THỰC TRẠNG KÊ ĐƠN THUỐC ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN TRẦM CẢM TẠI KHOA KHÁM BỆNH BỆNH VIỆN TÂM THẦN HÀ NỘI NĂM 2023

  • Trang chủ
  • Nghiên cứu khoa học
  • THỰC TRẠNG KÊ ĐƠN THUỐC ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN TRẦM CẢM TẠI KHOA KHÁM BỆNH BỆNH VIỆN TÂM THẦN HÀ NỘI NĂM 2023

Thành viên tham gia:

Chủ nhiệm đề tài: DSCKII Chu Thị Hằng

Thư ký đề tài: ThS.DS Nguyễn Thị Phương Thảo

Cộng sự: DS. Đỗ Thu Hương, Nguyễn Thị Mai Hương, Nguyễn Thị Kim Dung

Tóm tắt: Nghiên cứu hồi cứu 261 đơn điều trị ngoại trú của bệnh nhân rối loạn trầm cảm cho kết quả: Đa trị liệu chiếm 83,9%. Thuốc chống trầm cảm được sử dụng nhiều nhất là Sertralin chiếm 39,8%, tiếp đến là Mirtazapin 36,78%, Paroxetin 9,58%. Phác đồ điều trị được sử dụng nhiều nhất là 1 thuốc chống trầm cảm phối hợp với 1 thuốc chống loạn thần (80,08%). 2,9% số khoản thuốc được kê với mức liều chưa hợp lý; 5,7% số khoản thuốc được kê thời điểm chưa hợp lý.

1. Đặt vấn đề

Nghiên cứu “Thực trạng kê đơn thuốc điều trị rối loạn trầm cảm tại khoa Khám bệnh bệnh viện Tâm thần Hà Nội năm 2023” được thực hiện với mục tiêu:

– Khảo sát thực trạng sử dụng thuốc điều trị rối loạn trầm cảm tại khoa khám bệnh Bệnh viện Tâm thần Hà Nội năm 2023.

– Nhận xét về liều dùng, thời điểm dùng thuốc trên bệnh nhân rối loạn trầm cảm điều trị tại khoa Khám bệnh bệnh viện Tâm thần Hà Nội năm 2023.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

– Đối tượng nghiên cứu: Đơn thuốc điều trị ngoại trú cho người bệnh rối loạn trầm cảm có thẻ BHYT khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội năm 2023

– Phương pháp nghiên cứu: hồi cứu

– Cỡ mẫu: 261 đơn thuốc trong 1 tháng (tháng 5)

3. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

3.1. Thực trạng sử dụng thuốc điều trị rối loạn trầm cảm

          Tỷ lệ bệnh nhân được điều trị đa trị liệu chiếm 83,9%, cao hơn tỷ lệ bệnh nhân đơn trị liệu. Trong số 42 bệnh nhân đơn trị liệu, số bệnh nhân đơn trị liệu bằng thuốc chống trầm cảm là 34 bệnh nhân. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn nghiên cứu của Gang Wang và cộng sự nghiên cứu quản lý chứng trầm cảm kháng trị trong các cơ sở thực hành lâm sàng tại châu Á năm 2020: liệu pháp đa trị liệu (71%) so với việc duy trì bệnh nhân bằng đơn trị liệu (29%)1.

          Trong số các thuốc chống trầm cảm được sử dụng, thuốc Sertralin được sử dụng nhiều nhất, chiếm 39,8%, tiếp đến là thuốc Mirtazapin (36,78%), Paroxetin (9,58%).

          Các thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng tâm thần trên bệnh nhân rối loạn trầm cảm:Quetiapin là thuốc được sử dụng với tỷ lệ cao nhất (59,77%), tiếp đến là Olanzapin (18,01%), chỉ có 1,92% bệnh nhân sử dụng kết hợp thuốc Diazepam. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thành Hải và cộng sự (2018): tỷ lệ sử dụng Diazepam là 67,7%2 và cũng thấp hơn so với kết quả nghiên cứu của Triệu Kim Sơn (2020), Phân tích tình hình sử dụng thuốc chống trầm cảm trên bệnh nhân trầm cảm tại bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái năm 2018-2019: tỷ lệ sử dụng Diazepam là 95,1%3. Có sự khác biệt trên có thể là do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là bệnh nhân ngoại trú, đang trong giai đoạn điều trị duy trì nên tỷ lệ sử dụng kết hợp thuốc Diazepam thấp hơn so với đối tượng nghiên cứu của Nguyễn Thành Hải và Triệu Kim Sơn là những bệnh nhân điều trị nội trú.

Bảng 3.1. Phác đồ điều trị được sử dụng

T TChẩn đoán     Phác đồF32 + F33F32F33
Số lượngTỷ lệ %
(n=261)
Số lượngTỷ lệ %
(n=190)
Số lượngTỷ lệ %
(n=71)
1CTC3413,022613,7811,3
2CLT83,0784,200,0
3CTC + CTC10,3810,500,0
41 CTC + 1 CLT20980,0814978,46084,5
5CTC + BT10,3800,011,4
6CLT + BT10,3810,500,0
7CTC + CLT + Valproat20,7710,511,4
8CTC + CLT + BT31,1531,600,0
91 CTC + 2 CLT10,3800,011,4
102 CTC + 1 CLT10,3810,500,0

Trong số 261 bệnh nhân nhiên cứu, có 209 bệnh nhân được điều trị phối hợp 1 thuốc chống trầm cảm với 1 thuốc chống loạn thần. Có 34 bệnh nhân đơn trị liệu thuốc chống trầm cảm, có 2 bệnh nhân được phối hợp thuốc chỉnh khí sắc Valproat.

Có 8 bệnh nhân đơn trị liệu bằng thuốc CLT, trong đó 7 bệnh nhân đơn trị liệu bằng Quetiapin, sau khi tham khảo bệnh án điều trị ngoại trú của bệnh nhân chúng tôi nhận thấy: có 5 bệnh nhân có tự túc thuốc chống trầm cảm, chỉ có 2 bệnh nhân đơn trị liệu bằng Quetiapin. Thuốc chống loạn thần không điển hình Quetiapine có hiệu quả như đơn trị liệu đối với trầm cảm không loạn thần4. Thuốc Risperidone chỉ được sử dụng phối hợp với thuốc chống trầm cảm, hỗ trợ điều trị trầm cảm nặng kháng trị, không được khuyến cáo đơn trị liệu điều trị trầm cảm đơn cực. Tuy nhiên khi tham khảo bệnh án điều trị ngoại trú của bệnh nhân, chúng tôi nhận thấy: bệnh nhân có tự túc thuốc chống trầm cảm Remeron 30mg, như vậy là vẫn phù hợp với các hướng dẫn chẩn đoán và phác đồ điều trị.

Có 1 bệnh nhân dùng 1 CTC + 2 CLT (Mirtazapin 15mg/ngày + Risperidone 2mg/ngày + Quetiapin 50mg/ngày): tham khảo bệnh án điều trị ngoại trú của bệnh nhân, chúng tôi có nhận xét như sau: tháng 5 năm 2023: bệnh nhân được chẩn đoán F33, có chẩn đoán phân biệt F25; đến tháng 7/2023 bệnh nhân đã được hội chẩn chuyển chẩn đoán F25.1.

– Có 1 bệnh nhân dùng 2 CTC + 1 CLT (Mirtazapin 30mg/ngày + Sertralin 50mg/ngày + Risperidone 2mg/ngày) và 1 bệnh nhân dùng 2 CTC: (Mirtazapin 60mg/ngày + Sertralin 150mg/ngày): bệnh nhân được phối hợp 2 thuốc chống trầm cảm thuộc 2 nhóm khác nhau, 1 thuốc thuộc nhóm SSRI với Mirtazapin có tác dụng an dịu tốt.

3.2. Nhận xét về liều dùng, thời điểm dùng thuốc điều trị rối loạn trầm cảm

Bảng 3.2. Tính hợp lý về liều dùng

Nhóm thuốcTần suấtSố đơn (Tỷ lệ)
Dùng hợp lýKhông hợp lýChưa có tiêu chí
Thuốc chống trầm cảm254244 (96,1)10 (3,9)0
Thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng tâm thần233157 (67,4)4 (1,7)72 (30,9)
Tổng487401 (82,3)14 (2,9)72 (14,8)

Trong tổng số 254 đơn có kê thuốc chống trầm cảm, có 244 đơn kê hợp lý về liều dùng so với Dược thư quốc gia Việt Nam 2015 và Dược thư Anh năm 2022, chiếm 96,1%; có 10 bệnh nhân được kê đơn chưa hợp lý về liều dùng, tuy nhiên nếu so với “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số rối loạn tâm thần thường gặp” do Bộ Y tế ban hành thì liều dùng của 10 bệnh nhân này vẫn hợp lý. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số rối loạn tâm thần thường gặp bài giai đoạn trầm cảm và rối loạn trầm cảm tái diễn: liều Mirtazapin 15-60mg/ngày; Paroxetin 20-80mg/ngày5.

So với Dược thư quốc gia Việt Nam hoặc Dược thư Anh năm 2022: Trong tổng số 233 đơn có kê thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng tâm thần trên bệnh nhân trầm cảm, có 72 đơn (30,9%) kê các thuốc chỉ có liều khuyến cáo cho các bệnh khác như tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực…, có 157 đơn kê hợp lý về liều dùng, chiếm 67,4%.

So với Dược thư quốc gia Việt Nam 2015 và Dược thư Anh năm 2022, có 4 bệnh nhân được kê đơn chưa hợp lý về liều dùng, có 72 đơn kê các thuốc không có liều khuyến cáo cho bệnh trầm cảm đơn cực, tuy nhiên nếu so với “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số rối loạn tâm thần thường gặp” do Bộ Y tế ban hành thì liều dùng của 4 bệnh nhân và 72 bệnh nhân này vẫn hợp lý.

Bảng 3.3 Tính hợp lý về thời điểm dùng

Nhóm thuốcTần suấtTheo tờ thông tin spTheo Prescriber’s Guide
Số đơn (Tỷ lệ)Số đơn (Tỷ lệ)
Dùng hợp lýKhông hợp lýChưa ghi rõDùng hợp lýKhông hợp lýChưa ghi rõ
Thuốc CTC254215
 (84,6)
26
 (10,2)
13 (5,1)231
 (90,9)
23
 (9,1)
0
Thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng tâm thần233193
 (82,8)
2
(0,9)
38
(16,3)
231
 (99,1)
2
(0,9)
0
Tổng487408 (83,8)28 (5,7)51 (10,5)462 (94,9)25 (5,1) 

Trong số 254 đơn có kê thuốc chống trầm cảm, nếu so với khuyến cáo thời điểm dùng thuốc theo tờ thông tin sản phẩm thì có 215 đơn (84,6%) kê hợp lý về thời điểm dùng, 26 đơn (10,2%) không hợp lý và 13 đơn (5,1%) đơn kê chưa rõ thời điểm uống trước ăn hay sau ăn. Nếu so với khuyến cáo thời điểm dùng thuốc theo Prescriber’s Guide thì có 231 (90,9%) kê hợp lý về thời điểm dùng, 23 đơn (9,1%) không hợp lý.

Trong số 233 đơn có kê thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng tâm thần trên bệnh nhân trầm cảm, nếu so với khuyến cáo thời điểm dùng thuốc theo tờ thông tin sản phẩm thì có 193 đơn (82,8%) kê hợp lý về thời điểm dùng, 02 đơn (0,9 %) không hợp lý và 38 đơn (16,3%) kê chưa rõ thời điểm uống cách xa bữa ăn hay không. Nếu so với khuyến cáo thời điểm dùng thuốc theo Prescriber’s Guide thì có 231 (99,1%) kê hợp lý về thời điểm dùng, 02 đơn (0,9 %) không hợp lý.

4. Kết luận và kiến nghị:

Kết luận:

Tỷ lệ bệnh nhân được điều trị bằng đơn trị liệu chiếm 16,1%, đa trị liệu chiếm 83,9%. Thuốc chống trầm cảm được sử dụng nhiều nhất là Sertralin chiếm 39,8%, tiếp đến là Mirtazapin 36,78%, Paroxetin 9,58%. Thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng tâm thần: sử dụng nhiều nhất là Quetiapin (59,77%), tiếp đến là Olanzapin (18,01%), chỉ có 1,92% bệnh nhân sử dụng Diazepam. Phác đồ điều trị được sử dụng nhiều nhất là 1 thuốc chống trầm cảm phối hợp với 1 thuốc chống loạn thần (80,08%), tiếp đến là đơn trị liệu thuốc chống trầm cảm (13,02%). Có 10 bệnh nhân (3,9%) sử dụng thuốc chống trầm cảm với mức liều chưa hợp lý. Có 4 bệnh nhân (1,7%) sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng tâm thần với mức liều chưa hợp lý. Về thời điểm dùng thuốc: Thuốc chống trầm cảm: có 26 bệnh nhân (10,2%) được kê thời điểm chưa hợp lý, 13 bệnh nhân (5,1%) chưa ghi rõ thời điểm uống thuốc so với bữa ăn. Thuốc hỗ trợ điều trị triệu chứng tâm thần: có 2 bệnh nhân (0,9%) được kê thời điểm chưa hợp lý, 38 bệnh nhân (16,3%) chưa ghi rõ thời điểm uống thuốc so với bữa ăn.

Kiến nghị:

Bệnh viện cần quán triệt các Bác sĩ khi kê đơn ghi rõ thời điểm uống thuốc so với bữa ăn, đặc biệt là các thuốc cần uống xa bữa ăn như Megazon, Seroquel XR… và cân nhắc về thời điểm dùng của các thuốc nói chung và thuốc điều trị rối loạn trầm cảm nói riêng để tối ưu hóa hiệu quả điều trị, hạn chế tác dụng không mong muốn của thuốc.

Summary

The reality of treatment depressive disorders in the Department of Outpatient Clinic in Hanoi Mental Hospital 2023

Abstract: A retrospective analysis of 261 medical prescriptions shows that multi-therapies emerge as the predominant approach, constituting 83.9%. Sertraline is the most frequently prescribed antidepressant, accounting for 39.8%, followed by Mirtazapine at 36.78% and Paroxetine at 9.58%. The prevalent treatment regimen involves the combination of one antidepressant with one antipsychotic, representing 80.08% of cases. The prevalence of medication prescribed with the wrong dose and the wrong time is 2,9% and 5,7% respectively.

Tài liệu tham khảo

1. Gang Wang và cộng sự (2020), Management of Treatment-Resistant Depression in Real-World Clinical Practice Settings Across Asia.

2. Nguyễn Thành Hải và cộng sự (2018), Thực trạng sử dụng thuốc trên bệnh nhân trầm cảm tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN.

3. Triệu Kim Sơn (2020), Phân tích tình hình sử dụng thuốc chống trầm cảm trên bệnh nhân trầm cảm tại bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái năm 2018-2019, Trường Đại học Dược Hà Nội

4. Thase ME, Montgomery S, Papakostas GI, et al. Quetiapine XR monotherapy in major depressive disorder: a pooled analysis to assess the influence of baseline severity on efficacy. Int Clin Psychopharmacol 2013; 28:113.

5. Bộ Y tế (2020), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số rối loạn tâm thần thường gặp, Hà Nội