giây cân bằng, vượt qua được mối bận tâm về bệnh tật.
Rất nhiều hoạt động có thể áp dụng như đọc sách báo, xem tivi, xem phim, nghe nhạc, chơi cờ, ca hát. Khoa điều trị H đã được trang bị một dàn loa karaoke để phục vụ những người bệnh.
2. Kỹ năng tự chăm sóc bản thân:
Thu rút xã hội, kém chăm sóc bản thân, lười vệ sinh tắm rửa thường gặp ở những rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, mất trí. Người bệnh cần được hướng dẫn lại những động tác hết sức đơn giản như đánh răng, rửa mặt, rửa tay xà phòng, tắm rửa, tập thể dục thể thao để có thể tự phục vụ bản thân, giảm gánh nặng cho người chăm sóc.
3. Phát triển động lực lao động:
Tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, chúng tôi không chỉ đề ra mục tiêu nhanh chóng ổn định triệu chứng – giúp người bệnh giảm thời gian nằm viện, mà còn tăng cường phục hồi chức năng, nhất là động lực lao động, để người bệnh khi ra viện có thể làm được những công việc nhẹ nhàng, giúp đỡ bản thân và gia đình.
Đó có thể là những công việc không đòi hỏi chuyên môn cao, nhưng không kém phần mang đến niềm vui cho người bệnh như trồng rau, làm bánh, khâu vá, dán túi thuốc, vẽ tranh. Bênh viên đã tổ chức hội chợ bán những món đồ thủ công do người bệnh làm như dây buộc tóc, lót nồi, tranh đất sét… đến hẹn lại lên luôn nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của mọi người mỗi dịp trung thu.
4. Kỹ năng làm việc chuyên biệt:
Đây là những kỹ năng đòi hỏi tính kỷ luật, tự giác, tỉ mỉ và chuyên môn cao hơn như bán hàng, tin học, ngoại ngữ. Giúp người bệnh tiếp tục đi học, có bằng cấp và quay trở lại được công việc cũ của họ như công nhân, giáo viên, kỹ sư, hay mở được một cửa tiệm nhỏ đủ nuôi sống bản thân… luôn là niềm vui và mục tiêu phấn đấu của chúng tôi.
5. Sẵn sàng tái hòa nhập cộng đồng:
Mức 5, mức độ phục hồi chức năng cao nhất, người bệnh được hướng dẫn các kỹ năng đòi hỏi tương tác xã hội như tham gia phương tiện giao thông công cộng, biết cách tự đi xe bus, đi siêu thị mua sắm, biết cách mua vé xem phim, đi thăm bảo tàng, đi đến khu du lịch.
Giúp người bệnh lấy lại sự tự tin, vượt lên mặc cảm bệnh tật, tái hòa nhập cộng đồng luôn là kim chỉ nam giúp cho chúng tôi vượt qua mọi khó khăn thử thách, tất cả vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Tâm thần của nhân dân Thủ đô.