DS Đỗ Thu Hương – Khoa Dược
Paroxetin là thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm SSRI, Paroxetin được lưu hành ở Việt Nam với các tên thuốc: Sumiko 20, Bluetine 20, …….Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về tác dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc.
1. Tác dụng của Paroxetin
– Paroxetin là thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (Selective serotonin reuptake inhibitors – SSRI).
– Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh trong não, serotonin ảnh hưởng đến tâm trạng, cảm xúc và giấc ngủ. Paroxetin ngăn chặn chất vận chuyển tái hấp thu serotonin và do đó làm tăng nồng độ serotonin ở khớp thần kinh.
– Chỉ định của Paroxetin:
- Rối loạn trầm cảm nặng
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
- Rối loạn lo âu xã hội
- Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)
- Rối loạn lo âu lan toả (GAD)
Dạng Paroxetin giải phóng kéo dài còn được chỉ định trong rối loạn lo âu tiền kinh nguyệt (PMDD)
Ngoài các chỉ định trên, Paroxetin còn được phối hợp với các thuốc chống loạn thần để điều trị các bệnh như: rối loạn loại phân liệt, khí sắc chu kỳ, rối loạn cảm xúc lưỡng cực,…..
2. Liều lượng và cách dùng
Cách dùng
– Paroxetin có thể uống trước hoặc sau khi ăn, thức ăn không ảnh hưởng đến hấp thu của thuốc.
Quên uống một liều
– Nếu bạn quên uống 1 liều thuốc Paroxetin, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra.
– Nếu bạn nhớ ra khi đã gần với liều Paroxetin kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch, tuyệt đối không được uống gấp đôi liều đã quy định.
Liều dùng
– Có các chế độ liều dùng khác nhau cho mỗi chỉ định của thuốc, bác sỹ sẽ dựa vào chẩn đoán, tiền sử sử dụng thuốc và nhiều vấn đề khác để quyết định liều thuốc.
– Liều bắt đầu: 10 – 20mg/ngày. Liều sẽ được điều chỉnh tuỳ vào đáp ứng của bạn với thuốc.
– Liều Paroxetin tối đa được khuyến nghị là 50 – 60mg/ngày, phụ thuộc vào chẩn đoán của bạn.
3. Các lưu ý khi sử dụng Paroxetin
– Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn sau 1 – 2 tuần sử dụng thuốc, tuy nhiên phải mất từ 4 đến 6 tuần để Paroxetin phát huy tác dụng hoàn toàn.
– Không tự ý ngừng thuốc hoặc giảm liều, tự ý ngừng thuốc, bạn có thể gặp phải các triệu chứng:
- Bồn chồn, đánh trống ngực.
- Các triệu chứng tiêu hoá như buồn nôn, nôn
- Chóng mặt, nhức đầu, rối loạn cảm giác (ù tai, …)
- Rối loạn giấc ngủ
– Hầu hết các tác dụng không mong muốn của Paroxetin sẽ thường giảm dần theo thời gian, nếu các tác dụng không mong muốn làm bạn khó chịu hãy liên hệ với bác sĩ, các tác dụng không mong muốn thường gặp của Paroxetin:
- Cảm thấy buồn nôn, bạn hãy dùng Paroxetin trong hoặc sau bữa ăn, không nên ăn các đồ ăn nhiều gia vị
- Đau đầu, chóng mặt, run, tác dụng không mong muốn này thường sẽ hết sau một thời gian dùng thuốc. Nếu bạn cảm thấy chóng mặt hãy dừng việc đang làm, ngồi hoặc nằm xuống nghỉ ngơi cho đến khi cảm thấy khoẻ hơn. Nếu bạn cảm thấy quá khó chịu, hãy liên lạc với bác sĩ.
- Mất ngủ hoặc ngủ gà.
- Rối loạn tình dục, chẳng hạn như giảm ham muốn tình dục
- Ngáp phản xạ.
- Thay đổi khẩu vị ăn uống.
- Khô miệng, chảy mồ hôi.
- Tiêu chảy.
- Tăng cân
– Hội chứng serotonin là một tác dụng không mong muốn hiếm gặp của Paroxetin nhưng nguy hiểm, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn cảm thấy: sốt cao, co cứng cơ, cáu gắt, kích động quá mức, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim,…..
– Bạn không nên lái xe hoặc vận hành máy móc.
– Nếu bạn có kế hoạch mang thai hay đang mang thai, cho con bú, hãy trao đổi lại với bác sỹ.
– Trao đổi với bác sỹ nếu bạn đang sử dụng thuốc khác hoặc các thực phẩm bổ sung để tránh các tương tác thuốc bất lợi bạn có thể gặp phải.
Các rối loạn tâm thần cần phải điều trị dài ngày, bác sĩ sẽ cân nhắc triệu chứng của bạn để điều chỉnh liều thuốc, bạn không nên tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc.
Tài liệu tham khảo: Tờ hường dẫn sử dụng Sumiko 20, www.nhs.uk, Dược thư quốc gia Việt Nam 2022, WebMD, The Prescriber’s Guide.