Hành vi tự gây tổn thương (Self-Injury) là một hành vi phức tạp có thể gây ra những hậu quả về sức khỏe thể chất và tâm thần nghiêm trọng, cần được nhận thức sâu sắc, toàn diện để các cá nhân nhận được sự giúp đỡ mà không bị kỳ thị.

Hành vi tự gây tổn thương là gì?
Theo Hiệp hội quốc tế về Nghiên cứu tự gây tổn thương, “Tự gây tổn thương” không nhằm mục đích tự sát là hành vi cố ý, tự ý gây tổn hại đến mô cơ thể mà không có ý định tự sát và vì mục đích không được xã hội hoặc văn hóa chấp nhận.
Những ai có thể có Hành vi tự gây tổn thương?
Hành vi tự gây tổn thương có thể gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính, dân tộc và mọi tầng lớp xã hội, tuy nhiên có những yếu tố có thể làm tăng khả năng tự gây tổn thương của một cá nhân.
Nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng tự gây tổn thương thường bắt đầu ở độ tuổi từ 12 đến 15 (Plener và cộng sự, 2015) với tỷ lệ ở nữ giới cao hơn nam giới. Không chỉ vậy hành vi này hay gặp ở người có rối loạn tâm thần: bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới (BPD), trầm cảm và Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).
Hậu quả của Hành vi tự gây tổn thương là gì?
Một số người cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ và có thể lo lắng rằng người khác sẽ phán xét họ nếu họ phát hiện ra. Điều này có thể góp phần gây ra cảm giác lo lắng, xấu hổ và cô lập. Những cảm giác này cũng có thể khiến việc tìm kiếm sự giúp đỡ trở nên khó khăn.
Ngoài những tác động về mặt cảm xúc, những tác động về mặt thể chất bao gồm cả tổn thương trên cơ thể mà có thể không cần can thiệp y tế. Về lâu dài, những người tự gây tổn thương có thể báo cáo tình trạng trầm cảm hoặc lo âu ngày càng trầm trọng hơn, hậu quả về thể chất như sẹo và khó khăn trong các mối quan hệ thân thiết.
Tự gây tổn thương và tự sát
Mối quan hệ giữa hành vi tự gây tổn thương và tự sát rất phức tạp. Mặc dù hành vi tự gây tổn thương không phải là hành vi tự sát, nhưng nó là một yếu tố dự báo đáng tin cậy về những suy nghĩ, kế hoạch và hành động tự sát sau này. Một người có hành vi tự gây tổn thương càng nhiều và các triệu chứng trầm cảm thì nguy cơ tự sát càng cao.
Chúng ta có thể làm gì?
Hành vi tự gây tổn thương có thể kiểm soát bằng cách nhắm vào những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi là nguyên nhân gây ra hành vi tự gây tổn thương của một cá nhân. Điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức về điều này và đảm bảo rằng những người tự gây thương tích nhận được sự trợ giúp chuyên nghiệp càng sớm càng tốt.
Hưởng ứng ngày 1 tháng 3 hằng năm là Ngày nhận thức về hành vi tự gây tổn thương (SIAD) chúng ta hãy chọn cách cởi mở hơn lắng nghe nhiều hơn và tạo ra một môi trường hỗ trợ an toàn về hành vi tự gây tổn thương. Ở nhiều quốc gia, tự làm hại bản thân và tự tử vẫn bị coi là hành vi phạm tội do đó khiến những người có trải nghiệm thực tế không an toàn khi lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Điều này không chỉ làm tăng thêm sự đau khổ của họ mà còn thúc đẩy sự kỳ thị và coi thường quyền tự chủ của những người mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần. Vì vậy hãy cùng chung tay nỗ lực và nâng cao nhận thức chung về hành vi tự gây hại và các vấn đề tiềm ẩn để mọi người có thể tìm kiếm sự giúp đỡ mà không bị kỳ thị.

Ảnh – Dải ruy băng màu cam đại diện cho nhận thức về hành vi tự gây tổn thương
Nguồn tham khảo:
1. Talking About Self-Injury. ISSS. https://www.itriples.org/aboutnssi/talking-about-self-injury
2. SIAD: Self Injury Awareness Day – LifeSIGNS. https://www.lifesigns.org.uk/siad/
Bài viết liên quan
HÀNH VI TỰ HỦY HOẠI (SELF-HARM) – Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. March 12, 2024.. https://benhvientamthanhanoi.com/hanh-vi-tu-huy-hoai-self-harm/
BS Phan Thị Thu Hiền – Khoa điều trị A