THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TẠI BỆNH VIỆN TÂM THẦN HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2018 – 2020 VÀ ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TRONG THỜI GIAN TỚI

  • Trang chủ
  • NCKH_Hợp tác quốc tế
  • THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TẠI BỆNH VIỆN TÂM THẦN HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2018 – 2020 VÀ ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TRONG THỜI GIAN TỚI

THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TẠI BỆNH VIỆN TÂM THẦN HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2018 – 2020 VÀ ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TRONG THỜI GIAN TỚI

Chủ nhiệm đề tài: Trần Thị Thu Ngát

Thư ký đề tài: Đặng Thị Chuyển

Cộng sự: Bùi Đức Thọ, Phan Thị Vĩnh, Đặng Thị Ngà

Bệnh viện Tâm thần Hà Nội

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm đánh giá kết quả quản lý tài chính tại Bệnh việnTâm thần Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020 từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài chính tại bệnh biện trong thời gian tới. Nghiên cứu đã sử dụng thông tin, số liệu thu thập thông qua điều tra nhân viên và người lao động của bệnh viện, người nhà bệnh nhân, kết hợp phương pháp thống kê mô tả, phương pháp thống kê so sánh. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Công tác quản lý tài chính ở Bệnh viện thực hiện tốt và đúng quy định. Hàng năm, nguồn kinh phí thường xuyên do Ngân sách nhà nước cấp chiếm tỷ lệ 81% – 83%; Nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh (BHYT và không BHYT) chiếm tỷ lệ 9,2% – 10,3%; Nguồn thu dịch vụ và thu khác chiếm tỷ lệ từ 7,6%- 8,7% trên tổng thu của Bệnh viện. Trong khi đó, chi tiêu cho con người chiếm chủ yếu và có xu hướng giảm từ 62% xuống 55%; Các khoản chi cho hoạt động chuyên môn như: thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, chi phí điện nước, nhiên liệu, chi phí giặt là… chiếm 22-32% trên tổng chi.

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ở nước ta, trong nhiều năm trước đây, y tế là một lĩnh vực dịch vụ công hoàn toàn do Nhà nước đứng ra cung cấp, các bệnh viện công chỉ đơn thuần là cơ quan hành chính sự nghiệp được bao cấp toàn bộ, do vậy đầu tư từ ngân sách nhà nước dù đã cố gắng tăng lên hàng năm nhưng cũng rất hạn chế, dẫn đến tình trạng các bệnh viện công quá tải, hiệu quả hoạt động thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn và xuống cấp, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên thiếu động lực, không đáp ứng được đầy đủ và có chất lượng nhu cầu khám chữa bệnh đang ngày càng tăng lên của nhân dân.

Ngành Y tế được coi là một ngành trong hệ thống kinh tế quốc dân và thuộc nhóm ngành dịch vụ phục vụ các nhu cầu có tính chất phúc lợi xã hội. Nói cách khác, ngành y tế có đóng góp vào GDP của đất nước. Thực tế trên đòi hỏi quản lý tài chính trong các bệnh viện nói chung và Bệnh viện Tâm thần Hà Nội nói riêng, vừa phải đảm bảo các mục tiêu tài chính, vừa đảm bảo tính hiệu quả, công bằng trong chăm sóc sức khoẻ. Chính vì vậy công tác quản lý tài chính vô cùng quan trọng nó là chìa khoá quyết định sự thành công hay thất bại, sự tụt hậu cũng như phát triển của Bệnh viện.

Những năm gần đây để đáp ứng nhu cầu KCB của người dân cũng như quán triệt tốt chủ trương của Nhà nước về giao quyền tự chủ tài chính, Bệnh viện đã nỗ lực không ngừng đầu tư về con người cũng như về trang thiết bị y tế để phục vụ người bệnh đồng thời cũng là giải pháp để tăng nguồn thu nhằm một phần tự trang trải chi phí giảm bớt gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước.

Để hoàn thành tốt chức năng của mình cũng như giảm bớt được gánh nặng chi phí cho Ngân sách Nhà nước thì hoạt động quản lý tài chính của Bệnh viện là vấn đề hết sức quan trọng mà các nhà quản lý Bệnh viện cần quan tâm. Xuất phát từ những vấn đề trên nhóm nghiên cứu đã lựa chọn đề tài “Thực trạng quản lý tài chính tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội giai đoạn 2018- 2020 và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính trong thời gian tới” với mục tiêu:

  1. Đánh giá thực trạng quản lý tài chính tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội giai đoạn 2018-2020.
  2. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.
  3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là quy trình quản lý tài chính tại bệnh viện Tâm thần Hà Nội, theo chức năng quản lý bao gồm:

– Lập dự toán thu chi

– Tổ chức thực hiện dự toán

– Quyết toán

– Thanh tra, kiểm tra

2.2. Phương pháp nghiên cứu.

2.2.1. Phương pháp thu thập số liệu

Thu thập số liệu, thông tin sơ cấp: Đề tài thu thập số liệu, thông tin sơ cấp từ quá trình phỏng vấn các cán bộ viên chức và người nhà bệnh nhân đưa bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Câu hỏi và phiếu điều tra được xây dựng trên cơ sở thực hiện các nội dung nghiên cứu để đáp ứng được mục tiêu của đề tài.

Tổng số mẫu điều tra: 100 mẫu, trong đó:

Điều tra, phỏng vấn 40 CBCNV-NLĐ tại bệnh viện Tâm thần Hà Nội gồm: Cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và một số nhân viên các khoa, phòng tại bệnh viện. Là những đối tượng thường xuyên liên quan đến công tác tài chính kế toán của đơn vị như: Lâp dự toán thu chi, thanh toán các chi phí cho bộ phận khoa, phòng.

Nội dung điều tra bao gồm các đánh giá, nhận định về các quy định quản lý tài chính tại các bệnh viện hiện nay: Khâu lập dự toán, tổ chức thực hiện dự toán, đánh giá về các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý tài chính và các gợi ý, đề xuất về các giải pháp nhằm tăng cường quản lý tài chính tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.

– Điều tra, phỏng vấn 60 người dân là người nhà các bệnh nhân khám chữa bệnh tại bệnh viện: Phỏng vấn ngẫu nhiên một số đối tượng là người nhà người bệnh sau khi đã làm thủ tục thanh toán cho bệnh nhân ra viện.

Nội dung điều tra bao gồm đánh giá về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, chất lượng cơ sở vật chất,  trang thiết bị y tế,… (chịu tác động trực tiếp từ quản lý tài chính tại các bệnh viện), và các nhận định, đánh giá khác có liên quan tới công tác quản lý tài chính tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.

Thu thập số liệu, thông tin thứ cấp: Đề tài thu thập số liệu thông tin thứ cấp từ các báo cáo tài chính, sổ sách kế toán, các chuyên đề, hội thảo, …

2.2.2. Phương pháp thống kê mô tả:

Thống kê mô tả là các phương pháp liên quan đến việc thu thập số liệu, tóm tắt, trình bày, tính toán và mô tả các đặc trưng khác nhau để phản ánh một cách tổng quát đối tượng nghiên cứu.

2.2.3. Phương pháp thống kê so sánh

Đề tài áp dụng phương pháp thống kê so sánh tình hình tài chính qua các năm nghiên cứu nhằm chỉ ra sự biến động và hiệu quả quản lý tài chính của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Từ đó đưa ra các kết luận có căn cứ khoa học cho các giải pháp đồng thời đưa ra các kiến nghị nhằm tăng cường và hoàn thiện quy chế quản lý tài chính tại Bệnh viện.

2.2.4. Hệ thống các chỉ tiêu nghiên cứu:

Hệ thống chỉ tiêu gồm: Số tiền và tỷ lệ mức tăng, giảm thu chi năm sau với năm trước; Số tiền và tỷ trọng cơ cấu theo nội dung thu- chi; Số tiền và tỷ lệ chi theo nhóm mục;Tỷ lệ (%) thực hiện so với kế hoạch (dự toán) thu- chi; Tỷ lệ (%) thực hiện năm nay so với năm trước; Tỷ lệ (%) chỉ tiêu hỏi ý kiến.

  1. 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN

3.1 Thực trạng lập dự toán thu chi

Theo các Quyết định giao dự toán trong năm và theo hướng dẫn, chỉ đạo của Sở Y tế, Bệnh viện đã xây dựng dự toán và triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định.

Nhìn chung công tác lập dự toán thu- chi tại Bệnh viện giai đoạn 2018 – 2020 được Sở Y tế đánh giá cao, sát với thực tế.

3.2 Tổ chức thực hiện dự toán thu chi

3.2.1 Tổ chức thực hiện dự toán thu

Kết quả thực hiện dự toán thu tại Bệnh viện qua các năm giai đoạn 2018-2020 cho thấy tốc độ tăng trưởng bình quân: Nguồn NSNN tăng 104%; Nguồn thu BHYT tăng 116%; Nguồn thu viện phí và dịch vụ theo yêu cầu tăng 103%; Nguồn thu khác tăng 119%. Điều đó chứng tỏ bệnh viện đang có hướng đi đúng đắn.

3.2.2 Tổ chức thực hiện dự toán chi

– Quy chế chi tiêu nội bộ

Quy chế được xây dựng hàng năm quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn phù hợp với các hoạt động đặc thù của bệnh viện. Quy chế này là căn cứ để quản lý, thanh toán các khoản chi tiêu trong đơn vị, thực hiện việc kiểm soát của kho bạc nhà nước, cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính và các cơ quan thanh tra, kiểm toán theo quy định.

– Thực hiện dự toán chi

Kết quả thực hiện chi so với dự toán chi của các năm 2018,2018,2020 rất sát, tỷ lệ thực hiện chi/dự toán chi năm 2018 đạt 98%, Năm 2019 đạt 101% và năm 2020 đạt 87%.

3.3. Công tác quyết toán tài chính

+ Nguồn NSNN cấp cho các năm giai đoạn 2018-2020 Tốc độ tăng trưởng bình quân 104%. Nhưng so sánh thực hiện thu NSNN giữa các năm  thì thấy năm 2020 tăng so với năm 2018, 2019 là 10% nguyên nhân là năm 2020 đơn vị được cấp bổ sung kinh phí mua sắm TTB y tế và các khoản chi phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực hiện quyết toán chi năm 2020 so với năm 2018, 2019 lại giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh covid 19 nên một số nhiệm vụ được giao đơn vị không thực hiện được như: Kinh phí chương trình, mua sắm TTB, nguồn cấp cho thực hiện covid 19…. Mặt khác, đơn vị còn bị cắt giảm 10% kinh phí chi thường xuyên . Do vậy tình hình thực hiện quyết toán kinh phí so với dự toán chi từ nguồn NSNN chỉ đạt 87%.

+ Nguồn thu viện phí giai đoạn 2018-2020 tăng từ 94% đến 113%, tốc độ PTBQ tăng 103% điều  này cho thấy đơn vị vẫn đảm bảo duy trì các nguồn thu cho đơn vị để tạo thu nhập cho CBVC-NLĐ.

+ Nguồn thu BHYT qua các năm giai đoạn 2018-2019 tốc độ PTBQ tăng 116%. Nguồn KCB BHYT tăng là do bệnh nhân ngoại trú đến khám và điều trị ngày càng tăng, nhưng nguồn thu từ KCB BHYT cho bệnh nhân ngoại trú chủ yếu là tiền khám và tiền thuốc vì vậy chi phí cho đối tượng này như chiếm tỷ lệ cao, song BHYT quyết toán rất chậm dẫn đến nguồn thu từ BHYT còn thấp chênh lệch thu – chi không đem lại kết quả cho bệnh viện.

+ Nguồn thu từ dịch vụ KCB theo yêu cầu tốc độ tăng bình quân 103%. Nguồn thu này phần lớn khoán chi dịch vụ cho các khoa. Do vậy để tạo ra sự chênh lệch thu lớn hơn chi cho bệnh viện thấp.

+ Nguồn thu khác: Tốc độ tăng trưởng bình quân 119%.

3.4. Công tác thanh tra, kiểm tra

Nhờ kiểm tra tài chính được thực hiện tốt nên đã đánh giá đúng thực trạng, xác định được những ưu điểm, khuyết điểm một cách khách quan, trung thực, tìm ra nguyên nhân của những hạn chế, từ đó đề xuất được những giải pháp tích cực trong lĩnh vực tài chính giúp cho lãnh đạo bệnh viện có chủ trương đúng đắn, biện pháp thích hợp để hoàn thiện quản lý tài chính của Bệnh viện, góp phần phục vụ công tác khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn.

* ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TRONG THỜI GIAN TỚI.

Qua nghiên cứu, đánh giá kết quả đã đạt được và những hạn chế còn tồn tại, nhóm nghiên cứu đưa ra một số đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính trong thời gian tới tại Bệnh viện:

Thứ nhất, Nâng cao hiệu quả công tác lập dự toán thu chi và công tác tổ chức thực hiện dự toán thu chi;

Thứ hai, xây dựng hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu nội bộ hợp lý

Thứ ba, tăng cường các biện pháp quản lý mua sắm, sử dụng, cấp phát vật tư, tài sản.

Thứ tư, Đưa và sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý tài chính:

Thứ năm, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tài chính kế toán có trình độ chuyên môn cao 

Thứ sáu, triển khai thêm một số loại hình dịch vụ để tăng nguồn thu dịch vụ tăng thêm thu nhập cho CBVC-NLĐ.

Thứ bảy, đẩy mạnh công tác quyết toán

Thứ 8, Tăng cường công tác thanh, kiểm tra giám sát, thực hiện.

KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu về quản lý tài chính tại bệnh viện, đề tài đã phân tích thực trạng và các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý tài chính bệnh viện tại bệnh viện Tâm thần Hà Nội.

Thực trạng quản lý tài chính ở bệnh viện Tâm thần Hà Nội: Thực hiện dự toán thu: Nguồn kinh phí thường xuyên do NSNN cấp hàng năm chiếm tỷ lệ 81% – 83%, nguồn thu dịch vụ KCB (BHYT và không BHYT) chiếm tỷ lệ 9,2%  – 10,3% và nguồn thu dịch vụ, thu khác chiếm tỷ lệ từ 7,6% – 8,7%  (năm 2018: 7,8%);  (năm 2019: 8,7%); (năm 2020:7.6%) trên tổng thu của Bệnh viện. Thực hiện quản lý các khoản chi: chủ yếu là chi cho con người chiếm tỷ lệ từ 62% xuống 55%, khoản chi này là do nhà nước cấp giảm dần từng năm. Các khoản chi cho hoạt động chuyên môn hàng năm như: thuốc, hóa chất vật tư tiêu hao, chi phí điện nước, nhiên liệu, chi phí giặt là,… chiếm tỷ lệ 22-32% trên tổng chi.

Nghiên cứu đã đưa ra các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý tài chính tại bệnh viện Tâm thần Hà Nội như: Cơ chế, chính sách của Nhà nước; Nhu cầu của XH về dịch vụ KCB; Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh viện; Trình độ cán bộ nhân viên; Cơ sở vật chất, TTB phục vụ KCB….Để tăng cường quản lý tài chính bệnh viện Tâm thần Hà Nội trong những năm tới cần thực hiện đồng bộ 8 giải pháp đã đề xuất trên.

KIẾN NGHỊ

Quy chế chi tiêu nội bộ: cân đối lại phần chi dịch vụ cho các khoa và quỹ khám chữa bệnh.

Bệnh viện cần phải xây dựng lại định mức cấp phát vật tư tiêu hao cấp cho các khoa, phòng.

Xây dựng quy chế quản lý tài sản chặt chẽ, cụ thể hơn, quy rõ trách nhiệm của từng khoa phòng, từng cá nhân trong việc quản lý tài sản.

Triển khai hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án điện tử để thuận lợi cho người bệnh cũng như quản lý của bệnh viện và đáp ứng với thời đại 4.0./

 

 

FINANCIAL MANAGEMENT SITUATION AT HANOI PSYCHIATRIC HOSPITAL IN PERIOD OF 2018 – 2020 AND SOLUTIONS TO IMPROVE THE EFFICIENCY OF FINANCIAL MANAGEMENT IN THE FUTURE

Summary: The study aims to evaluate the financial management results at Hanoi Psychiatric Hospital in the period of 2018 – 2020 and propose solutions to improve the efficiency of financial management at the hospital in the future. The study used information and data collected from the survey of hospital staffs and employees, patients’ family members; descriptive statistics, and comparative statistical methods also used in this research. The research results show that: The financial management at the hospital is done well and in accordance with regulations of State. Annually, the regular funding source provided by the State budget accounts for 81% – 83%; Revenue from medical examination and treatment services (health insurance and no insurance) accounts for 9.2% – 10.3%; Revenue from services and others accounts for 7.6% – 8.7% of the Hospital’s total revenue. Meanwhile, human expenditure is majority and decrease from 62% to 55%; Expenses for professional activities such as medicines, chemicals, electricity, water, fuel, laundry, etc. account for 22-32% of total expenditure.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015). Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 26/5/2015;
  2. Chính phủ (2006). Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 25/04/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính với đơn vị sự nghiệp công lập.
  3. Chính phủ (2012). Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 25/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập;
  4. Phòng Tài chính Kế toán – Bệnh viện Tâm thần Hà Nội (2018). Kế hoạch phát triển sự nghiệp và dự toán thu chi ngân sách năm 2018, 2019, 2020;
  5. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015) Luật kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2015.

Leave A Comment