TÌM HIỂU VỀ BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT

BS.Nguyễn Mai Trang – P.Chỉ đạo tuyến

 Mở đầu

Tâm thần phân liệt (TTPL) là một trong những bệnh loạn thần nặng nhất, phổ biến, có xu hướng tiến triển ngày một nặng, trở nên mạn tính.

Bệnh TTPL vẫn là một thử thách quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ tâm thần. Sự tái phát thường xảy ra với khoảng 80% người bệnh nên điều trị bệnh TTPL không chỉ giới hạn ở điều trị giai đoạn cấp mà đòi hỏi phải có chương trình điều trị toàn diện lâu dài nhằm cải thiện sự tái hoà nhập và chống tái phát.

1/. Các yếu tố nguy cơ:

– Tiền sử gia đình có người bị rối loạn tâm thần.

– Nhân cách dễ bị bệnh (khép kín).

– Tiền sử chấn thương sọ não, biến chứng sản khoa, sang chấn khi đẻ.

– Có các Stress tâm lý xã hội.

– Lạm dụng rượu, ma tuý.

2/. Các triệu chứng lâm sàng: 

2.1- Rối loạn tư duy:

– Hai nét đặc trưng nhất là hội chứng tâm thần tự động và hoang tưởng bị chi phối. Có thể có nhiều loại hoang tưởng khác nhau (bị hại, bị đầu độc, bị xâm nhập, bị theo dõi, ghen tuông…).

– Ngôn ngữ kì lạ, nghèo nàn, tối nghĩa, khó hiểu, rời rạc, không liên quan, lời nói bị ngắt quãng, thêm từ lạ khi nói, không nói, nói liên hồi hoặc nói một mình, nói đầu gà đuôi vịt… Nếu bệnh mạn tính, lời nói ngày càng trở nên mơ hồ, nghèo nàn, định hình.

2.2- Rối loạn tri giác:

– Ảo thanh là nét đặc trưng nhất với nhiều nội dung (bình phẩm, đe dọa, nói chuyện, ra lệnh cho bệnh nhân…). Có thể có các loại ảo giác khác (ảo thị, ảo khứu…), loạn cảm giác bản thể hoặc giải thể nhân cách nhưng ít gặp hơn.

– Biểu hiện bên ngoài của ảo thanh là người bệnh thường nói chuyện, cười, khóc… như có người trước mặt.

2.3- Rối loạn cảm xúc:

– Nét đặc trưng nhất là cảm xúc ngày càng cùn mòn, khô lạnh.

– Phản ứng cảm xúc không phù hợp với nội dung lời nói hoặc hoàn cảnh xung quanh. Có thể có cảm xúc hai chiều trái ngược.

– Bồn chồn, bất an hoặc cảm xúc đột biến, những cơn giận dữ bất ngờ rất nguy hiểm.

2.4- Rối loạn hành vi tác phong :

– Kích động (đập phá, đốt nhà, đánh người…) hoặc bất động căng trương lực. Hành vi chống đối không ăn, không uống thuốc.

– Thường xa lánh mọi người, bỏ nhà đi lang thang, sống không mục đích.

– Hành vi kỳ lạ: Cóp nhặt những vật vô nghĩa, cúng bái…

2.5- Rối loạn ý chí: Nét đặc trưng nhất là ý chí ngày càng suy sụp: Rút lui, cô lập khỏi xã hội, lơ là chăm sóc bản thân, giảm các mối quan tâm thích thú. Mất khả năng lao động, học tập, thói quen nghề nghiệp mất dần.

2.6- Rối loạn nhận thức: Không nhận mình bị bệnh, dẫn đến từ chối chăm sóc, điều trị.

2.7- Đặc điểm tiến triển: có 2 đặc điểm:

* Mãn tính: Trên 50% số người bệnh tiến triển mạn tính. Sau mỗi đợt cấp tính, người bệnh TTPL có thể thuyên giảm hoàn toàn, thuyên giảm một phần hay thuyên giảm ít.

* Tái phát: Nếu không được điều trị ngoại trú thường xuyên, bệnh sẽ tái phát nhiều lần.

3/. Điều trị:

– Bệnh TTPL đòi hỏi phải có một chương trình điều trị toàn diện: Liệu pháp hoá dược (sử dụng thuốc an thần kinh), liệu pháp tâm lý và liệu pháp lao động và tái thích ứng xã hội.

– Các yếu tố làm cho kết quả điều trị kém hiệu quả bao gồm: Khởi đầu điều trị muộn, tái phát nhiều lần, giới hạn về nghề nghiệp và xã hội, cùng mắc các bệnh khác (nghiện rượu hoặc ma tuý).

3.1- Liệu pháp hoá dược: Là liệu pháp thông dụng và hiệu quả nhất.

Nguyên tắc cơ bản: Chữa triệu chứng và hội chứng chủ yếu của bệnh.

3.2Liệu pháp tâm lí:

* Trong bệnh viện:

– Tổ chức hệ thống cửa mở để bệnh nhân được thoải mái.

– Phải có thái độ thông cảm, tôn trọng bệnh nhân.

– Liệu pháp tâm lí cá nhân nên được áp dụng trong quá trình điều trị.

– Liệu pháp hành vi: Nhằm uốn nắn, sửa chữa những hành vi, tác phong do nằm viện lâu ngày sinh ra, nhất là với những bệnh nhân mãn tính.

* Tại cộng đồng:

– Giải quyết các nhu cầu và mâu thuẫn của bệnh nhân tại cộng đồng, gia đình.

– Liệu pháp tâm lí cá nhân và tâm lí nhóm nên áp dụng trong quá trình điều trị.

– Liệu pháp tâm lí gia đình: Rất bổ ích và thiết thực nhằm hướng dẫn người nhà bệnh nhân tham gia chủ động vào quá trình điều trị con em mình cùng với thầy thuốc để giảm tái phát, cải thiện các chức năng tâm lí xã hội của bệnh nhân, giảm đỡ gánh nặng cho gia đình.

3.3- Liệu pháp lao động và tái thích ứng xã hội:

* Tầm quan trọng: Đây là những liệu pháp không thể thiếu trong quá trình điều trị lâu dài bệnh nhân TTPL.

* Mục đích: Nhằm duy trì tính tự chủ của bệnh nhân, chống lại sự mạn tính hóa, các “hội chứng bệnh viện”, khắc phục những triệu chứng âm tính, phục hồi các chức năng tâm lí xã hội, giúp họ gần gũi với cuộc sống bình thường.

* Nội dung:

– Ngoài cộng đồng: Bệnh viện tâm thần Hà Nội đã triển khai chương trình “Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng” với nhiều nội dung.

– Trong bệnh viện: Tổ chức cho bệnh nhân lao động thủ công đơn giản, vui chơi giải trí, sinh hoạt tập thể… Ngay từ lúc còn nằm viện đã biết tôn trọng các chuẩn mực xã hội: không đi đất, giao tiếp với xung quanh, có thói quen vệ sinh cá nhân hàng ngày: Tắm rửa, đánh răng, rửa mặt, chải đầu…

4/. Phòng bệnh:

– Tiếp tục quản lí theo dõi bệnh nhân sau khi ra viện ngay tại cộng đồng.

– Theo dõi sức khỏe tâm thần ở những người có yếu tố nguy cơ.

– Hạn chế Stress, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, lạm dụng chất…/.