THỰC TRẠNG MỨC ĐỘ TRẠNG THÁI CAI RƯỢU Ở NGƯỜI BỆNH ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ TẠI BỆNH VIỆN TÂM THẦN HÀ NỘI VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN

  • Trang chủ
  • NCKH_Hợp tác quốc tế
  • THỰC TRẠNG MỨC ĐỘ TRẠNG THÁI CAI RƯỢU Ở NGƯỜI BỆNH ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ TẠI BỆNH VIỆN TÂM THẦN HÀ NỘI VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN

Thành viên tham gia:

Chủ nhiệm đề tài: ThS.BSNT Phạm Thế Văn

Thư ký đề tài: BSCKII Nguyễn Thị Hải

Cộng sự: BSCKI Hoàng Thị Xuyến, Nguyễn Đăng Toàn, Vũ Thị Hải Sâm

Tóm tắt

Mục tiêu: Mô tả thực trạng trạng thái cai rượu và phân tích một số yếu tố liên quan đến mức độ trạng thái cai rượu tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Đối tượng: Nghiên cứu 103 người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội có trạng thái cai rượu trong quá trình điều trị theo tiêu chuẩn chẩn đoán ICD-10, từ tháng 07/2022 đến tháng 06/2023. Phương pháp: Mô tả cắt ngang. Kết quả: Tại thời điểm vào viện79,6% người bệnh chưa có trạng thái cai rượu, sau 24 giờ 97,1% người bệnh đã xuất hiện trạng thái cai rượu, sau 48 giờ điều trị chỉ còn 1,9% người bệnh mắc trạng thái cai rượu mức độ nặng. Trạng thái cai rượu mức độ nặng thường gặp hơn ở người bệnh tăng thể tích trung bình hồng cầu (OR = 3,2; p = 0,005) và giảm tiểu cầu (OR = 2,6; p = 0,024).

Từ khóa: Trạng thái cai rượu, yếu tố liên quan mức độ trạng thái cai rượu.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Rượu là một chất gây nghiện sử dụng phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ rối loạn sử dụng rượu trong 12 tháng được ước tính là 4,6% ở trẻ em từ 12 đến 17 tuổi và 8,5% ở người lớn từ 18 tuổi trở lên.1 Tại Châu Âu ước tính có khoảng 5,4% tổng số nam giới và 1,5% tổng số phụ nữ từ 18 đến 64 tuổi nghiện rượu.2 Theo Lê Anh Tuấn và Lý Trần Tình nghiện rượu chiếm 3,24% ở người trên 15 tuổi tại Hà Nội.3 Trạng thái cai rượu là tình trạng xuất hiện ở người rối loạn sử dụng rượu khi giảm hoặc ngừng sử dụng rượu đột ngột, trạng thái cai rượu biểu hiện cấp tính, diễn biến trạng thái cai rượu phức tạp có thể có nhiều biến chứng như mê sảng, co giật, rối loạn nước và điện giải, suy thận cấp… làm tăng nguy cơ tử vong.1 Việc chẩn đoán, phân loại mức độ và điều trị sớm trạng thái cai rượu có giá trị trong thực hành lâm sàng, góp phần điều trị hiệu quả người bệnh. Chúng tôi thực hiện đề tài “Thực trạng trạng thái cai rượu và một số yếu tố liên quan tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội” với mục tiêu: Mô tả thực trạng trạng thái cai rượu và phân tích một số yếu tố liên quan đến mức độ trạng thái cai rượu tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP

1. Đối tượng

Nghiên cứu thực hiện trên 103 người bệnh được chẩn đoán rối loạn tâm thần do rượu, có trạng thái cai rượu theo tiêu chuẩn chẩn đoán ICD-10 trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội từ tháng 07/2022 đến tháng 06/2023.

Loại trừ những người bệnh không đồng ý tham gia nghiên cứu, mắc các bệnh lý nội, ngoại khoa hiện tình trạng nặng, không có khả năng giao tiếp, đọc hiểu và người bệnh có các rối loạn tâm thần nặng đi kèm.

2. Phương pháp

       Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang.

Cỡ mẫu và cách chọn mẫu: Cỡ mẫu tối thiểu 97, trong thực tế chúng tôi chọn 103 người bệnh. Cách chọn mẫu: chọn mẫu thuận tiện thỏa mãn tiêu chuẩn chọn mẫu, tiêu chuẩn loại trừ đến khi ít nhất đủ mẫu tối thiểu.

Các biến số, chỉ số nghiên cứu: Biến số nhân khẩu học, thời gian nghiện rượu. Các triệu chứng lâm sàng: Run, vã mồ hôi, rối loạn giấc ngủ, nhịp tim nhanh hoặc tăng huyết áp, ảo giác, co giật kiểu động kinh cơn lớn. Các chỉ số xét nghiệm: Hồng cầu, tiểu cầu, hemoglobin, thể tích trung bình hồng cầu. Điểm thang CIWA-Ar tại thời điểm vào viện, sau 24h, sau 48h.

Công cụ thu thập số liệu: Bệnh án nghiên cứu là bộ câu hỏi được thiết kế sẵn, phù hợp với mục tiêu của nghiên cứu, đã mã hóa, với nội dung rõ ràng theo dạng đánh dấu. Bao gồm các thông tin chung về nhân khẩu, quá trình sử dụng rượu, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng trong quá trình điều trị trạng thái cai rượu. Thang điểm CIWA-Ar, đây là thang điểm có 10 mục với độ nhạy, độ đặc hiệu cao, đã được chứng minh hữu ích trong đánh giá, phân loại mức độ trạng thái cai rượu và giúp  điều trị giảm liều thuốc benzodiazepine, với điểm CIWA-Ar > 15 là trạng thái cai rượu mức độ nặng, điểm CIWA-Ar ≤ 15 là trạng thái cai rượu mức độ vừa và nhẹ.4

Quy trình thu thập số liệu:

Bước 1: Chọn mẫu nghiên cứu theo tiêu chuẩn chẩn đoán ICD-10 được bác sĩ chuyên khoa Tâm thần thực hiện.

Bước 2: Thu thập thông tin nghiên cứu theo mẫu bệnh án nghiên cứu tại thời điểm vào viện, sau 24 giờ, sau 48 giờ, thời điểm ra viện.

Bước 3: Nhập và xử lý số liệu.

Bước 4: Báo cáo nghiên cứu

Các bước nghiên cứu được thực hiện theo một quy trình thống nhất.

Thời gian và địa điểm nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023 tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.

Xử lý số liệu: Các số liệu được nhập và xử lý bằng phần mềm SPSS 22.0. Sử dụng các thuật toán mô tả tính giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, tỷ lệ, χ2.

3. Đạo đức

Nghiên cứu phải được sự đồng ý của người bệnh và người nhà. Đây là nghiên cứu mô tả, không can thiệp vào các phương pháp điều trị của bác sĩ. Các thông tin được bảo mật. Nghiên cứu được thông qua Hội đồng Đạo đức, Trường Đại học Y Hà Nội (số QĐ: CKII35/GCN-HĐĐĐNCYSH-ĐHYHN ngày 22/12/2022).

III. KẾT QUẢ

3.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Bảng 1. Đặc điểm chung của nhóm đối tượng nghiên cứu (n=103)

Đặc điểm chungn%
  Nhóm tuổi≤ 505856,3
51 – 593130,1
≥ 601413,6
Trung bình48,99 ± 8,75
Thời gian nghiện rượu< 10 năm1514,6
Từ 10 – 20 năm5149,5
Trên 20 năm3735,9
Trung bình18,27 ± 8,99

Nhóm tuổi từ 50 tuổi trở xuống chiếm tỉ lệ cao nhất với 56,3%. Tuổi trung bình là 48,99 ±  8,75 tuổi. Nhóm người bệnh có thời gian nghiện rượu từ 10 đến 20 năm chiếm tỉ lệ cao nhất với 49,5%. Thời gian nghiện rượu trung bình là 18,27 ± 8,99 năm (Bảng 1).

3.2. Thực trạng trạng thái cai rượu tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội

Bảng 2. Trạng thái cai rượu theo thời gian điều trị (n=103)

Thời điểmVào việnSau 24 giờSau 48 giờ
Không có trạng thái cain8230
%79,62,90
Trạng thái cai rượu mức độ nhẹ và vừan064101
%062,198,1
Trạng thái cai rượu mức độ nặngn21362
%20,435,01,9
CIWA-Ar trung bình ở người bệnh có trạng thái cai rượu24,71 ± 5,0012,72 ± 4,604,68 ± 3,56

Tại thời điểm nhập viện 82 người bệnh chưa xuất hiện trạng thái cai rượu chiếm tỉ lệ 79,6%. Toàn bộ những người bệnh có trạng thái cai rượu tại thời điểm nhập viện đều mắc trạng thái cai ở mức độ nặng.

Sau 24 giờ nhập viện 97,1% người bệnh đã xuất hiện trạng thái cai rượu, 35,0% người bệnh mắc trạng thái cai rượu mức độ nặng, điểm CIWA-Ar trung bình là 12,72 ± 4,60.

Sau 48 giờ kể từ khi nhập viện toàn bộ người bệnh đều đã xuất hiện trạng thái cai rượu, chỉ còn 1,9% người bệnh mắc trạng thái cai rượu mức độ nặng (Bảng 2).

Bảng 3. Một số triệu chứng lâm sàng trạng thái cai rượu (N=103)

Đặc điểm triệu chứng cai rượuSố lượngTỉ lệ (%)
Run103100
Vã mồ hôi103100
Rối loạn giấc ngủ9289,3
Nhịp tim nhanh hoặc tăng huyết áp7976,7
Ảo giác2120,3
Co giật kiểu động kinh cơn lớn43,9

Triệu chứng run, vã mồ hôi xuất hiện ở tất cả các người bệnh, rối loạn giấc ngủ chiếm tỉ lệ 89,3%, nhịp tim nhanh hoặc tăng huyết áp chiếm tỉ lệ 76,7%, các triệu chứng ít phổ biến là ảo giác chiếm tỉ lệ 20,3% và co giật kiểu động kinh cơn lớn chiếm tỉ lệ 3,9% (Bảng 3).

3.3. Một số yếu tố liên quan đến mức độ trạng thái cai rượu

Bảng 4. Mức độ trạng thái cai rượu và công thức máu (N=103)

Đặc điểmMức độ nhẹ, vừaMức độ nặngOR CI 95%P (X2)
n%n%
Hồng cầu≥ 4,63253,32846,71,7 0,8 – 3,90,167
< 4,61739,52660,5
Hemoglobin≥ 1303747,44152,60,98 0,4 – 2,40,961
< 1301248,01352,0
Thể tích trung bình hồng cầu≤ 953062,51837,53,2 1,4 – 7,10,005
> 951934,53665,5
Tiểu cầu≥ 1503656,22843,82,6 1,1 – 5,90,024
< 1501333,32666,7

Nhóm người bệnh có tăng thể tích trung bình hồng cầu (thể tích trung bình hồng cầu > 95) có nguy cơ mắc trạng thái cai rượu mức độ nặng gấp 3,2 lần người bệnh không tăng thể tích trung bình hồng cầu, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p = 0,005 và CI 95%: 1,4-7,1.

Nhóm người bệnh giảm tiểu cầu (tiểu cầu < 150) có nguy cơ mắc trạng thái cai rượu mức độ nặng gấp 2,6 lần người bệnh không giảm tiểu cầu, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p= 0,024 và CI 95%: 1,1 -5,9.

IV. BÀN LUẬN

Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Trong nghiên cứu của chúng tôi nhóm tuổi từ 50 tuổi trở xuống chiếm tỉ lệ cao nhất với 56,3%, tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 48,99 ± 8,75,  nhóm thời gian nghiện rượu từ 10 – 20 năm chiếm tỉ lệ cao nhất với 49,5% thời gian nghiện rượu trung bình là 18,27 ± 8,99 năm. Độ tuổi của người bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi có kết quả tương đồng với nhiều nghiên cứu khác như của Nông Thế Đoàn với tuổi trung bình là 48,1 ± 9,23 tuổi, thời gian nghiện rượu trung bình là 18,7 ± 8,55 năm, nghiên cứu của Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc với tuổi trung bình của nhóm người bệnh cai rượu là 48,5 ± 8,0 tuổi, thời gian sử dụng rượu trung bình là 14,8 ± 6,9 năm, nghiên cứu của Monte và cộng sự với độ tuổi trung bình của nhóm người bệnh mắc trạng thái cai rượu với mê sảng là 45,3 ± 12,1 và ở nhóm người bệnh mắc trạng thái cai rượu không mê sảng là 46,3 ± 12,9.5–7

Thực trạng trạng thái cai rượu tại bệnh viện tâm thần Hà Nội

Tại thời điểm nhập viện 79,6% người bệnh chưa có trạng thái cai rượu. Toàn bộ những người bệnh có trạng thái cai rượu tại thời điểm nhập viện đều mắc trạng thái cai rượu mức độ nặng, điểm CIWA-Ar của những người bệnh có trạng thái cai rượu là 24,71 ± 5,00. Sau 24 giờ nhập viện 97,1% người bệnh đã có trạng thái cai rượu, 36,0% người bệnh xuất hiện trạng thái cai rượu mức độ nặng, điểm CIWA-Ar trung bình là 12,72 ± 4,60. Sau 48 giờ kể từ khi nhập viện chỉ còn 1,9% người bệnh còn trạng thái cai rượu mức độ nặng. Điểm CIWA-Ar tại thời điểm nhập viện trong nghiên cứu của chúng tôi cũng thấp hơn trong nghiên cứu của Phạm Thế Văn (2019) với điểm CIWA-Ar tại thời điểm vào viện là 29,53± 6,27.8 Điểm CIWA-Ar sau 24 giờ kể từ khi nhập viện trong nghiên cứu của chúng tôi tương đồng với nghiên cứu của Phạm Thế Văn (2019) là 14,77± 3, 42. 8 Theo nghiên cứu của Pribék và cộng sự thực hiện tại Hungary từ 2008 đến 2015 trên 1591 người bệnh với 2900 lần nhập viện điều trị các vấn đề do rượu cho thấy 17,3% lần nhập viện điều trị nghiện rượu không xuất hiện trạng thái cai rượu, 70,5% lần nhập viện xuất hiện trạng thái cai rượu không có mê sảng, 12,2% số lần nhập viện xuất hiện trạng thái cai rượu với mê sảng.9 Theo Bakhla và cộng sự điểm CIWA-Ar trung bình sau 24h ngừng rượu là 13,32 ± 9,27 và sau 36h ngừng rượu là 20,4 ± 9,09.10 Những người bệnh rối loạn sử dụng rượu vào viện điều trị các rối loạn tâm thần do rượu, cai rượu chủ động… việc ngừng rượu là bắt buộc. Khi ngừng rượu những người bệnh này sẽ xuất hiện trạng thái cai rượu do đó việc thường xuyên đánh giá trạng thái cai rượu, sẵn sàng điều trị trạng thái cai rượu ở những người bệnh này là cần thiết, việc điều trị sớm với benzodiazepines ở những người bệnh này cũng làm giảm nguy cơ phát triển trạng thái cai rượu mức độ nặng.

Triệu chứng run, vã mồ hôi xuất hiện ở tất cả các người bệnh, triệu chứng kích động tâm thần vận động có khả năng xuất hiện cao với tỉ lệ 82,5%, buồn nôn chiếm tỉ lệ thấp hơn với tỉ lệ 56,3%, triệu chứng co giật kiểu động kinh cơn lớn ít gặp với tỉ lệ 3,9%.Kết quả nghiên cứu của chúng tôi về các triệu chứng phổ biến như run, vã mồ hôi, mệt mỏi, kích động cũng tương đồng với nhiều nghiên cứu khác như nghiên cứu của Nông Thế Đoàn với tỉ lệ run là 100%, vã mồ hôi với tỉ lệ 97,4%.5 Trong khi đó triệu chứng nôn và buồn nôn chúng tôi ghi nhận với tỉ lệ 56,3% cao hơn so với tỉ lệ 28,9% trong nghiên cứu của Nông Thế Đoàn.5

Một số yếu tố liên quan đến mức độ trạng thái cai rượu

Trong nghiên cứu của chúng tôi nhóm người bệnh có tăng thể tích trung bình hồng cầu có nguy cơ mắc trạng thái cai rượu mức độ nặng gấp 3,2 lần người bệnh không tăng thể tích trung bình hồng cầu, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p = 0,005 và CI 95%: 1,4 – 7,1. Nhóm người bệnh giảm tiểu cầu có nguy cơ mắc trạng thái cai rượu mức độ nặng gấp 2,6 lần người bệnh không giảm tiểu cầu, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p = 0,024 và CI 95%: 1,1 – 5,9. Nghiên cứu của Monte và cộng sự cho thấy nồng độ tiểu cầu trong máu của người bệnh sảng rượu là 144,85 ± 70,53 G/l thấp hơn so với nồng độ tiểu cầu trong máu của người bệnh mắc trạng thái cai rượu không mê sảng là 170,71 ± 78,13 G/l, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p = 0,007.7 Nghiên cứu của Eyer và cộng sự cho thấy nồng độ tiểu cầu trong máu của người bệnh sảng rượu là 119 ± 62 G/l thấp hơn so với nồng độ tiểu cầu trong máu của người bệnh mắc trạng thái cai rượu không mê sảng là 190 ± 93 G/l, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,001.11 Nghiên cứu của Kim và cộng sự cho thấy số lượng tiểu cầu của người bệnh sảng rượu là 124,8 ± 71,0 G/l thấp hơn so với người bệnh mắc trạng thái cai rượu không mê sảng là 193,5 ± 91,4 G/l, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,001.12 Nghiên cứu của Berggren và cộng sự cho thấy tỉ lệ người bệnh hạ tiểu cầu ở nhóm người bệnh sảng rượu là 70,0% cao hơn so với tỉ lệ tương ứng ở nhóm người bệnh mắc trạng thái cai rượu không mê sảng là 31,5%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.13 Theo nghiên cứu của Findley và cộng sự, tăng thể tích trung bình hồng cầu làm tăng nguy cơ sảng rượu gấp 2,79 lần so với nhóm còn lại với CI 95%: 2,22 – 3,51, nếu tăng cả thể tích trung bình hồng cầu và GOT làm tăng nguy cơ sảng rượu gấp 3,70 lần với CI 95%: 2,71 – 5,05.14 Người bệnh nghiện rượu trong thời gian dài có tăng thể tích trung bình hồng cầu, giảm tiểu cầu là những dấu hiệu cho thấy nguy cơ người bệnh đó đã mắc các bệnh cơ thể, giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng trong thời gian dài, do đó làm tăng nguy cơ mắc trạng thái cai rượu mức độ nặng khi giảm, ngừng rượu.

V. KẾT LUẬN

Trạng thái cai rượu diễn biến nhanh, thuyên giảm nhanh sau điều trị. Tại thời điểm vào viện79,6% người bệnh chưa có trạng thái cai rượu, sau 24 giờ điều trị 97,1% người bệnh đã xuất hiện trạng thái cai rượu, sau 48 giờ điều trị chỉ còn 1,9% người bệnh mắc trạng thái cai rượu mức độ nặng.

Các triệu chứng run, vã mồ hôi, rối loạn giấc ngủ, nhịp tim nhanh hoặc tăng huyết áp là phổ biến ở hầu hết người bệnh mắc trạng thái cai rượu, trong khi các triệu chứng ảo giác, co giật ít gặp hơn.

Người bệnh tăng thể tích trung bình hồng cầu có nguy cơ mắc trạng thái cai rượu mức độ nặng gấp 3,2 lần với p = 0,005. Người bệnh giảm số lượng tiểu cầu có nguy cơ mắc trạng thái cai rượu mức độ nặng gấp 2,6 lần với p = 0,024.

VI. KHUYẾN NGHỊ

Trong quá trình điều trị người bệnh rối loạn tâm thần do rượu, cần liên tục theo dõi, đánh giá trạng thái cai rượu. Đặc biệt trong 48 giờ đầu, với những người bệnh tăng thể tích trung bình hồng cầu, giảm số lượng tiểu cầu cần theo dõi sát sao hơn, do có nguy cơ mắc trạng thái cai rượu mức độ nặng cao hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.         American Psychiatric Association. Substance-Related and Addictive Disorder. Diagnostic Anh Statistical Manual of Mental Disorders: DSM-5TM. Fifth Edition. American Psychiatric Publishing; 2013.

2.         Rehm J, Shield K, Rehm M, Gmel G, Frick U. Alcohol Consumption, Alcohol Dependence and Attributable Burden of Disease in Europe: Potential Gains From Effective Interventions for Alcohol Dependence: (506502014-001). Published online 2012. doi:10.1037/e506502014-001

3.         Lê Anh Tuấn, Lý Trần Tình. Lạm Dụng Rượu, Nghiện Rượu ở Hà Nội. Nhà xuất bản Hà Nội; 2010.

4.         Sullivan JT, Sykora K, Schneiderman J, Naranjo CA, Sellers EM. Assessment of Alcohol Withdrawal: the revised clinical institute withdrawal assessment for alcohol scale (CIWA-Ar). Addiction. 1989;84(11):1353-1357. doi:10.1111/j.1360-0443.1989.tb00737.x

5.         Nông Thế Đoàn. Đánh Giá Hiệu Quả Lâm Sàng Phác Đồ Điều Trị Phối Hợp Diazepam và Phenobarbital Trong Điều Trị Hội Chứng Cai Rượu. Luận văn Thạc sĩ Y học. Đại học Y Hà Nội; 2018.

6.         Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc. Đặc Điểm Lâm Sàng và Yếu Tố Tiên Lượng Trạng Thái Cai Rượu ở Bệnh Nhân Điều Trị Nội Trú. Luận văn bác sỹ chuyên khoa cấp II. Đại học Y Hà Nội; 2021.

7.         Monte R, Rabuñal R, Casariego E, Bal M, Pértega S. Risk factors for delirium tremens in patients with alcohol withdrawal syndrome in a hospital setting. European Journal of Internal Medicine. 2009;20(7):690-694. doi:10.1016/j.ejim.2009.07.008

8.         Phạm Thế Văn. Đặc Điểm Lâm Sàng và Tiến Triển Của Hội Chứng Cai Rượu ở Bệnh Nhân Điều Trị Nội Trú Tại Viện Sức Khỏe Tâm Thần. Luận văn Thạc sĩ Y học. Đại học Y Hà Nội; 2019.

9.         Pribék IK, Kádár BK, Péter L, et al. Seasonality and Delirium Tremens in Hospitalized Patients with Alcohol Dependence Syndrome. Eur Addict Res. 2023;29(2):83-91. doi:10.1159/000527973

10.       Bakhla AK, Khess CRJ, Verma V, Hembram M, Praharaj SK, Soren S. Factor Structure of CIWA-Ar in Alcohol Withdrawal. Journal of Addiction. 2014;2014:1-7. doi:10.1155/2014/745839

11.       Eyer F, Schuster T, Felgenhauer N, et al. Risk Assessment of Moderate to Severe Alcohol Withdrawal–Predictors for Seizures and Delirium Tremens in the Course of Withdrawal. Alcohol and Alcoholism. 2011;46(4):427-433. doi:10.1093/alcalc/agr053

12.       Kim DW, Kim HK, Bae EK, Park SH, Kim KK. Clinical predictors for delirium tremens in patients with alcohol withdrawal seizures. The American Journal of Emergency Medicine. 2015;33(5):701-704. doi:10.1016/j.ajem.2015.02.030

13.       Berggren U, Fahlke C, Berglund KJ, Blennow K, Zetterberg H, Balldin J. Thrombocytopenia in Early Alcohol Withdrawal is Associated with Development of Delirium Tremens or Seizures. Alcohol and Alcoholism. 2009;44(4):382-386. doi:10.1093/alcalc/agp012

14.       Findley JK, Park LT, Siefert CJ, et al. Two Routine Blood Tests—Mean Corpuscular Volume and Aspartate Aminotransferase—as Predictors of Delirium Tremens in Trauma Patients. Journal of Trauma: Injury, Infection & Critical Care. 2010;69(1):199-201. doi:10.1097/TA.0b013e3181bee583

SUMMARY

CURRENT STATUS OF ALCOHOL WITHDRAWAL STATE IN INPATIENT PATIENTS AT HANOI MENTAL HOSPITAL AND SOME RELATED FACTORS

Objective: Describe the current state of alcohol withdrawal and analyse some factors related to the level of alcohol withdrawal at Hanoi Mental Hospital. Subjects: Study of 103 inpatients at Hanoi Mental Hospital with alcohol withdrawal during treatment according to ICD-10 diagnostic criteria, from July 2022 to June 2023. Methods: Cross-sectional description. Results: At the time of admission, 79.6% of patients were not in a state of alcohol withdrawal, after 24 hours 97.1% of patients were in a state of alcohol withdrawal, after 48 hours of treatment only 1.9% of patients were in severe alcohol withdrawal. Severe alcohol withdrawal is more common in patients with increased mean red blood cell volume (OR = 3.2; p = 0.005) and thrombocytopenia (OR = 2.6; p = 0.024).

Keywords: Alcohol withdrawal, factors related to the level of alcohol withdrawal.