- Thành viên tham gia:
Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Thúy Anh
Thư ký: Nguyễn Đình Hoàng
Cộng sự: Nguyễn Thúy Dung, Lê Thị Hà, Trần Thị Quyên
- Địa điểm nghiên cứu: Bệnh viện Tâm thần Hà Nội
- Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 4 năm 2024 đến tháng 7 năm 2024
- Đặt vấn đề
Tuổi vị thành niên (10-19 tuổi) chiếm khoảng 20% dân số thế giới, đây là giai đoạn phát triển độc đáo của con người và là thời điểm quan trọng để đặt nền móng cho một nền tảng sức khỏe về thể chất và tâm thần tốt1. Uớc tính trên toàn cầu, cứ mỗi 7 trẻ trong độ tuổi từ 10 đến 19 thì có 1 trẻ gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Hầu hết các rối loạn cảm xúc hành vi bắt đầu từ thời thơ ấu hoặc trong giai đoạn vị thành niên và để lại những hậu quả nặng nề đối với cuộc sống hàng ngày như giảm khả năng học tập, nguy cơ sử dụng chất gây nghiện, bạo lực và các mối quan hệ xã hội xấu. Các hậu quả này có xu hướng tồn tại đến tuổi trưởng thành.2
1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
1.1. Đối tượng nghiên cứu: 75 bệnh nhân trong độ tuổi vị thành niên (10 – đủ 18 tuổi) đến khám và điều trị ngoại trú hoặc nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội trong thời gian nghiên cứu, đáp ứng tiêu chuẩn lựa chọn và tiêu chuẩn loại trừ sau đây:
* Tiêu chuẩn lựa chọn:
– Đang ở trong giai đoạn vị thành niên (10 – đủ 18 tuổi).
– Đang theo học chương trình phổ thông, có đủ khả năng thực hiện các trắc nghiệm tâm lý độc lập.
* Tiêu chuẩn loại trừ:
– Bệnh nhân dưới 10 tuổi, trên 18 tuổi.
– Bệnh nhân chậm phát triển tâm thần (IQ<80), theo học hòa nhập tại các trường phổ thông hoặc trung tâm chuyên biệt.
– Bệnh nhân và/hoặc người nhà không đồng ý tham gia nghiên cứu, hoặc không tuân thủ các yêu cầu của nghiên cứu.
1.2. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang hang loạt ca bệnh
- Phương pháp thu thập thông tin:
- Công cụ nghiên cứu: Bảng hỏi, trắc nghiệm Raven, bảng kiểm CBCL
- Kỹ thuật thu thập thông tin: Phỏng vấn, khám bệnh, làm trắc nghiệm tâm lý
- Phân tích xử lý số liệu:
- Các số liệu sau khi được thu thập sẽ được xử lý bằng phần mềm thống kê y học SPSS 26.0. Phân tích thống kê mô tả tỷ lệ, % các biến đặc điểm chung và các biến liên quan đến rối loạn cảm xúc hành vi ở trẻ vị thành niên.
- Các phân tích tương quan để xem xét sự khác biệt các vấn đề giữa giới nam – nữ, nhóm tuổi, mức độ ảnh hưởng của các yếu tố cá nhân và môi trường lên cảm xúc và hành vi ở trẻ vị thành niên.
2. Kết quả nghiên cứu và bàn luận
2.1. Đặc điểm về chung về đối tượng nghiên cứu
Tuổi trung bình của nhóm đối tượng là 14,2 ± 2,3 tuổi. Tỷ lệ nam : nữ là 0,7:1. Phần lớn đối tượng nghiên cứu là người bệnh khám ngoại trú (94,7%).
Về môi trường phát triển: Tỷ lệ người bệnh có sang chấn thời thơ ấu là 10,7%. 85,3% người bệnh sống với bố mẹ, 14,7% còn lại bố mẹ ly thân, ly hôn, hoặc mất bố mẹ. Có 19% trẻ có vấn đề về bạo lực học đường. Trong các mối quan hệ gia đình: 20% trẻ ít hoặc không có sự quan tâm và chia sẻ từ gia đình. Có 29,3% trẻ có quan hệ xung đột với bạn bè, 25,3% trẻ có mối quan hệ xung đột với người khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng môi trường nuôi dạy gia đình, các yếu tố trong xung đột với bạn bè cùng trang lứa và bạo lực trong cộng đồng là những yếu tố nguy cơ dẫn đến các vấn đề về cảm xúc và hành vi ở trẻ em.3 4
2.2. Đặc điểm về rối loạn cảm xúc và hành vi ở trẻ vị thành niên
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ các vấn đề cảm xúc hành vi ở ngưỡng bệnh lý cao hơn ở trẻ tự báo cáo so với cha mẹ báo cáo, tương tự với nghiên cứu của Žukauskienė và cộng sự (2004).5 Điều này có thể là kết quả của việc trẻ em và trẻ vị thành niên khi dần trưởng thành thường có xu hướng trở nên độc lập, ít được cha mẹ chú ý hơn, thanh thiếu niên cũng ít tâm sự với cha mẹ hơn. Mô hình giao tiếp kém hiệu quả giữa cha mẹ và con cái, đặc biệt trong cộng đồng người Việt Nam cũng có thể là yếu tố ảnh hưởng dẫn đến sự khác biệt ở hai kết quả báo cáo.
Hầu hết tỷ lệ vấn đề cảm xúc ở ngưỡng ranh giới và bệnh lý đều cao hơn ở kết quả trẻ tự đánh giá, với tỷ lệ lần lượt ở nhóm trẻ tự báo cáo và cha mẹ báo cáo của lo âu/trầm cảm là 70,6% và 41,3%, của thu mình/ trầm cảm là 66,7% và 37,3%, của phàn nàn là cơ thể là 52% và 21,3%. Điểm trung bình các vấn đề cảm xúc và hướng nội ở trẻ nữ cao hơn so với trẻ nam, tuy nhiên sự khác biệt nhỏ không đáng kể. Tỷ lệ các vấn đề lo âu/trầm cảm, thu mình/trầm cảm, và hướng nội bệnh lý ở trẻ vị thành niên nữ cao gấp 1,5-2 lần so với trẻ nam, tương đồng với một số nghiên cứu khác tại Ý6, Kenya7 hay tại Sơn Đông- Trung Quốc8. Nghiên cứu cũng cho thấy các vấn đề về cảm xúc như lo âu/trầm cảm, thu mình/trầm cảm, phàn nàn cơ thể, hướng nội có xu hướng tăng dần theo lứa tuổi.
40-50% kết quả trẻ tự báo cáo cho thấy các vấn đề xã hội, vấn đề tư duy, và vấn đề hướng ngoại ở ngưỡng bệnh lý; trong khi kết quả này từ báo cáo của cha mẹ chỉ chiếm dưới 15%, trừ vấn đề hướng ngoại (tỷ lệ bệnh lý do cha mẹ báo cáo là 29,3%). Nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê đối với điểm trung bình của các tiểu mục rối loạn cảm xúc hành vi và hướng ngoại.
Tỷ lệ các vấn đề hành vi phá bỏ quy tắc ở ngưỡng ranh giới và bệnh lý ở nam nhiều hơn nữ (tổng tỷ lệ đối nam lần lượt là 58%, tổng tỷ lệ đối với nữ là 43,2%). Trong khi các hành vi hung tính thể hiện ở ngưỡng bệnh lý khá cao ở nam (19,4%), hành vi này ở nữ giới chủ yếu lại thể hiện ở mức độ ranh giới giữa bình thường và bệnh lý. Vấn đề xã hội, vấn đề tư duy gặp nhiều ở nữ giới hơn so với nam giới, ở cả ngưỡng ranh giới và bệnh lý. Tỷ lệ các vấn đề chú ý tương đối đồng đều ở cả hai giới (19,4% ở nam và 22,7% ở nữ). Các vấn đề về hành vi và hướng ngoại không có sự khác biệt giữa các nhóm độ tuổi khác nhau, tương tự với nghiên cứu của Sifan Wang và cộng sự nghiên cứu tỷ lệ điều trị rối loạn tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên (2023)10.
2.3. Một số yếu tố liên quan đến rối loạn cảm xúc hành vi ở trẻ vị thành niên
Nghiên cứu tìm thấy mối tương quan thuận giữa giới với các vấn đề hướng nội do trẻ tự báo cáo (β=7,20; p=0,03; 95%CI: 0,84 – 13,56), và giữa quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với các vấn đề hướng ngoại do trẻ tự báo cáo (β=11,13; p=0,001; 95%CI: 4,60 – 17,66). Nói cách khác, yếu tố khác biệt về giới cho phép dự đoán các vấn đề hướng nội ở trẻ vị thành niên (nữ dễ gặp các vấn đề hướng nội hơn so với nam), trong khi các mối quan hệ xung đột trong gia đình cho phép dự đoán các vấn đề hướng ngoại. Nghiên cứu chưa tìm thấy giá trị dự đoán của các yếu tố cá nhân khác như tuổi, tuần thai khi sinh, cân nặng lúc sinh, tính cách, trí tuệ và yếu tố môi trường khác như sang chấn thời thơ ấu, bạo lực học đường với các vấn đề cảm xúc và hành vi của trẻ vị thành niên.
Summary
EMOTIONAL BEHAVIORAL DISORDERS IN ADOLESCENTS TREATMENT AT HANOI MENTAL HOSPITAL
Objective: Characteristics of emotional and behavioral disorders in adolescents and some related factors. Subjects and Methods: A cross-sectional descriptive study on 75 adolescent patients (aged 10-18) treated at Hanoi Psychiatric Hospital from April 2024 to July 2024. Results: The average age was 14.2 ± 2.3 years. 76% of adolescents self-assessed as having pathological internalizing problems, and 49.3% self-assessed as having pathological externalizing problems. Anxiety/depression, withdrawal/depression, somatic complaints, and internalizing problems were more prevalent in females than males. There were no gender differences in social problems, thought problems, attention problems, rule-breaking behavior, aggressive behavior, and externalizing problems. There were no age differences in all behavioral and emotional problems. Gender differences allowed the prediction of internalizing problems in adolescents, while conflicting relationships in the family allowed the prediction of externalizing problems.
Tài liệu tham khảo:
1. Adolescent health. Accessed October 26, 2022. https://www.who.int/health-topics/adolescent-health.
2. Mental health of adolescents. Accessed October 21, 2024. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/adolescent-mental-health
3. G F, Dj H, Pj F, et al. Conduct disorder. Nat Rev Dis Primer. 2019;5(1). doi:10.1038/s41572-019-0095-y
4. Wu S. The Influence of Family Nurturing Environment on Children’s Emotions and Behaviors. Int J Educ Humanit. 2024;14:274-278. doi:10.54097/ca4kqt80
5. Zukauskiene R, Pilkauskaite-Valickiene R, Malinauskiene O, Krataviciene R. Evaluating behavioral and emotional problems with the Child Behavior Checklist and Youth Self-Report scales: cross-informant and longitudinal associations. Med Kaunas Lith. 2004;40(2):169-177.
6. Frigerio A, Cattaneo C, Cataldo M, Schiatti A, Molteni M, Battaglia M. Behavioral and Emotional Problems Among Italian Children and Adolescents Aged 4 to 18 Years as Reported by Parents and Teachers. Eur J Psychol Assess. 2004;20(2):124-133. doi:10.1027/1015-5759.20.2.124
7. Magai DN, Malik JA, Koot HM. Emotional and Behavioral Problems in Children and Adolescents in Central Kenya. Child Psychiatry Hum Dev. 2018;49(4):659-671. doi:10.1007/s10578-018-0783-y
8. Liu X, Sun Z, Neiderhiser JM, Uchiyama M, Okawa M, Rogan W. Behavioral and emotional problems in Chinese adolescents: parent and teacher reports. J Am Acad Child Adolesc Psychiatry. 2001;40(7):828-836. doi:10.1097/00004583-200107000-00018
9. Cui Y, Li F, Leckman JF, et al. The prevalence of behavioral and emotional problems among Chinese school children and adolescents aged 6–16: a national survey. Eur Child Adolesc Psychiatry. 2021;30(2):233-241. doi:10.1007/s00787-020-01507-6
10. Wang S, Li Q, Lu J, et al. Treatment Rates for Mental Disorders Among Children and Adolescents: A Systematic Review and Meta-Analysis. JAMA Netw Open. 2023;6(10):e2338174. doi:10.1001/jamanetworkopen.2023.38174