Ngày Lưỡng cực Thế giới được tổ chức vào ngày 30 tháng 3 hàng năm- ngày sinh của họa sĩ người Hà Lan Vincent van Gogh- một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nghệ thuật phương Tây- người được chẩn đoán mắc rối loạn lưỡng cực sau khi mất. Cuộc đời và những sáng tạo của ông song hành cùng quá trình đấu tranh với bệnh tât. Ngày nay, khoảng 40 triệu người trên khắp thế giới đang sống cùng rối loạn lưỡng cực, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động và các mối quan hệ xã hội. Ngày Lưỡng cực Thế giới giáo dục và thúc đẩy việc nâng cao nhận thức về rối loạn lưỡng cực, đồng thời tìm kiếm giải pháp và hướng đến xóa bỏ sự kì thị.

Rối loạn lưỡng cực là một tình trạng sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến tâm trạng, năng lượng, hoạt động và suy nghĩ của một người và được đặc trưng bởi các giai đoạn hưng cảm (hoặc hưng cảm nhẹ) và trầm cảm. Bệnh thường khởi phát ở tuổi trẻ (20-30 tuổi) với các biểu hiện đặc trưng theo từng giai đoạn.
Triệu chứng và tiến triển
Trong giai đoạn hưng cảm, một người trải qua tâm trạng hưng phấn với nhiều năng lượng (cảm thấy rất vui, phấn khích, hoạt động quá mức), những thay đổi về tâm trạng và hoạt động đi kèm với các triệu chứng đặc trưng khác, có thể bao gồm: cảm giác tự tôn hoặc lòng tự trọng quá mức; nói nhanh và chuyển nhanh từ ý tưởng này sang ý tưởng khác; gặp khó khăn trong việc tập trung và dễ bị mất tập trung; giảm nhu cầu ngủ; hành vi liều lĩnh hoặc mạo hiểm, ví dụ như chi tiêu quá mức, hoạt động tình dục mạo hiểm, uống rượu hoặc làm hại bản thân hoặc người khác; và có những niềm sai lầm hoặc ý tưởng tự cao quá mức về bản thân
Ngược lại, trong giai đoạn trầm cảm, một người sẽ trải qua tâm trạng chán nản (cảm thấy buồn, cáu kỉnh, trống rỗng). Họ có thể cảm thấy mất hứng thú hoặc niềm vui trong các hoạt động hàng ngày, cảm thấy rất mệt mỏi hoặc năng lượng thấp. Các triệu chứng khác cũng xuất hiện, bao gồm: kém tập trung; cảm giác tội lỗi quá mức hoặc giảm lòng tự trọng ; cảm thấy vô vọng về tương lai; suy nghĩ về cái chết hoặc có ý định tự sát; giấc ngủ bị gián đoạn; thay đổi về cảm giác thèm ăn hoặc cân nặng. Giai đoạn trầm cảm khác với những thay đổi tâm trạng thường gặp ở hầu hết mọi người, các triệu chứng kéo dài hầu hết cả ngày, gần như mỗi ngày, trong ít nhất hai tuần.
Rối loạn lưỡng cực bắt đầu bằng giai đoạn cấp tính của các triệu chứng trầm cảm hoặc hưng cảm, sau đó là quá trình thuyên giảm và tái phát lặp đi lặp lại. Sự thuyên giảm giữa các giai đoạn thường hoàn toàn, nhưng nhiều bệnh nhân có các triệu chứng tồn dư gây suy giảm nghiêm trọng đến các mặt hoạt động. Bệnh nhân có thể có toan tự sát hoặc tự sát thành công. Tỷ lệ tự sát trong đời ở bệnh nhân rối loạn lưỡng cực được ước tính cao từ 20 đến 30 lần so với tỷ lệ trong dân số nói chung.
Điều trị rối loạn lưỡng cực
Có nhiều phương pháp điều trị rối loạn lưỡng cực, trong đó điều trị bằng thuốc là chủ yếu. Các thuốc điều trị bao gồm: Các thuốc chỉnh khí sắc, thuốc chống loạn thần thế hệ mới và thuốc chống trầm cảm. Các thuốc này có thể sử dụng đơn trị liệu hoặc điều trị kết hợp trong các giai đoạn điều trị đợt cấp hoặc duy trì. Việc lựa chọn cần cá thể hóa điều trị dựa trên tình trạng bệnh và tiền sử điều trị trước đó.
Các trị liệu tâm lý bao gồm trị liệu tâm lý cá nhân, trị liệu tâm lý nhóm nhằm mục đích giúp bệnh nhân thích nghi với quá trình điều trị, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống do rối loạn gây ra, nhận biết sớm, đề phòng tái phát, đồng thời hỗ trợ để người chăm sóc có thể hiểu rõ hơn rối loạn lưỡng cực, đạt được sự thông cảm, thấu hiểu và đồng hành thích hợp
Một số phương pháp điều trị khác như liệu pháp sốc điện, đã được chứng minh hiệu quả trong cả giai đoạn trầm cảm, hưng cảm, đặc biệt các trường hợp kháng trị. Kích thích từ xuyên sọ có ý nghĩa điều trị trong giai đoạn trầm cảm. Trị liệu ánh sáng cũng là một liệu pháp bổ sung trong điều trị các rối loạn cảm xúc theo mùa.
Chiến lược phòng ngừa và ứng phó
Không có cách chắc chắn để phòng ngừa rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, việc được điều trị sớm ngay khi có bất thường về sức khỏe tâm thần có thể giúp ngăn ngừa phát triển rối loạn lưỡng cực hoặc tình trạng rối loạn tâm thần khác trở nên nghiêm trọng hơn.
Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc rối loạn lưỡng cực, dưới đây là một số cách để ngăn các triệu chứng nhẹ phát triển thành các giai đoạn hưng cảm hoặc trầm cảm điển hình:
– Lưu ý đến các dấu hiệu cảnh báo: trao đổi với nhóm chăm sóc của bạn về các triệu chứng ngay từ sớm có thể giúp ngăn chặn các giai đoạn trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu bạn có thể nhận triệu chứng sớm ở mỗi giai đoạn rối loạn lưỡng cực của mình và những yếu tố kích hoạt chúng, hãy liên hệ ngay với bác sỹ nếu bạn cảm thấy mình đang bắt đầu có dấu hiệu tái phát.
– Đảm bảo ngủ đủ giấc, thực hành vệ sinh giấc ngủ đều đặn.
– Ưu tiên chế độ ăn uống cân bằng, dinh dưỡng; tránh xa rượu và ma túy. Uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích có thể khiến các triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn và dễ tái phát hơn.
– Tập thể dục đều đặn
– Tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định: tự ý ngừng thuốc hoặc giảm liều có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn hoặc tái phát.
Tóm lại, mặc dù đã được mô tả từ thời Hipocrat và đã được hoàn thiện về chẩn đoán cũng như nghiên cứu về các hướng điều trị mới, rối loạn lưỡng cực vẫn là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng khuyết tật ở những người trẻ tuổi, dẫn đến suy giảm nhận thức và chức năng đồng thời gây tăng tỷ lệ tử vong, đặc biệt là tử vong do tự sát. Tỷ lệ mắc các bệnh lý đồng diễn về tâm thần và y khoa cao. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về rối loạn lưỡng cực là rất cần thiết. Nhân ngày lưỡng cực thế giới 2025, hãy cởi mở và trung thực khi nói về rối loạn này, hãy chú ý đến cảm xúc bản thân và những người xung quanh, với bất kì ai có những biểu hiện như đã được nhắc đến ở trên, hãy đến gặp chuyên gia y tế để được giúp đỡ.
BS Lê Thị Thu Nguyệt
Tài liệu tham khảo
1. Global, regional, and national burden of 12 mental disorders in 204 countries and territories, 1990–2019: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2019- GBD 2019
2. Bipolar disorder- WHO 2024
3. Managing bipolar disorder in clinical practice- Eduard Vieta 2007
Bài viết liên quan:
https://benhvientamthanhanoi.com/roi-loan-luong-cuc/
https://benhvientamthanhanoi.com/tu-sat-trong-roi-loan-luong-cuc/
https://benhvientamthanhanoi.com/nguy-co-tu-sat-trong-roi-loan-luong-cuc/
https://benhvientamthanhanoi.com/lam-the-nao-de-co-mot-giac-ngu-tron-ven/