BS.Nguyễn Mai Trang – P. Chỉ đạo tuyến
Trầm cảm là một căn bệnh phổ biến nhưng rất phức tạp và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, cần được điều trị như các bệnh lý khác. Tuy nhiên, rất nhiều người trong số chúng ta chưa hiểu rõ về căn bệnh này.
Trầm cảm là một rối loạn khí sắc, gây cảm giác buồn chán, mất hứng thú kéo dài dai dẳng. Sự rối loạn này không chỉ ảnh hưởng tới tâm trạng, cảm nhận, cách hành xử mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe, thể chất. Trầm cảm có thể gây khó khăn cho chúng ta trong giao tiếp, làm việc, thậm chí có thể dẫn tới ý định tự tử.
Nhiều người với triệu chứng của bệnh trầm cảm không tự nhận mình bị trầm cảm. Một số người không tự nhận thức những triệu chứng này, trong khi những người khác có thể gặp khó khăn trong việc thừa nhận mình bị trầm cảm. Một cá nhân có thể cảm thấy thất bại hoặc cho rằng người khác sẽ đánh giá mình. Những nguyên nhân dẫn tới mắc bệnh bao gồm: các đặc tính di truyền, mức độ nội tiết tố, các yếu tố kích phát từ môi trường, thuốc men, hệ quả của việc sống chung với một bệnh nặng, đau buồn và mất mát do cái chết của một người thân, trải qua việc bị hành hạ về thể chất hoặc cảm xúc, sống với một người trầm cảm nặng và những nhân tố khác.
Nhưng chúng ta biết rằng trong nỗ lực để cung cấp sự chăm sóc tốt nhất cho một thành viên gia đình hoặc bạn bè, người chăm sóc thường hy sinh các nhu cầu về thể chất và cảm xúc của chính họ. Các khía cạnh phức tạp và đa dạng liên quan đến việc cung cấp sự chăm sóc có thể là gánh nặng ngay cả đối với người có khả năng nhất. Cảm xúc bồn chồn, lo âu, đau khổ, bi quan, tách biệt, kiệt sức và đôi khi tội lỗi vì có những cảm xúc này có thể làm nên gánh nặng.
Hậu quả nghiêm trọng nhất của trầm cảm chính là hành vi tự sát. Theo thống kê tại Việt Nam, số người tự tử hàng năm lên tới 36.000-40.000 người, cao gấp 3-4 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông. Trầm cảm chịu trách nhiệm cho 75% các vụ tự tử kể trên, còn lại 22% là do nghiện rượu, ma túy, cờ bạc và chỉ có 3% do tâm thần phân liệt, động kinh. Theo thống kê, đến 80% dân số sẽ bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc sống của mình. Một số đối tượng sau có thể dễ gặp phải trầm cảm hơn:
– Trầm cảm ở phụ nữ: tỉ lệ mắc trầm cảm ở nữ giới cao hơn nam giới, thường gặp nhất là trầm cảm sau sinh.
– Trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên: do áp lực học tập, hoàn cảnh gia đình thay đổi (bố mẹ ly hôn, bị bỏ rơi, thay đổi nơi ở), thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì…
– Trầm cảm ở những người làm các công việc có cường độ làm việc và áp lực lớn: như y bác sỹ, người làm công việc quản lý, công nhân mỏ …
– Trầm cảm ở người già: người già có tỉ lệ mắc trầm cảm cao (~16%) do một số yếu tố như bệnh lý mạn tính, do cảm giác cô đơn…
– Trầm cảm ở những người mắc bệnh nội khoa như: bệnh lý tim mạch, nội tiết, thần kinh, ung thư, bệnh truyền nhiễm…Bệnh cảnh dễ làm nảy sinh trầm cảm và ngược lại, trầm cảm có thể làm cho bệnh có xu hướng nặng thêm và tăng nguy cơ tử vong.
– Trầm cảm ở những người sống ở khu vực kinh tế thấp: thường là nam giới gặp nhiều hơn nữ.
Ở giai đoạn đầu, trầm cảm thường khó phát hiện, dễ bị bỏ sót do triệu chứng. Bệnh nhân thường có những biểu hiện toàn thân như: đau ngực, mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, đau lưng, khó thở, mất ngủ, đau bụng, tê cóng…Điều này khiến cho bệnh nhân rất khổ sở vì đi thăm khám nhiều chuyên khoa khác nhau mà không tìm được nguyên nhân gây bệnh cụ thể. Theo thống kê có tới 88% bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần thăm khám ở cơ sở khám chữa bệnh ban đầu thay vì chuyên khoa tâm thần. Dù biểu hiện đa dạng, vẫn có những triệu chứng phổ biến của trầm cảm bao gồm:
– Khí sắc giảm: Nét mặt buồn bã, nhiều khi không phản ứng với các khích thích bên ngoài.
– Vấn đề với giấc ngủ: khó ngủ, mất ngủ trong thời gian dài hoặc ngủ quá nhiều.
– Mất hứng thú trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt các hứng thú trước đây đều bị giảm hoặc mất.
– Vấn đề về ăn uống: cảm giác chán ăn, ăn không ngon thường xuyên hoặc ăn nhiều quá mức.
– Cơ thể khó chịu, tâm thần bất an: luôn cảm thấy bồn chồn, bứt rứt khó chịu, không thoải mái và lo lắng.
– Ngại giao tiếp xã hội: không muốn nói chuyện, tiếp xúc với những người xung quanh
– Luôn bi quan trong mọi việc, cảm thấy mọi thứ sẽ tồi tệ.
– Tự ti về bản thân: luôn lo lắng bản thân kém cỏi, cảm thấy mình vô dụng, sợ hãi.
– Có ý nghĩ về tự tử hoặc đã từng tự tử.
Nếu có từ 1-3 triệu chứng trên và nó kéo dài trong ít nhất 2 tuần thì có thể bạn đang gặp vấn đề với trầm cảm.
Bệnh trầm cảm xứng đáng nhận được sự chú ý như bất cứ bệnh tật nào khác. Cách tốt nhất để tìm ra điều gì đang gây nên các triệu chứng là đến cơ sở y tế gần nhất để gặp bác sĩ tư vấn. Cần kể rõ về bệnh, chi tiết các triệu chứng để bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh hiệu quả. Để nhận được trị liệu tốt nhất cho bệnh trầm cảm là gặp một chuyên gia sức khỏe tâm thần như một nhà tâm lý học, nhân viên công tác xã hội, hoặc những nhà trị liệu có cấp phép khác. Bệnh trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người bệnh mà còn ảnh hưởng đến thân nhân, bạn bè, những người yêu quý bệnh nhân. Chứng trầm cảm có thể hủy hoại cả một gia đình cũng như cuộc sống của người bệnh. Để góp phần đẩy lùi bệnh trầm cảm và thay đổi cuộc sống thì chúng ta cần:
– Tập thể dục: Thể dục đã được chứng minh là giảm tác động của bệnh trầm cảm như: đi bộ, tập yoga, thiền, nghe nhạc, châm cứu, sáng tạo nghệ thuật…
– Duy trì cân bằng cuộc sống: có kế hoạch cho công việc, gia đình, xã hội…hợp lý để tránh các stress ảnh hưởng tới bản thân.
– Dành thời gian cho bản thân: nên dành thời gian riêng cho bản thân, chăm sóc bản thân hơn để có cuộc sống tốt hơn.
– Có chế độ ăn uống phù hợp: tránh ăn qua nhiều chất béo, thực phẩm có hại cho cơ thể, sử dụng chất kích thích…
– Giữ cho tâm trạng luôn vui vẻ, thoải mái
– Cố gắng có một giấc ngủ ngon: ngủ đủ giấc, tránh cho các việc ảnh hưởng đến giấc ngủ là một việc rất quan trọng trong phòng chống bệnh trầm cảm.
Trầm cảm là một rối loạn tâm lý phổ biến, nó khởi phát do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Điều quan trọng là phải nhận ra các dấu hiệu cảnh báo và đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ của người thân, bạn bè. Vượt qua trầm cảm bạn có thể duy trì một cuộc sống cân bằng hơn trước, giống như một người quyết định tập thể dục và thay đổi chế độ ăn của mình sau khi bị một vấn đề sức khỏe thể chất.