HƯỞNG ỨNG NGÀY TÂM THẦN PHÂN LIỆT THẾ GIỚI – HIỂU VỀ BỆNH ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG TỐT HƠN

Vũ Minh Anh

Tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần nặng, ảnh hưởng đến cảm xúc, tư duy, hành vi và khả năng thích nghi xã hội của người bệnh. Đây là một trong những rối loạn có tỷ lệ tái phát và gây tàn tật cao, làm suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống và khả năng lao động, sinh hoạt xã hội. Tuy nhiên, nhờ các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, nhiều người bệnh tâm thần phân liệt đã ổn định, tham gia lao động và làm chủ cuộc sống trong thời gian dài. Nhằm nâng cao nhận thức và giảm kỳ thị đối với những người đang sống chung với căn bệnh này, ngày 24/5 hàng năm được chọn là Ngày Tâm thần phân liệt Thế giới.

Dịch tễ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ hiện mắc của tâm thần phân liệt khoảng 1% dân số toàn cầu, với khởi phát thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi — giai đoạn vốn được xem là bản lề của sự phát triển nghề nghiệp, các mối quan hệ và xây dựng tương lai.

Biểu hiện

Biểu hiện của tâm thần phân liệt gồm 3 nhóm triệu chứng chính: triệu chứng dương tính, triệu chứng âm tính, và triệu chứng nhận thức.

* Triệu chứng dương tính

Là những biểu hiệnquá mức hoặc bóp méo các chức năng bình thường của tâm thần, bao gồm các trải nghiệm cảm giác, niềm tin và hành vi không thực tế. Các triệu chứng này thường xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu của bệnh, biểu hiện rầm rộ và dễ nhận biết, bao gồm:

          – Hoang tưởng: Niềm tin sai lệch, không phù hợp với thực tế, nhưng người bệnh vẫn tin tưởng, không bị thuyết phục, cho dù có bằng chứng chứng minh rõ ràng. Thường gặp hoang tưởng bị hại, bị theo dõi, hoang tưởng bị kiểm soát hoặc hoang tưởng tự cao.

          – Ảo giác: Nhận thức sai lệch mà không có kích thích từ bên ngoài, phổ biến nhất là ảo giác thính giác: người bệnh nghe thấy những tiếng nói không có thật, có thể là tiếng ra lệnh, đe dọa hoặc nói chuyện với người bệnh.

          – Tư duy hỗn độn: Người bệnh gặp khó khăn trong sắp xếp và kết nối các ý tưởng, câu nói trở nên rời rạc, khó hiểu.

          – Hành vi mất tổ chức hoặc căng trương lực: người bệnh có hành vi kì dị, không mục đích hoặc xuất hiện trạng thái bất động, giữ nguyên tư thế.

* Triệu chứng âm tính

     Là sự giảm sút hoặc mất đi những chức năng tâm thần vốn có, phảnánh tình trạng suy giảm hoạt động cảm xúc, ý chí và xã hội của người bệnh. Các biểu hiện cụ thể gồm:

Giảm hứng thú: giảm hoặc mất hứng thú trong các hoạt động thường ngày, kể cả những việc từng yêu thích.

Cách ly xã hội: Giảm giao tiếp, thích ở một mình, né tránh tiếp xúc xã hội.

– Cảm xúc cùn mòn: Giảm biểu lộ cảm xúc qua nét mặt, giọng nói đều đều, đơn điệu, thiếu ngữ điệu.

Giảm hoạt động ý chí: Thiếu động lực, không có chủ đích hành động, dễ buông bỏ công việc dang dở.

Tư duy nghèo nàn: Giảm lượng từ và chất lượng ngôn ngữ, trả lời ngắn gọn, ít tự phát trong giao tiếp.

* Triệu chứng nhận thức

          Là sự suy giảm trong các quá trình nhận thức cao cấp, bao gồm chú ý, trí nhớ, chức năng điều hành và khả năng xử lý thông tin. Các biểu hiện cụ thể bao gồm:

          – Suy giảm chú ý: Giảm khả năng duy trì tập trung, dễ bị xao nhãng, không hoàn thành được các nhiệm vụ kéo dài.

          – Suy giảm trí nhớ làm việc: Khó khăn trong việc tạm thời lưu giữ và xử lý thông tin để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp.

          – Rối loạn chức năng điều hành: Suy giảm khả năng lập kế hoạch, tổ chức, linh hoạt trong tư duy và giải quyết vấn đề.

          – Giảm tốc độ xử lý thông tin: Thời gian phản ứng và xử lý thông tin chậm hơn người bình thường.


Điều trị

  • Liệu pháp hóa dược: các thuốc chống loạn thần giúp kiểm soát triệu chứng dương tính và ngăn ngừa tái phát.
  • Liệu pháp tâm lý: Hỗ trợ cải thiện triệu chứng âm tính và chức năng nhận thức, bao gồm liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), đào tạo kỹ năng xã hội (SST) và liệu pháp phục hồi nhận thức (CRT)
  • Liệu pháp sinh học: các kỹ thuật kích thích não không xâm lấn (rTMS, tDCS).
  • Can thiệp cộng đồng và hỗ trợ xã hội: Tạo điều kiện cho người bệnh tham gia các hoạt động xã hội, phục hồi chức năng nghề nghiệp và cải thiện chất lượng sống.

Tiến triển và tiên lượng

Tâm thần phân liệt bệnh mạn tính, tiến triển liên tục gây suy giảm chức năng tâm thần vã xã hội của người bệnh.

Việc phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị sớm, kết hợp can thiệp phù hợp và tích cực giúp người bệnh tâm thần phân liệt duy trì chức năng xã hội thông thường và có chất lượng cuộc sống tốt.

Nhân ngày Tâm thần phân liệt Thế giới (24/5), hãy cùng chia sẻ, nâng cao nhận thức cộng đồng, giảm kỳ thị. Mỗi sự thấu hiểu, và hỗ trợ đúng cách sẽ góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi, giúp người bệnh có thêm động lực vượt qua khó khăn và sống một cuộc đời có ý nghĩa.

                                                                                        

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. American Psychiatric Association. Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 5th Edition (DSM-5), 2013.
  2. Sadock BJ, Sadock VA, Ruiz P. Kaplan & Sadock’s Synopsis of Psychiatry: Behavioral Sciences/Clinical Psychiatry, 12th Edition, 2015.
  3. Keefe RSE, Harvey PD. Cognitive Impairment in Schizophrenia, Handbook of Experimental Pharmacology, 2012.