Nhận diện trầm cảm – người có hành vị tự tử

Tự sát là cái chết do một hành động cố ý tự làm hại bản thân để gây chết người. Hành vi tự sát bao gồm một loạt các hành vi từ cố gắng tự sát, chuẩn bị cho đến tự sát hoàn thành. Ý tưởng tự sát đề cập đến quá trình suy nghĩ, xem xét hoặc lên kế hoạch tự sát.

Trong thời đại mới với nhiều thay đổi của xã hội, rối loạn trầm cảm đang dần gia tăng và được thể hiện rõ rệt hơn ở những người có hành vi tự tử. Thực tế này mang lại nhiều tín hiệu tiêu cực cho xã hội, đòi hỏi sự chung tay thay đổi của gia đình, nhà trường và xã hội để ngăn ngừa và đẩy lùi hành vi tự tử.

Trầm cảm – căn nguyên có thể dẫn đến tự tử

Sau Covid-19, tỷ lệ rối loạn trầm cảm và dấu hiệu của những hành vi tự sát ngày càng gia tăng. Theo các chuyên gia, ý tưởng tự sát không phải bộc phát mà thường có thời gian dài chịu tác động bởi tâm lý tiêu cực. Tự sát được xác định là một trong những cấp cứu tâm thần, cần nhập viện ngay để theo dõi 24/24 giờ, đặc biệt là những trường hợp kết hợp với trầm cảm.

Nhận diện trầm cảm – người có hành vị tự tử- Ảnh 1.
(Ảnh minh hoạ)

Lứa tuổi thanh thiếu niên là giai đoạn phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi từ trẻ em sang giai đoạn trưởng thành được đánh dấu bằng mốc dậy thì. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù tự tử xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng theo thống kê, đây là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 ở các trẻ từ 15-19 tuổi trên thế giới. Cùng với đó là sự phát triển về tư duy, nhận thức, sự quan sát, sáng tạo, tự ý thức khẳng định bản thân, trưởng thành về nhân cách, đối mặt với nhiều yếu tố stress, học tập, thay đổi môi trường,..

Trầm cảm là một trong những căn nguyên dẫn đến hành vi tự sát ở mọi lứa tuổi. Người bệnh cảm thấy buồn chán, đau khổ, không có động lực và hứng thú trong cuộc sống. Trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên có thể biểu hiện bởi các triệu chứng không đặc trưng như hiệu quả công việc, học tập bị giảm sút, tự cô lập bản thân, giảm quan tâm về ngoại hình, thu mình, hạn chế các hoạt động xã hội hoặc bắt đầu có các hành vi mang tính chống đối: bỏ bê công việc, sử dụng chất kích thích… Ngoài ra, một số đặc điểm thay đổi về cảm xúc như đột ngột có những hành vi đổi mới lạ, thay đổi cảm xúc thất thường, dễ có tâm lý cực đoan, luôn cảm thấy cô đơn,…

Phòng ngừa hành vi tự tử

Phòng ngừa tự tử đòi hỏi phải xác định những đối tượng có nguy cơ cao và bắt đầu những can thiệp phù hợp. Một số chuyên gia đã nhận định rằng bệnh nhân nhập viện sau khi tự tử có nguy cơ tử vong cao nhất trong vài ngày đầu hoặc vài tuần sau khi xuất viện và nguy cơ vẫn còn cao trong vòng 6 đến 12 tháng đầu sau khi xuất viện. Bệnh nhân có nguy cơ tự tử thường mắc kết hợp trầm cảm và nghiện rượu hoặc trầm cảm đi kèm với lo lắng, hoảng sợ. Mặc dù không cần nhập viện cấp cứu nhưng cần có tư vấn, can thiệp của bác sĩ, tâm lý hay sự quan tâm, chia sẻ của gia đình đối với bệnh nhân.

Nhận diện trầm cảm – người có hành vị tự tử- Ảnh 2.
(Ảnh minh hoạ)

Hành vi tự tử là vấn đề có thể ngăn ngừa được. Việc hiểu rõ các nguyên nhân, dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp cho gia đình, người thân và nhà trường tìm cách giải quyết và hạn chế tình trạng này. Các liệu trình điều trị bằng thuốc đều phải được bác sĩ chỉ định và theo dõi để mang lại hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân có hành vi tự tử. Việc áp dụng những liệu phát tâm lý sẽ góp phần lớn trong quá trình cải thiện bệnh lý. Gia đình và người thân nên đồng hành cùng người có triệu chứng trầm cảm trong suốt quá trình điều trị.

Chế độ sinh hoạt và các biện pháp khắc phục tại nhà cũng có thể giúp người bệnh đối phó với hành vi tự tử như không sử dụng các chất kích thích, rượu/ bia để tránh tăng rối loạn cảm xúc. Thường xuyên tập thể dục, chủ động giao tiếp với người thân trong gia đình để được chia sẻ và thấu hiểu hơn. Ngoài ra, việc áp dụng các “lá chắn” bảo vệ cho tâm lý của những người có rối loạn cảm xúc hoặc trầm cảm cũng giúp họ có cuộc sống tích cực. Với trẻ em hay trẻ vị thành niên, gia đình và nhà trường nên tạo môi trường sống lành mạnh, gần gũi và năng động với nhiều hoạt động ngoại khoá, dạy trẻ kỹ năng sống để xử lý với những biến cố trong cuộc sống, giúp trẻ chia sẻ, vượt qua khó khăn, nỗi buồn để trẻ cảm thấy được bảo vệ và luôn có người đồng hành. Yếu tố quyết định để cải thiện hành vi tự tử trong xã hội phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá thể và sự quan tâm của con người giữa các mối quan hệ thân quen. Việc xác định những người dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao là điều cần thiết để ngăn chặn hành vi tự sát.

Nhận diện trầm cảm – người có hành vị tự tử- Ảnh 3.
(Ảnh minh hoạ)

Để được giải đáp mọi câu hỏi thắc mắc cũng như nhu cầu cần thăm khám và điều trị về sức khỏe, hãy liên lạc với chúng tôi!

Bệnh viện Tâm thần Hà Nội là bệnh viện hạng I, đầu ngành tâm thần của Thành phố Hà Nội, có nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tâm thần cho nhân dân Thủ đô với quy mô lớn, điều trị cho trên 10.000 bệnh nhân tại cộng đồng. Bệnh viện luôn cặp nhật kiến thức, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và trở thành một địa chỉ tin cậy trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận.
Nguồn: Sức khỏe đời sống