Rối loạn tự kỷ ở trẻ em là một rối loạn phát triển đặc trưng bởi sự thu rút vào thế giới riêng, suy giảm tương tác xã hội và các mối quan tâm, hành vi thu hẹp. Khởi phát rối loạn thường trước 3 tuổi và trong phần lớn trường hợp tiến triển mạn tính, các triệu chứng dai dẳng tới khi trưởng thành.
Có một số nguyên nhân dẫn đến rối loạn ở trẻ em như biến đổi sinh học thần kinh. Tự kỷ được cho là hậu quả của các bất thường trong cấu trúc hoặc chức năng não. Tính di truyền cũng là một nguyên nhân không thể không xét, di truyền chiếm khoảng 37 – 90% với rối loạn phổ tự kỷ dựa trên tỷ lệ sinh đôi. Ngoài ra còn có ảnh hưởng trong quá trình mang thai và sinh đẻ, phụ nữ mắc hen hoặc dị ứng trong thời gian mang thai có tăng nguy cơ con bị tự kỷ
Trẻ mắc bệnh tự kỷ thường có các biểu hiện chung là những khiếm khuyết ở 3 lĩnh vực: tương tác xã hội, giao tiếp và hành vi, sở thích thu hẹp và rập khuôn.
Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ theo các chuyên gia phải nhắc tới sự suy giảm dai dẳng giao tiếp xã hội và tương tác xã hội trong nhiều hoàn cảnh, được thể hiện bởi những điều sau:
Suy giảm trong sự trao đổi cảm xúc – xã hội, ví dụ, tiếp xúc xã hội bất thường và không giao tiếp qua lại bình thường được; suy giảm sự chia sẻ các mối quan tâm, cảm xúc hoặc cảm giác; không thể bắt đầu hay đáp ứng với các tương tác xã hội. Suy giảm những hành vi giao tiếp không lời được dùng trong tương tác xã hội, ví dụ, kết hợp kém sự giao tiếp có lời và không lời; tới các bất thường trong giao tiếp bằng mắt và ngôn ngữ cơ thể hoặc suy giảm trong sự hiểu biết cũng như sử dụng các cử chỉ; tới sự thiếu hụt toàn bộ các biểu cảm nét mặt và giao tiếp không lời. Trẻ còn có sự suy giảm trong việc phát triển, duy trì và thấu hiểu cá mối quan hệ, ví dụ, khó khăn trong việc điều chỉnh hành vi để phù hợp với nhiều tình huống xã hội khác nhau; tới những khó khăn trong việc tham gia trò chơi tưởng tượng hoặc kết bạn; thiếu quan tâm tới bạn bè.
Các mô hình hành vi, mối quan tâm của trẻ, hoặc hoạt động bị thu hẹp, lặp lại, được thể hiện qua ít nhất là 2 trong số những điều sau: Các động tác vận động định hình hoặc lặp đi lặp lại, sử dụng những đồ vật hoặc lời nói (ví dụ các vận động đơn giản định hình, xếp tầng hàng đồ chơi hoặc lật úp đồ vật, nhại lời, cụm từ riêng); tính cố định đơn điệu, không linh hoạt trong các hoạt động hàng ngày, hoặc các mô hình hành vi có lời hoặc không lời được nghi thức hóa (ví dụ trẻ cảm thấy đau khổ quá mức với một thay đổi nhỏ, khó khăn với sự thay đổi, kiểu tư duy cứng nhắc, cách chào hỏi rập khuôn, nhu cầu đi cùng đường hoặc ăn món giống nhau hàng ngày); các mối quan tâm của trẻ rất cố định, thu hẹp, bất thường về cường độ tập trung (ví dụ, gắn bó hoặc quan tâm mạnh mẽ tới các đồ vật khác thường, quan tâm dai dẳng hoặc thu hẹp quá mức) và một biểu hiện nữa là trẻ có sự tăng hoặc giảm phản ứng với thông tin cảm giác tiếp nhận được hoặc quan tâm bất thường về các khía cạnh cảm giác của môi trường (ví dụ thờ ơ rõ rệt với đau/ nhiệt độ, phản ứng chống đối với các âm thanh hay bề mặt cụ thể, ngửi hoặc chạm quá mức với đồ vật, thích thú nhìn ngắm ánh sáng hoặc chuyển động.
Việc điều trị tự kỷ nên bắt đầu với các can thiệp tâm lý và không dùng thuốc. Liệu pháp hóa dược không phải ưu tiên hàng đầu với trẻ tự kỷ. Can thiệp sớm là rất quan trọng để xác định các triệu chứng tự kỷ. Liệu pháp không hóa dược nhắm đến các triệu chứng gây suy giảm nhận thức. Các can thiệp tâm lý xã hội và không dùng thuốc được khuyến cáo gồm: Liệu pháp hành vi, liệu pháp ngôn ngữ/ lời nói, liệu pháp hoạt động, liệu pháp vật lý, liệu pháp kỹ năng xã hội và các liệu pháp giáo dục đặc biệt như kiến thức và kỹ năng sống.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/mot-so-dieu-can-biet-ve-benh-roi-loan-tu-ki-o-tre-em-169231211081222288.htm