Hành vi tự hại (self-harm), còn gọi là tự gây tổn thương (NSSI – Non-Suicidal Self-Injury), là hành động cố ý gây tổn thương lên cơ thể nhưng không có ý định tự sát. Hành vi tự hại thường đi liền với nhiều vấn đề khác về sức khỏe tâm thần và thể chất, và dẫn tới những hậu quả bệnh lý nghiêm trọng hơn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tự hại không nhằm mục đích tự tử nhưng có thể làm tăng nguy cơ tự sát trong tương lai.

Tỷ lệ thường gặp
Khoảng 17% dân số trên toàn cầu từng thực hiện hành vi tự hại ít nhất một lần trong đời. Các hành vi phổ biến bao gồm cắt, rạch da, đốt, đánh đập cơ thể, kéo tóc hoặc đâm vật nhọn vào da. Nữ giới và trẻ thanh thiếu niên là đối tượng có nguy cơ cao thực hiện hành vi này. Trước đây, hành vi tự hại thường được xem như một phần của Rối loạn nhân cách ranh giới, nhưng các nghiên cứu gần đây đã cho thấy seft–harm đi cùng nhiều vấn đề tâm lý khác bao gồm lo âu, trầm cảm, ý tưởng tự sát, cũng như nhiều rối loạn nhân cách (In-Albon, Ruf, & Schmid, 2013)
Triệu chứng và dấu hiệu
Người có hành vi tự gây tổn thương thường:
- Xuất hiện vết cắt, bỏng, vết bầm tím không rõ nguyên nhân.
- Dấu vết tổn thương lặp lại ở cùng một vị trí.
- Che giấu vết thương, mặc quần áo dài dù trong thời tiết nóng.
- Cảm xúc tiêu cực mạnh như trầm cảm, lo âu, cảm giác trống rỗng.
- Hành vi né tránh xã hội, thiếu kết nối với gia đình và bạn bè.
Nguyên nhân
Đối với những người tự hại, cảm giác đau do hành vi tự gây thương tích và quá trình thực hiện nó là một cách để xoa dịu cảm xúc tiêu cực hoặc khi họ có thể gặp khó khăn trong việc thể hiện nỗi đau bằng lời nói. Họ có thể có những sang chấn thời thơ ấu như bị lạm dụng hoặc bỏ rơi hoặc sống trong môi trường gia đình không ổn định, bị bắt nạt hoặc cô lập. Thực hiện hành vi tự hại tạo thành và củng cố một mô hình phản ứng sai lệch khi gặp các sự kiện gây căng thẳng, khiến cá nhân lặp lại hành vi khi đối mặt với các căng thẳng trong tương lai. Trong một số trường hợp seft–harm còn là triệu chứng của các bệnh lý tâm thần như: Trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), rối loạn nhân cách ranh giới (BPD).
Ngoài ra, yếu tố xã hội và môi trường cũng tác động rất lớn, đặc biệt đối với vị thành niên và thanh thiếu niên. Việc tiếp xúc với nội dung khuyến khích self-harm trên Internet hoặc tham gia các hội nhóm có thể làm gia tăng hành vi này.
Nên làm gì khi có hành vi tự gây tổn thương
Điều trị self-harm tập trung vào việc giúp người bệnh tìm ra cách đối phó lành mạnh hơn với cảm xúc tiêu cực và giải quyết các vấn đề tâm lý nền tảng. Một số các kỹ thuật tâm lý thường được sử dụng như:
- Liệu pháp nhận thức hành vi: Giúp thay đổi suy nghĩ tiêu cực và cải thiện cách đối phó với căng thẳng.
- Liệu pháp tâm lý cá nhân và nhóm: Giúp cải thiện khả năng giao tiếp, xây dựng kết nối xã hội và giảm cảm giác cô lập.
Không có thuốc đặc trị self-harm, nhưng một số thuốc có thể được sử dụng để điều trị các bệnh lý liên quan: như các thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần…
Tóm lại, self-harm là một vấn đề tâm lý phức tạp và thường liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, từ sinh học tâm lý đến môi trường. Việc điều trị hành vi self-harm đòi hỏi giữa các liệu pháp tâm lý xã hội và hóa dược khi cần. Nếu bạn hoặc ai đó đang gặp phải vấn đề này, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia thay vì cố gắng giải quyết một mình.
Tài liệu tham khảo
- World Health Organization (2021). Suicide prevention.
- Swannell, S. V., et al. (2014). Prevalence of nonsuicidal self-injury in nonclinical samples: Systematic review. PubMed.
- The Lancet Psychiatry (2021). Self-harm and suicide: the impact of COVID-19. The Lancet.
- American Psychiatric Association (2020). Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (DSM-5).
- Linehan, M. M., et al. (2015). Dialectical Behavior Therapy for self-injury. PubMed.
Từ khóa:
Bài viết liên quan:
Hành vi tự hủy hoại (Self-harm) https://benhvientamthanhanoi.com/hanh-vi-tu-huy-hoai-self-harm/
Ngày nhận thức về hành vi tự gây tổn thương (Self-injury Awareness Day) https://benhvientamthanhanoi.com/ngay-nhan-thuc-ve-hanh-vi-tu-gay-ton-thuong-self-injury-awareness-day/
BS Phan Thị Thu Hiền – Khoa điều trị A