SINH HOẠT KHOA HỌC THƯỜNG KỲ BÌNH BỆNH ÁN THÁNG 2 – 2023

BS. Nguyễn Mai Trang – P. Chỉ đạo tuyến

Chiều ngày 16/02/2023, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tổ chức sinh hoạt khoa học thường kỳ: Bình bệnh án tháng 2 – 2023. Bình bệnh án là một trong những phương pháp tốt có hiệu quả cao được ứng dụng trong bệnh viện để cho các nhóm bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng cùng tham gia bình luận trên 1 bệnh án nhằm mục đích phân tích các ưu điểm, nhược điểm trong việc thực hiện những quy định về làm bệnh án, chất lượng hỏi bệnh, khám bệnh, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh. Từ đó đưa ra được những điểm thống nhất, giúp cho mọi người đều rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

BSCKI. Phan Thị Thu Hiền thay mặt Khoa điều trị người bệnh cấp và bán cấp nữ (Khoa điều trị A) chia sẻ về ca bệnh thứ nhất: bệnh nhân L.T.N.A, 24 tuổi. Người bệnh vào viện khi xuất hiện nhiều cơn co giật, bị viêm màng não mủ lúc 9 tháng tuổi, các mốc phát triển nhận thức như các trẻ cùng trang lứa. Năm 11 tuổi, người bệnh xuất hiện các cơn gồng cứng, co giật nửa người bên (T) kèm tăng tiết nước bọt, trong cơn gọi hỏi không biết, cơn kéo dài khoảng 1 -2 phút. Gia đình không cho người bệnh điều trị ở đâu, tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ. Tháng 12/2022 gia đình đưa đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai, điều trị nhưng người bệnh ở nhà uống thuốc không đều, bệnh không thuyên giảm, gần đây tính chất cơn khác trước, trong cơn xuất hiện thêm la hét, sợ hãi. Cơn thường xuất hiện và lúc ngủ, kèm theo lo âu sợ bệnh không khỏi, sợ bản thân xuất hiện cơn co giật không có người thân bên cạnh. Bệnh nhân được thăm khám, chỉ định làm các xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng và được chẩn đoán Động kinh.

BSCKI. Phan Thị Thu Hiền – Khoa điều trị người bệnh cấp và bán cấp nữ báo cáo bệnh án

BSCKI. Hoàng Thị Xuyến thay mặt Khoa điều trị bệnh nhân mạn tính nam (Khoa điều trị C) chia sẻ về ca bệnh thứ hai: bệnh nhân H.M.Đ, 30 tuổi. Người bệnh ở nhà không ngủ, đập phá đồ đạc vô cớ được gia đình đưa vào viện. Người bệnh bị rối loạn tâm thần từ năm 2014, bệnh khởi phát tự nhiên không liên quan đến sang chấn tâm lý hay các bệnh thực tổn khác. Người bệnh cáu gắt vô cớ, sống thu mình không tiếp xúc với ai, đêm ngủ ít, có đêm gần như không ngủ. Người bệnh nghe thấy tiếng của nhiều người nói trong đầu cả nam, nữ, già, trẻ bàn luận về người bệnh, có lúc xui khiến người bệnh khiến người bệnh không thể tập trung làm việc. Người bệnh cho rằng có người nhập vào mình, sử dụng tay chân mình, có lúc thấy có đến bắt giết mình nên phải chạy trốn, kích động, đập phá. Người bệnh được gia đình đưa vào khám và điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần quốc gia, bệnh ổn định ra viện điều trị ngoại trú. Người bệnh ở nhà uống thuốc không đều nên bệnh không thuyên giảm. Đợt này bệnh nhân ở nhà không chịu uống thuốc, bệnh tái phát nên gia đình đưa người bệnh vào viện. Qua quá trình thăm khám, làm các xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng, người bệnh được chẩn đoán Tâm thần phân liệt thể Paranoid.

BSCKI. Hoàng Thị Xuyến – Khoa điều trị bệnh nhân mạn tính nam báo cáo bệnh án

Trong vòng 120 phút sinh hoạt, các bác sĩ tham gia trao đổi rất sôi nổi những vấn đề đặt ra từ trường hợp Động kinh và Tâm thần phân liệt thể paranoid. Qua thảo luận các bác sĩ, dược sĩ có cơ hội học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm trong việc tiếp cận, chẩn đoán và điều trị bệnh.

Với những buổi sinh hoạt chuyên đề như trên, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội mong muốn tăng cường năng lực chuyên môn của các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Một số hình ảnh buổi sinh hoạt thường kỳ: