Hầu hết những người bị nhiễm Covid-19 có biểu hiện không nghiêm trọng và thuyên giảm nhanh chóng. Nhưng một số lượng đáng kể những người bệnh đã gặp các rối loạn lâu dài sau khi phục hồi từ khi nhiễm Covid- ngay cả khi họ không bị bệnh nặng. Đặc biệt khi xã hội mở cửa trở lại, có những lo ngại lâu dài về những rối loạn này, ảnh hưởng lớn đến những người chưa được tiêm chủng đầy đủ.
* Triệu chứng rối loạn kéo dài sau Covid “long Covid symptoms”?
Theo hướng dẫn cho các nhân viên y tế của Vương quốc Anh mô tả rối loạn kéo dài sau Covid được biểu hiện bằng các triệu chứng kéo dài hơn 12 tuần sau khi bị nhiễm trùng- nặng hay nhẹ- và không thể giải thích bằng nguyên nhân khác.
Theo NHS (National Health Service) dịch vụ y tế quốc gia Anh, triệu chứng Rối loạn kéo dài sau Covid bao gồm:
+ Rất mệt mỏi.
+ Khó thở, tim đập nhanh, đau hoặc tức ngực.
+ Các vấn đề về trí nhớ và sự tập trung chú ý “Sương mù trong não”.
+ Thay đổi về khứu giác.
+ Đau khớp.
Các cuộc khảo sát đã xác định được hàng chục, thậm chí hàng trăm lời phàn nàn khác nhau. Nghiên cứu lớn nhất cho đến nay của Đại học College London (UCL) đã xác định 200 triệu chứng ảnh hưởng đến 10 hệ thống cơ quan ở những người mắc chứng rối loạn kéo dài sau Covid.
Các triệu chứng bao gồm ảo giác, mất ngủ, thay đổi thính giác và thị giác, mất trí nhớ ngắn hạn và các vấn đề về lời nói và ngôn ngữ… Những người khác đã báo cáo các vấn đề: Dạ dày-ruột, bàng quang, thay đổi kinh nguyệt và tình trạng da…
Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng này khác nhau, nhưng nhiều người đã không thể thực hiện các nhiệm vụ như tắm vòi sen, đi chợ và nhớ từ…
* Nguyên nhân của rối loạn kéo dài sau Covid?
Hiện tại chưa có bằng chứng rõ ràng chắc chắn về nguyên nhân của rối loạn trên. Một số giả thuyết cho rằng nhiễm trùng làm cho hệ thống miễn dịch của một số người hoạt động quá mức. Kết quả là có sự tấn công không chỉ vi rút mà còn tấn công các mô của chính họ. Điều đó có thể xảy ra ở những người có phản ứng miễn dịch rất mạnh.
Ngoài ra bản thân vi rút xâm nhập và gây hại cho tế bào của chúng ta có thể giải thích một số triệu chứng như sương mù não, mất khứu giác và vị giác. Trong khi tổn thương mạch máu đặc biệt ở những cơ quan quan trọng có thể dẫn đến các vấn đề về tim, phổi và não.
Một giả thuyết khác cho rằng các mảnh vi rút có thể vẫn còn trong cơ thể, có thể nằm im và sau đó được kích hoạt trở lại. Điều này đã xảy ra với một số loại vi rút khác, như Herpes và vi rút Epstein Barr gây sốt tuyến. Tuy nhiên, không có nhiều bằng chứng cho thấy rằng điều này xảy ra với Covid vào lúc này.
Có thể có một số điều khác nhau đang xảy ra trong cơ thể những người khác nhau, để gây ra một loạt các vấn đề như vậy.
* Đối tượng nguy cơ bị rối loạn kéo dài sau Covid và mức độ phổ biến?
Điều này thực sự khó xác định vào lúc này, bởi vì các bác sĩ chỉ mới bắt đầu ghi nhận rối loạn kéo dài sau Covid như một chẩn đoán chính thức.
Tuy nhiên, có một số nghiên cứu cho thấy rối loạn này có xu hướng gia tăng theo độ tuổi và phổ biến hơn gấp đôi ở phụ nữ.
Một số, nhưng không phải tất cả, các triệu chứng Covid kéo dài phổ biến hơn ở những người bị bệnh nặng hoặc phải nhập viện
Phân tích một số nghiên cứu và cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe của đại học King’s College London cho thấy 1-2% những người ở độ tuổi 20 nhiễm vi rút sẽ bị rối loạn kéo dài sau Covid, so với 5% những người ở độ tuổi 60.
Tiến sĩ Claire Steves, một trong những tác giả của nghiên cứu chỉ ra rằng: “Nhưng 1-2% trong số 100.000 ca mỗi ngày là rất nhiều người”.
Tiến sĩ David Strain tại Đại học Y khoa Exeter, người làm việc với những bệnh nhân bị rối loạn kéo dài sau Covid, cho biết hầu hết những người được giới thiệu đến phòng khám của ông đều ở độ tuổi 20, 30 và 40. Đó có thể là do những triệu chứng này, mặc dù hơi ít phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi, nhưng lại có tác động lớn đến cuộc sống của họ. Điều này cũng có thể lý giải vì những người lớn tuổi có nhiều khả năng được tiêm chủng đầy đủ hơn.
* Rối loạn kéo dài sau Covid: cần phải làm gì để cải thiện tình trạng này?
Đối với trẻ em: Rối loạn kéo dài sau Covid hiếm gặp.
Trẻ em ít có khả năng mắc Covid hơn người lớn và do đó theo định nghĩa thì ít có khả năng bị rối loạn này tuy nhiên một số vẫn bị.
Một nghiên cứu từ Đại học King’s College London cho thấy hầu hết các triệu chứng của trẻ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Nhưng mặc dù một tỷ lệ trẻ em có các triệu chứng kéo dài hơn, 98% đã khỏi bệnh sau tám tuần. Khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ cần đến khám và tư vấn của các bác sỹ chuyên khoa.
* Làm thế nào tôi biết mình bị triệu chứng Rối loạn kéo dài sau Covid?
Tiến sĩ Strain giải thích rằng hiện tại không có xét nghiệm nào – ngoài sử dụng phương pháp “Chẩn đoán loại trừ”, trước tiên các bác sỹ sẽ loại trừ các nguyên nhân có thể khác. Đồng thời bác sỹ sẽ đảm bảo các xét nghiệm về các vấn đề khác như tiểu đường, chức năng tuyến giáp và thiếu sắt đều rõ ràng, trước khi đưa ra chẩn đoán. Theo các nhà nghiên cứu, xét nghiệm máu để xác định có thể sẽ được cung cấp trong tương lai.
Và trong các cơ sở nghiên cứu, nhiều công cụ phức tạp hơn đã được sử dụng để xác định tổn thương nội tạng – nhưng bạn sẽ không thể có tại nơi thăm khám với một bác sĩ đa khoa tiêu chuẩn.
* Vaccine có thể giúp gì không?
Các chuyên gia cho biết, gần một nửa số người bị triệu chứng Rối loạn kéo dài sau Covid cho biết các triệu chứng của họ đã được cải thiện sau khi cơ thể của họ có phản ứng miễn dịch hoặc giúp cơ thể tấn công bất kỳ đoạn vi rút nào còn sót lại. Như vậy tiêm phòng cũng có thể giúp ngăn ngừa triệu chứng Rối loạn kéo dài sau Covid ngay từ ban đầu.
* Liệu pháp điều trị có sẵn là gì?
Tại Anh, 89 trung tâm nghiên cứu Triệu chứng Rối loạn kéo dài sau Covid đã được thành lập. Các phòng khám tương tự dự kiến sẽ mở ở Bắc Ireland trong những tháng tới, trong khi ở Scotland và xứ Wales, bệnh nhân sẽ được bác sỹ đa khoa chuyển đến các dịch vụ khác nhau, tùy thuộc vào các triệu chứng của họ.
Hiện tại không có phương pháp điều trị đặc hiệu bằng thuốc nào được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị triệu chứng Rối loạn kéo dài sau Covid.
Một thử nghiệm lâm sàng chính thức về phương pháp điều trị bằng thuốc dự kiến sẽ sớm ra mắt.
Lược dịch: BS. Đỗ Văn Thắng – Bệnh viện Tâm thần Hà Nội