SINH HOẠT KHOA HỌC BÁO CÁO CA LÂM SÀNG: “RỐI LOẠN TRẦM CẢM ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ ĐÁP ỨNG VỚI THUỐC CITALOPRAM”

BS.Nguyễn Mai Trang – P. Chỉ đạo tuyến

Chiều ngày 13/04/2023, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tổ chức sinh hoạt khoa học phối hợp với Công ty Hanoi Mediserv. Sinh hoạt khoa học là hoạt động được tổ chức định kỳ tại bệnh viện nhằm mục đích cập nhật kiến thức y học, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ bệnh viện.

Mở đầu buổi sinh hoạt khoa học, BSCKII. Vũ Ngọc Úy – Phó giám đốc bệnh viện báo cáo “Tổng quan về SSRI trong điều trị rối loạn trầm cảm” với các bác sĩ, dược sĩ tham gia buổi sinh hoạt.

Tiếp theo bài báo cáo, BSCKII. Đỗ Văn Thắng – Trưởng khoa A – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp báo cáo ca bệnh lâm sàng.

Họ tên người bệnh: N.T.H, sinh năm: 2002, địa chỉ: G.L – H.N, trình độ văn hóa 12/12.

Bệnh sử:

Người bệnh là con thứ 2/2 từ nhỏ khỏe mạnh phát triển bình thường, tính tình khép kín, ít chia sẻ, học lực khá thường xuyên đứng nhóm nhóm đầu của lớp, luôn đạt học sinh giỏi. Sau khi học hết lớp 12 đỗ trường Đại học Hà Nội khoa ngôn ngữ Anh. Người bệnh đang học năm thứ 2 thì có biểu hiện bất thường tâm thần (6/2022) biểu hiện: ít nói chuyện, buồn bã, luôn cảm giác mệt mỏi, mất hứng thú trước đây, hay cáu gắt mỗi khi nói chuyện với người thân, ăn uống kém, gầy xút cân 4kg/1 tháng. Người bệnh kể giảm tập trung chú ý, đêm ít ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, hay có ác mộng, sáng dậy mệt mỏi. các triệu chứng trên thường nặng về sáng sau đó giảm dần về chiều tối. Kèm theo đó, mỗi khi có việc liên quan đến bản thân người bệnh căng thẳng, lo âu, có hành vi dùng vật sắc nhọn cứa lên da làm giảm bớt những căng thẳng trong người. Người bệnh dần dần không đi học được.

Tháng 8/2022 người bệnh được gia đình đưa đi khám và điều trị tại Viện sức khỏe Tâm thần Quốc Gia được chẩn đoán: Giai đoạn trầm cảm nặng có ý tưởng và hành vi tự sát. Gia đình xin điều trị ngoại trú, được chỉ định điều trị bằng thuốc: Zoloft 50mg x 2v Sáng 1v Tối 1v, olanzapin 10mg x 1,5v Sáng 0,5v Tối 1v, Bromazepam 2mg x 1/2v Tối. Sau khi sử dụng thuốc điều trị người bệnh ngủ được nhưng tỉnh dậy có cảm giác bồn chồn, luôn có cảm giác muốn dùng dao hoặc vật sắc nhọn rạch lên da mình mới dễ chịu.

Người bệnh được gia đình đưa đến Bệnh viện Tâm thần Hà Nội khám với chẩn đoán: Giai đoạn trầm cảm nặng không có triệu chứng loạn thần (có ý tưởng và hành vi tự sát). Người bệnh được điều trị thuốc 1 tháng nhưng buồn chán tăng; bồn chồn, hồi hộp đánh trống ngực tăng; ngủ được; suy nghĩ chậm chạp, kém tập trung, dễ cáu gắt; còn sử dụng vật sắc nhọn tổn thương. Sau đó người bệnh được thêm thuốc điều trị 10 ngày, các triệu chứng đều đã giảm dần. Người bệnh được bác sĩ duy trì thuốc điều trị 01 tháng: Citalopram 20mg x 2v tối, Clonazepam 2mg x 1/4v tối, Vitamin. Cảm xúc người bệnh gần như trở lại bình thường; không còn bồn chồn; ngủ được; tập trung chú ý tốt, không cáu gắt; có sở thích cũ; nhận thức, phê phán được bức xúc với hành vi tự gây tổn thương.

Hiện tại, bệnh nhân được điều trị duy trì: Citalopram 20mg x 2v tối, Vitamin; người bệnh ổn định, học tiếp được năm 3, cảm xúc hành vi ổn định, không có ý tưởng và hành vi tự gây tổn thương.

Kết thúc buổi sinh hoạt khoa học với phần trình bày của 2 báo cáo viên đã mang đến nhiều kiến thức bổ ích, hướng điều trị và thuốc điều trị mới. Các bác sĩ, dược sĩ tham gia được trao đổi và cập nhật những kiến thức bổ ích.

 

Một số hình ảnh buổi sinh hoạt khoa học: