Bs. Nguyễn Mai Trang – Phòng Chỉ đạo tuyến
I. Điều trị bệnh tâm thần.
1. Quan niệm sai lầm cho rằng bệnh tâm thần không chữa khỏi được.
a/. Do nhận định không đúng về nguyên nhân bệnh tâm thần:
– Nhận định sai lầm cho rằng bệnh tâm thần là do ma quỷ, do số…chữa bệnh tâm thần bằng cúng bái, phù phép…
– Nhận định sai lầm cho rằng bệnh tâm thần là một bệnh di truyền, không tránh được, không chữa khỏi được.
b/. Do đánh giá sai về kết quả điều trị bệnh tâm thần: Điều trị bệnh tâm thần không kết quả, không phải bệnh tâm thần không chữa được mà do các yếu tố sau này:
– Phát hiện bệnh chậm: Bệnh tâm thần để lâu không chữa được, trở thành mạn tính, cũng khó hồi phục.
– Điều trị bệnh không tích cực, toàn diện và kiên trì.
– Điều trị không đúng bệnh.
2. Cơ sở để khẳng định là bệnh tâm thần có thể chữa khỏi được.
– Các phương pháp chữa bệnh tâm thần ngày càng nhiều và càng có hiệu quả, nhất là các thuốc tác động tâm thần ngày càng tỏ ra có khả năng chữa khỏi nhiều loại bệnh tâm thần, nhiều hội chứng phức tạp.
– Nền y học của nước ta có đủ khả năng và biện pháp để chữa bệnh tâm thần hiệu quả: có màng lưới tâm thần tại các TTYT, trạm y tế để tiếp tục theo dõi và điều trị củng cố sau khi bệnh nhân ra viện, cũng như phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm… có hệ thống bệnh viện chuyên khoa với các phương pháp chẩn đoán và điều trị đầy đủ, tích cực.
II. Các phương pháp điều trị bệnh tâm thần.
Bệnh tâm thần không những là bệnh của não bộ mà còn là bệnh của toàn bộ cơ thể và còn do tác nhân gây hại của môi trường. Vì vậy, công tác chữa bệnh tâm thần là một công tác chữa bệnh toàn diện, đòi hỏi nhiều liệu pháp: Liệu pháp hoá dược; Liệu pháp tâm lý; Liệu pháp sốc điện; Liệu pháp lao động; Liệu pháp thích ứng xã hội.
1. Liệu pháp hoá dược.
– Liệu pháp hoá dược là liệu pháp cơ bản nhất hiện nay trong tâm thần học.
+ Các thuốc tác động đến tâm thần đã làm bệnh ổn định số bệnh nhân điều trị ngoại trú là chủ yếu
+ Liệu pháp hoá dược đã làm cho bệnh nhân dễ tiếp xúc với thầy thuốc hơn, quan hệ giữa bệnh nhân với nhau cũng như giữa bệnh nhân với nhân viên tốt hơn, việc theo dõi bớt căng thẳng.
2. Liệu pháp tâm lý.
Liệu pháp tâm lý cần cho mọi bệnh nhân. Đối với bệnh nhân tâm thần lại càng cần thiết vì bệnh nhân tâm thần có nhiều biến đổi về tâm lý hết sức phức tạp.
2.1/. Liệu pháp tâm lý gián tiếp: nhằm mục đích làm cho bệnh nhân sinh hoạt thoải mái, yên tâm chữa bệnh, tin tưởng vào chuyên môn.
2.2/. Liệu pháp tâm lý trực tiếp: Giải thích hợp lí, ám thị khi thức, ám thị trong giấc ngủ thôi miên, tự ám thị.
2.3/. Liệu pháp tâm lý gia đình trong điều trị bệnh TTPL: Mục tiêu của liệu pháp tâm lý gia đình là giảm tái phát, cải thiện các mặt chức năng tâm lý xã hội của BN và giảm gánh nặng gia đình.
3. Liệu pháp lao động: Đây là liệu pháp rất quan trọng trong tâm thần học, không thể thiếu được ở bất cứ cơ sở nào, nội trú cũng như ngoại trú.
a/. Nguyên tắc tổ chức: Lao động của bệnh nhân tâm thần nhằm mục đích chữa bệnh, khôi phục hoạt động tâm thần và khả năng lao động, nên có những yêu cầu nhất định:
– Phải là lao động tập thể và lao động sản xuất.
– Phải có nhiều hình thức lao động thích ứng cho nhiều loại trạng thái tâm thần, với khả năng nghề nghiệp bản thân bệnh nhân.
– Phải có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, có động viên, thi đua, khen thưởng.
– Lao động phải tiến hành từng bước từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều, từ giản đơn đến phức tạp, nhất là đối với bệnh nhân thoát ly lao động đã lâu hay không chịu lao động.
b/. Tác động của liệu pháp điều trị:
– Lao động làm cho bệnh nhân ăn ngon hơn, ngủ yên hơn.
– Lao động khôi phục và duy trì thói quen và hoạt động sản xuất đơn giản để khi ra viện bệnh nhân có thể tiếp tục công tác sản xuất ngay được.
– Kết quả lao động có thể giúp bệnh nhân tự túc về kinh tế, đỡ gánh nặng cho gia đình, xã hội.
4. Liệu pháp tái thích ứng xã hội:
Gồm tất cả những biện pháp nhằm làm cho bệnh nhân tâm thần không tách rời qúa xa các phương thức sinh hoạt xã hội trước khi bị bệnh và làm cho bệnh nhân khi ra viện có thể thích ứng ngay với cuộc sống.
a/. Lý do tổ chức liệu pháp thích ứng xã hội:
+ Bệnh nhân tâm thần mạn tính, nhất là bệnh nhân phân liệt, có khuynh hướng thoát ly thực tế xã hội, tránh tiếp xúc với người khác, không muốn hoạt động.
+ Bệnh nhân tâm thần nằm viện lâu ngày có thể mất những thói quen sinh hoạt trước kia khi bệnh nhân ra viện khó khôi phục được nhân cách bình thường trước khi bị bệnh, chưa thích ứng được với môi trường sinh sống cũ.
b/. Các hình thức tổ chức của liệu pháp thích ứng xã hội:
* Liệu pháp lao động: Đó là hình thức cơ bản nhất.
* Kiến trúc và tổ chức bệnh viện như một xã hội nhỏ:
* Chế độ sinh hoạt của bệnh nhân phải linh hoạt và bao gồm nhiều mặt: Ngoài thời gian điều trị, lao động, phải bố trí để bệnh nhân tham gia thể thao thể dục, văn nghệ, tiếp người thân…
* Tổ chức cho bệnh nhân thường xuyên liên hệ với sinh hoạt xã hội bên ngoài:
* Tạo điều kiện cho bệnh nhân được tiếp tục sinh hoạt học tập theo khuynh hướng, năng khiếu, sở thích của mình:
III. Chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng.
Phát hiện kịp thời & có can thiệp ngay từ đầu giúp ngăn chặn không chỉ sự tiến triển bệnh trên bệnh nhân mà còn ảnh hưởng tốt đến sự phát triển của cộng đồng.
- Ý nghĩa của việc phát hiện sớm một số bệnh tâm thần.
Theo WHO, việc phát hiện sớm và dự phòng các rối loạn tâm lý-tâm thần có ý nghĩa:
– Hạn chế nguy cơ suy giảm nhận thức và giao tiếp xã hội.
– Kiểm soát tình trạng lạm dụng chất (rượu, ma tuý…).
– Giảm lạm dụng các thuốc hướng thần.
Phát hiện sớm bệnh tâm thần còn có ý nghĩa về mặt kinh tế: Làm giảm ngày điều trị, sớm đưa người bệnh về cộng đồng, xã hội. Giảm chi phí trong quá trình điều trị bao gồm cả chi phí của cá nhân, gia đình người bệnh và xã hội.
- Các biểu hiện sớm của bệnh tâm thần phân liệt
2.1. Dấu hiệu sớm:
– Cảm thấy đuối sức trước cuộc sống.
– Khả năng học tập, làm việc dần dần giảm sút, đầu óc mù mờ khó suy nghĩ.
– Tình cảm trở nên lạnh nhạt và thiếu quan tâm với người thân, không muốn giao tiếp với bạn bè và người xung quanh.
– Giảm dần những thích thú trước đây, khó thích ứng với môi trường xung quanh.
– Có biểu hiện giống suy nhược thần kinh: Đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi, khó tiếp thu cái mới, bồn chồn lo âu vô cớ, dễ bùng nổ…
– Có những suy nghĩ viển vông, hành vi kỳ lạ không phù hợp với thực tế hoặc say xưa đọc các loại sách triết học hoặc nghi ngờ mọi người theo dõi làm hại mình…
2.2. Dấu hiệu bệnh tái phát.
– Thấy căng thẳng ngày một tăng, rối loạn giấc ngủ.
– Mệt mỏi, dễ kích thích, cáu bẳn.
– Hoảng sợ không lý do.
-Thu mình, từ chối giao tiếp, ăn uống, thờ ơ với mọi người và với bản thân, không tự chăm sóc…
* Nguyên nhân bệnh tái phát ?
– Dùng thuốc không đều: Phần lớn người bệnh nghĩ rằng mình không mắc bệnh nên không đi khám, không uống thuốc, bỏ dở thuốc…Một số trường hợp do tác dụng phụ của thuốc làm bệnh nhân khó chịu nên họ bỏ thuốc.
– Những Stress tâm lý như: Thái độ giễu cợt, hắt hủi, ngược đãi, bỏ rơi, hành hạ người bệnh, phân biệt đối xử trong phân công công việc, mất mát về tình cảm, danh dự, cái chết của người thân… các yếu tố trên sẽ thúc đẩy bệnh nhân khởi phát, khiến bệnh nặng hơn, hay tái phát.