ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG TỰ SÁT Ở NGƯỜI BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ TẠI BỆNH VIỆN TÂM THẦN HÀ NỘI

ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG TỰ SÁT Ở NGƯỜI BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ TẠI BỆNH VIỆN TÂM THẦN HÀ NỘI

Thành viên tham gia:

Lê Văn Cường – Khoa B

Phạm Thế Văn – Khoa B

Trần Thị Thu Phương – Khoa E

Đặng Vũ Hảo – Khoa B

Lưu Thị Thu Hà – Khoa B

TÓM TẮT

Abstract:In schizophrenic patients, suicide is a common and complex problem, suicide has many different causes such as delusions, hallucinations, impulses, depression… We studied on 35 suicidal schizophrenic patients and found some characteristics of suicide in schizophrenia: mean age 36.10 ± 12.42, mean age of onset is 24.89 ± 8.12, duration of illness is 11,20  ± 4,21, paranoid disease accounted 71,43%, Patients at moderate and high risk of suicideaccounted 80%, patients with history of suicide accounted 71,43%, and they have higher risk of suicide.

Tóm tắt: Ở người bệnh tâm thần phân liệt, tự sát là một vấn đề phổ biến và phức tạp. Bằng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 35 người bệnh tâm thần phân liệt có tự sát đã chỉ ra tuổi trung bình của nhóm người bệnh là 36,10 ± 12,42, tuổi khởi phát trung bình là 24,89 ± 8,12, thời gian bị bệnh của nhóm người bệnh là 11,20  ± 4,21, thể bệnh paranoid chiếm đa số với 71,43%, đa số (80%) người bệnh có nguy cơ tự sát ở mức trung bình và cao, 71,43% người bệnh có tiền sử tự sát trước đó, và những người có tiền sử tự sát trước đó cũng có nguy cơ tự sát cao hơn thể hiện qua điểm thang Miller.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Ở người bệnh tâm thần phân liệt, tự sát là một vấn đề phổ biến và phức tạp, tự sát có nhiều nguyên nhân khác nhau như do hoang tưởng, ảo giác chi phối, do xung động, do trầm cảm … Các nghiên cứu đã chỉ ra có từ 40-80% người bệnh tâm thần phân liệt có ít nhất 1 lần có ý định tự sát trong đời, tỉ lệ tự sát hàng năm ước tính là 579/100.000 người bệnh, nguy cơ tử vong do tự sát suốt đời là 4-10% [1].  Điều trị bệnh Tâm thần phân liệt là một quá trình, thường kéo dài suốt đời, do đó trong điều trị bệnh rất cần hiểu, phát hiện, đề phòng, quản lý vấn đề tự sát ở người bệnh [1].

Để phục vụ tốt chẩn đoán và điều trị người bệnh tâm thần phân liệt có ý tưởng hành vi tự sát chúng tôi lựa chọn đề tài “Đặc điểm lâm sàng tự sát ở người bệnh tâm thần phân liệt điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội” làm đề tài nghiên cứu với mục tiêu:

  1. Mô tả đặc điểm lâm sàng tự sát ở người bệnh tâm thần phân liệt
  2. Đánh giá một số yếu tố liên quan đến tự sát ở người bệnh tâm thần phân liệt

 1. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.1. Đối tượng nghiên cứu

Nghiên cứu của chúng tôi bao gồm 35 người bệnh được chẩn đoán tâm thần phân liệt theo tiêu chuẩn ICD-10 có tự sát, điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội từ tháng 3/2021 đến tháng 10/2021.

1.2. Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang, các triệu chứng lâm sàng ở người bệnh tâm thần phân liệt có tự sát.

Tiêu chuẩn lựa chọn: người bệnh đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt theo ICD-10, người bệnh có tự sát.

Tiêu chuẩn loại trừ: người bệnh không hợp tác trả lời hết được bộ câu hỏi, người bệnh tự sát do tình trạng tâm thần khác như ngộ độc rượu, ma túy, bệnh thực tổn tại não…

Phương pháp thu thập thông tin:

Công cụ nghiên cứu: Bệnh án nghiên cứu chuyên biệt thiết kế cho đối tượng, thang điểm Miller, tiêu chuẩn chẩn đoán tâm thần phân liệt theo ICD-10.

Kỹ thuật thu thập thông tin: Hỏi người bệnh và gia đình, khám lâm sàng trên người bệnh, thu thập thông tin qua bệnh án điều trị.

Các chỉ số biến số nghiên cứu: các chỉ số độc lập (tuổi, giới, học vấn…). Tuổi khởi phát, thời gian bệnh, tiền sử tự sát, điểm thang Miller.

Xử lý số liệu: số liệu được xử lý bằng phương pháp thống kê y học, với sự hỗ trợ của phần mềm SPSS 20.0.

 

 2. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

2.1.Tuổi

Bảng 1. Đặc điểm về tuổi của người bệnh

Bệnh nhân

Tuổi

n Tỉ lệ (%)
< 30 9 25,71
30-40 16 45,72
>40 10 28,57
Tuổi trung bình 36,10 ± 12,42
Tuổi khởi phát n Tỉ lệ
<20 11 31,43
20-30 19 54,29
>30 5 14,28
Tuổi khởi phát TB 24,89 ± 8,12
Thời gian bệnh n Tỉ lệ
<10 16 45,71
10-20 18 51,43
>20 1 2,86
Thời gian bệnh TB 11,20  ± 4,21

 

Trong nghiên cứu của chúng tôi, người bệnh có tuổi trung bình là 36,10 ± 12,42, nhóm người bệnh từ 30-40 chiếm tỉ lệ cao nhất với 45,72%.

Tuổi khởi phát trung bình của người bệnh là 24,89 ± 8,12, nhóm khởi phát từ 20- 30 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất với 54,29%, tiếp đến là nhóm khởiphát dưới 20 tuổi chiếm tỉ lệ 31,43%, nhóm người bệnh khởi phát sau 30 tuổi chỉ chiếm 14,28%

Thời gian mắc bệnh trung bình của người bệnh là 11,20  ± 4,21 năm, đại đa số người bệnh có thời gian bệnh từ 20 năm trở xuống, chỉ 2,86% người bệnh có thời gian bệnh trên 20 năm.

2.2. Thể bệnh

Bảng 2. Đặc điểm về thể bệnh

Thể bệnh n Tỉ lệ (%)
Thể paranoid 25 71,43
Thể trầm cảm sau phân liệt 1 2,86
Thể di chứng 9 25,71
Tổng số 35 100,00

 

Trong nghiên cứu của chúng tôi đa số người bệnh TTPL thuộc thể paranoid với 25 người bệnh chiếm 71,43%, có 9 người bệnh TTPL thuộc thể di chứng chiếm 25,71%, chỉ có 1 người bệnh TTPL thuộc thể trầm cảm sau phân liệt chiếm 2,86%.

2.3. Tiền sử tự sát

Bảng 3. Đặc điểm về tiền sử tự sát

Tiền sử tự sát n Tỉ lệ (%)
Không có 10 28,57
Đã có YTHVTS 1 lần 5 14,29
Trên 2 lần có YTHVTS 20 57,14
Tổng số người bệnh 35 100,00

Trong nghiên cứu của chúng tôi đa số người bệnh đều đã có tiền sử có ý tưởng hành vi tự sát trước đó, trong đó có 5 người bệnh tiền sử có ý tưởng hành vi tự sát 1 lần chiếm 14,29%, có 20 người bệnh tiền sử có ý tưởng hành vi tự sát nhiều lần chiếm 57,14%.

Trong nghiên cứu của chúng tôi có 10 người bệnh chưa từng có ý tưởng hành vi tự sát trong tiền sử chiếm tỉ lệ 28,57%.

 

 

2.4. Điểm thang Miller theo tiền sử tự sát

Bảng 4. Điểm thang Miller theo tiền sử tự sát

Tiền sử

 

Điểm Miller

Có tiền sử tự sát Không có tiền sử

tự sát

p
n Tỉ lệ n Tỉ lệ  
≤18                3 12,00 4 36,36 0,016
18-36             11 44,00 4 36,36
>36                11 44,00 2 18,18 0,026
Tổng số 25 71,43 11 28,57
Điểm trung bình 33,21 ± 6,32 21,31 ± 4,89 0,021

Trong nghiên cứu của chúng tôi đa số người bệnh đã có ý tưởng hành vi tự sát trong tiền sử với 25 người bệnh chiếm 71,43%, trong nhóm người bệnh này, những người bệnh có điểm thang Miller >36 chiếm một tỉ lệ cao tới 44,00%. Có 11 người bệnh không có tiền sử tự sát trước đó, chiếm 28,57%.

3. BÀN LUẬN

3.1. Đặc điểm về tuổi và thời gian bệnh

Trong nghiên cứu của chúng tôi, người bệnh TTPL có ý tưởng – hành vi tự sát có tuổi trung bình là 36,10 ± 12,42, nhóm người bệnh từ 30-40 chiếm tỉ lệ cao nhất với 45,72%. Tuổi khởi phát trung bình của người bệnh là 24,89 ± 8,12, đại đa số người bệnh đều khởi phát trước tuổi 30 với 85,71%, và hầu hết người bệnh đều có thời gian mắc bệnh dưới 20 năm với 97,14%.

Trong nghiên cứu của Sinclair và cộng sự cho thấy tuổi khởi phát TTPL ở nhóm NB có YTTS cũng rất trẻ từ 17-32, trung bình là 20 ở nhóm NB có YTTS, trung bình là 23 ở nhóm NB đã tự sát thành công [2].

3.2. Chẩn đoán

Theo nghiên cứu của chúng tôi đa số người bệnh TTPL thuộc thể paranoid với 25 người bệnh chiếm 71,43%.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương đồng với nghiên cứu của Fenton và cộng sự, hai triệu chứng dương tính là hoang tưởng và ảo giác có mức độ nghiêm trọng hơn trong số các trường hợp tự sát thành công, người bệnh cũng có xu hướng tự sát bằng các hình thức bạo lực như dùng súng, tự thiêu, … Người bệnh được phân loại TTPL thể paranoid có nguy cơ tự sát cao hơn so với nhóm người bệnh được phân loại TTPL thể đơn thuần tương ứng 12% so với 1,5% [3].

3.3. Tiền sử tự sát

Trong nghiên cứu của chúng tôi đa số người bệnh đều đã có tiền sử có ý tưởng hành vi tự sát trước đó, trong đó có 20 người bệnh trong tiền sử đã có ý tưởng hành vi tự sát nhiều lần chiếm 57,14%.

Người bệnh đã có tiền sử có ý tưởng – hành vi tự sát trong quá khứ không chỉ liên quan tới nguy cơ có ý tưởng – hành vi tự sát trong đợt bệnh lần này, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra tiền sử có ý tưởng – hành vi tự sát trong quá khứ còn liên quan tới mức độ nguy hiểm của những ý tưởng – hành vi tự sát trong đợt bệnh lần này.

Nghiên cứu của Sinclair và cộng sự có tới 63% người bệnh tự sát thành công có tiền sử có ý tưởng và hành vi tự sát trước đó, cao hơn đáng kể so với 29% ở nhóm đối chứng, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p= 0,002 [2].

3.4. Điểm thang Miller theo tiền sử tự sát

Trong nghiên cứu của chúng tôi đa số người bệnh đã có ý tưởng hành vi tự sát trong tiền sử với 25 người bệnh chiếm 71,43%, có 11 người bệnh chưa có tiền sử có ý tưởng – hành vi tự sát trong quá khứ chiếm 28,57%.

Nhóm người bệnh tiền sử đã có ý tưởng – hành vi tự sát trong quá khứ có điểm thang Miller là 33,21 ± 6,32 cao hơn đáng kể so với nhóm chưa có ý tưởng – hành vi tự sát trong quá khứ tương ứng là 21,31 ± 4,89, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p= 0,021. Không chỉ vậy, tỉ lệ người bệnh có nguy cơ tự sát cao dựa trên điểm thang Miller ở nhóm người bệnh đã có ý tưởng – hành vi tự sát cũng cao hơn so với nhóm người bệnh chưa có ý tưởng – hành vi tự sát trong quá khứ tương ứng 44,00% so với 18,18%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p=0,026. Nghiên cứu của chúng tôi về đặc điểm tiền sử ý tưởng – hành vi tự sát cũng cho kết quả tương tự với nhiều nghiên cứu khác.

Trong nghiên cứu của Gibb và cộng sự trên người bệnh trầm cảm cố gắng tự sát cũng cho thấy người bệnh đã có tiền sử tự sát trước đó có điểm thang Miller cao hơn đáng kể so với người bệnh chưa có tiền sử tự sát, điểm tương ứng là 29,44 và 21,11 sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,01 [4].

Đối với người bệnh TTPL, việc khai thác tiền sử tự sát của người bệnh là rất quan trọng, người bệnh có tiền sử tự sát trong quá khứ có nguy cơ cao xuất hiện ý tưởng hành vi tự sát trong giai đoạn bệnh hiện tại. Đối với người bệnh TTPL có ý tưởng hành vi tự sát trong giai đoạn bệnh hiện tại, việc khai thác tiền sử tự sát trong quá khứ của người bệnh cũng rất quan trọng, người bệnh đã có tiền sử tự sát trong quá khứ có nguy cơ xảy ra tự sát cao hơn so với nhóm còn lại.

 

 

KẾT LUẬN

Nghiên cứu 35 người bệnh TTPL có ý tưởng – hành vi tự sát điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội chúng tôi đưa ra một số kết luận sau:

Độ tuổi trung bình của nhóm người bệnh là 36,10 ± 12,42, tuổi khởi phát trung bình là 24,89 ± 8,12, thời gian bị bệnh của nhóm người bệnh là 11,20  ± 4,21năm, trong 2 thập kỷ đầu bị bệnh nguy cơ tự sát của người bệnh là cao hơn đáng kể thời gian bệnh về sau.

-Trong các thể bệnh thì TTPL thể paranoid chiếm đa số trong các người bệnh có ý tưởng – hành vi tự sát với 71,43%.

– Đa số (80%) người bệnh TTPL có ý tưởng – hành vi tự sát có nguy cơ tự sát ở mức trung bình và cao, những người bệnh mà tiền sử có ý tưởng – hành vi tự sát trong quá khứ có nguy cơ tự sát cao hơn trong đợt bệnh này.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Holmstrand C, Bogren M, Mattisson C, et al. (2015). Long-term suicide risk in no, one or more mental disorders: the Lundby Study 1947-1997. Acta Psychiatr Scand, 132 ( 6 ): 459–69.10.1111.
  2. Sinclair J.M.A., Mullee M.A., King E.A., et al. (2004). Suicide in Schizophrenia: A Retrospective Case-Control Study of 51 Suicides. Schizophrenia Bulletin, 30(4), 803–811.
  3. Fenton W., McGlashan T., Victor B., et al. (1997). Symptoms, subtype, and suicidality in patients with schizophrenia spectrum disorders. AJP, 154(2), 199–204.
  4. Gibb B.E., Andover M.S., and Miller I.W. (2008). Depressive characteristics of adult psychiatric inpatients with a history of multiple versus one or no suicide attempts. Depress Anxiety, n/a-n/a.

 

Leave A Comment